|
|
|
Toàn cảnh Hội thảo |
|
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, đồng thời là Giám đốc Dự án Nghiên cứu và giáo dục về Quyền con người phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, đồng thời là Giám đốc Dự án Nghiên cứu và giáo dục về Quyền con người (Dự án) khẳng định: Việc các nhà khoa học cùng nhau bàn luận những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn về cơ quan nhân quyền quốc gia có ý nghĩa thời sự đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Những vấn đề liên quan đến quy định quốc tế về chức năng, nhiệm vụ, các mối liên hệ giữa cơ quan này với chính phủ/các cơ quan nhà nước là mối quan tâm hàng đầu của Hội thảo, góp phần thiết thực cho việc tham vấn chính sách của Dự án về vấn đề này trong giai đoạn sắp tới.
Theo đó, các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận và nhận định vấn đề liên quan đến lịch sử, quy định quốc tế về cơ quan nhân quyền quốc gia và cho rằng cơ quan nhân quyền quốc gia là một cơ quan nhà nước được Hiến pháp và/hoặc pháp luật trao cho thẩm quyền bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Đây là một tổ chức đặc biệt và không giống bất kỳ một cơ quan nhà nước nào khác. Nó không chịu sự chi phối của bất kỳ cơ quan nào thuộc nhánh lập pháp, hành pháp hay tư pháp.
|
|
|
ThS. Nguyễn Linh Giang (áo tím) - Viện Nhà nước và Pháp luật trình bày tham luận tại Hội thảo |
|
TS. Nguyễn Văn Thuận, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày tham luận tại Hội thảo |
Thảo luận về mô hình các cơ quan nhân quyền quốc gia, ThS. Nguyễn Linh Giang, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Trên thực tế, các cơ quan nhân quyền không có mô hình chung, mỗi nước lại có những mô hình riêng từ tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ… Tuy nhiên, dù được tổ chức hoạt động theo mô hình nào, thì cơ quan này đều hướng tới hai mục tiêu: Thứ nhất, phải đảm bảo sự thúc đẩy chung về nhân quyền thông qua các hoạt động về thông tin và tăng cường nhận thức về nhân quyền. Thứ hai, là hành động trực tiếp và tham gia vào đóng góp ý kiến, ra các báo cáo, khuyến nghị cho các chính sách liên quan đến nhân quyền quốc gia…
ThS. Nguyễn Đức Chuyên, Trung tâm nhân quyền, Trường Đại học Luật, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Ưu điểm của cơ quan nhân quyền trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người quốc gia là ở chỗ, có thể tư vấn cho chính phủ trong việc hoàn thành các trách nhiệm quốc tế về nhân quyền, đảm bảo các nghĩa vụ quốc tế được thực thi một cách tốt nhất trong phạm vi quốc gia. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đóng vai trò trung gian để tương tác và trao đổi với chính phủ các chủ thể khác, đặc biệt là xã hội dân sự trong các chiến lược và chính sách bảo vệ quyền con người, khuyến khích đối thoại và thúc đẩy hợp tác.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội nhận định: Nhân dân đặt ra hiến pháp và trao quyền cho các thiết chế nhà nước để tổ chức và quản trị xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, luôn có xu hướng lạm quyền, tha hóa và tham nhũng quyền lực. Ngay trong lĩnh vực quyền con người, việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo thực hiện là trách nhiệm trước hết thuộc về các thiết chế lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng cũng chính đội ngũ này, dù vô tình hay hữu ý lại là đối tượng, chủ thể vi phạm nhân quyền. Vì vậy, thực tế đã đòi hỏi cần phải đa dạng hóa các loại hình cơ quan, thiết chế, bên cạnh những thiết chế đã có/truyền thống để thực hiện tốt hơn quyền kiểm soát quyền lực và các hoạt động của bộ máy nhà nước của nhân dân.
Từ kinh nghiệm thế giới và thực tiễn, câu hỏi đặt ra là Việt Nam có nên tổ chức cơ quan nhân quyền quốc gia chuyên trách hay không? Các nhà khoa học cho rằng việc thành lập cơ quan nhân quyền ở nước ta lúc này là cần thiết bởi lẽ: Thứ nhất, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người không chỉ là nhiệm vụ quốc gia mà còn là nghĩa vụ quốc tế; Thứ hai, hiện nay nước ta cũng như nhiều nước khác đã, đang và sẽ phải giải quyết nhiều hơn các vấn đề về quyền con người ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế; Thứ ba, việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia hoạt động chuyên trách là thêm một thiết chế bên cạnh quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước để thực thi có hiệu quả vấn đề nhân quyền ở nước ta.
Phạm Vĩnh Hà