|
Đến dự Hội thảo có: PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Phó Chủ nhiệm Chương trình; PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, và TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình; và một số nhà khoa học là chủ nhiệm các đề tài thuộc chương trình: GS.TS. Trịnh Duy Luân, GS.TS. Vũ Dũng, PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TS. Nguyễn Chiến Thắng, TS. Đặng Thị Hoa, cùng đại diện một số đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ. Nhiều nhà quản lý và các nhà khoa học đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, các trường đại học quan tâm đến nghiên cứu vấn đề gia đình cũng đến dự: Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Đại học Kinh tế quốc dân; GS.TS. Tô Duy Hợp, Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm; GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); GS.TS. Nguyễn Qúy Thanh, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và phát triển; PGS.TS. Mai Văn Hai, Viện Xã hội học; TS. Nguyễn Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em; PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa; ThS. Nguyễn Bích Ngọc, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội;...
|
|
|
|
|
Thừa ủy quyền của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh cho biết: Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, xét đề nghị của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ngày 20/6/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chương trình gồm 12 đề tài thành phần và 01 nhiệm vụ “Báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ”. Các đề tài thuộc Chương trình được phê duyệt và ký hợp đồng có thời gian thực hiện từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 4 năm 2018. Riêng Nhiệm vụ xây dựng Báo cáo tổng hợp của Chương trình có thời gian thực hiện đến năm 2019, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của 12 đề tài thuộc Chương trình và một số kết quả phân tích bổ sung.
Thừa ủy quyền của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, phát biểu đề dẫn Hội thảo GS.TS. Nguyễn Hữu Minh đã giới thiệu một số mục tiêu nghiên cứu chủ yếu của Nhiệm vụ Báo cáo tổng hợp là: (1) Mô tả các đặc điểm cơ bản của gia đình Việt Nam (gia đình ở các vùng miền, khu vực, dân tộc/tôn giáo) trên các khía cạnh: Đặc điểm nhân khẩu-xã hội hộ gia đình, đặc điểm hôn nhân, mối quan hệ vợ-chồng, quan hệ cha mẹ-còn cái, mâu thuẫn/xung đột và bạo lực gia đình, điều kiện sống và phúc lợi gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình; (2) Nhận diện thực trạng, xu hướng và nguyên nhân biến đổi của cơ cấu và các mối quan hệ gia đình từ khi Đổi mới đến nay và tác động của xu hướng đó đối với sự phát triển kinh tế-xã hội; (3) Nhận diện thực trạng, xu hướng và nguyên nhân biến đổi của chức năng gia đình từ khi Đổi mới đến nay và tác động của xu hướng đó đối với sự phát triển xã hội; (4) Nhận diện thực trạng và xu hướng biến đổi văn hóa gia đình và tác động của sư biến đổi văn hóa, gia đình đối với sự phát triển xã hội, đối chiếu với những yêu cầu xây dựng nền văn hóa gia đình mới; (5) Phân tích mối quan hệ cơ bản giữa gia đình, cộng đồng và nhà nước trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập, đặc biệt xác định vai trò của nhà nước và cộng đồng đối với gia đình và tác động trở lại của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, nhận diện xu hướng biến đổi của mối quan hệ này trong giai đoạn tiếp theo; (6) Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, nêu ra những đề xuất pháp luật, chính sách về gia đình, đáp ứng yêu cầu quản lý có hiệu quả văn hóa gia đình.
|
Sau báo cáo của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Hội thảo được chia làm 2 tiểu ban.Tiểu ban 1: Chính sách và thực tiễn về sự biến đổi gia đình Việt Nam, có các tham luận: (1) “Một số vấn đề về bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em và người già trước sự biến đổi gia đình” do ThS. Nguyễn Bích Ngọc trình bày; (2) “Mô hình phòng chống bạo lực gia đình” - GS.TS. Lê Thị Quý; (4) “Gia đình cùng giới: Hiện thực xã hội và một số vấn đề lý luận cơ bản” - PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương.
Tiểu ban 2: Những vấn đề chung về lý luận và phương pháp nghiên cứu sự biến đổi gia đình, có các tham luận: (1) “Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà nước, cộng đồng và gia đình” do GS.TS. Vũ Dũng trình bày; (2) “Mấy vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu gia đình Việt Nam hiện nay” - PGS.TS. Mai Văn Hai; (3) “Xã hội hoá và truyền thông đại chúng” - PGS.TS. Mai Quỳnh Nam; (4) “Đề xuất khung phân tích hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo trong gia đình Việt Nam hiện nay” - TS. Nguyễn Quốc Tuấn.
Sau 2 phiên tiểu ban, Hội thảo họp phiên toàn thể, được nghe tham luận “Một số vấn đề về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu an sinh xã hội của gia đình” do PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày.
Các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận xung quanh những vấn đề về các nội dung nghiên cứu nêu trên đã đầy đủ để đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam; Sự phù hợp trong cách tiếp cận và nguyên tắc đánh giá; Các phương pháp nghiên cứu chung mà các đề tài cần quan tâm; Việc sử dụng ngân hàng dữ liệu chung của Chương trình…
Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Nhiệm vụ sẽ hoàn thiện khung phân tích, bộ công cụ nghiên cứu và triển khai các hoạt động khảo sát thực nghiệm. Hội thảo tạo không gian trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức giữa các nhà khoa học nghiên cứu về gia đình và sự biến đổi của gia đình. Những kết quả rút ra từ hội thảo này góp phần cung cấp cơ sở lý luận khoa học và phương pháp luận trong việc nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.
Nguyễn Thu Hà