Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu về hôn nhân”

17:00 10/11/2016
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quản lý, được sự đồng ý của Ban chủ nhiệm Chương trình, ngày 9 tháng 11 năm 2016 tại Hội trường Viện Nghiên cứu Gia đinh và Giới, 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Ban chủ nhiệm Đề tài “Những đặc điểm cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam hiện nay và những yếu tố ảnh hưởng” mã số KHXH-GĐ/16-19/02 do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh làm Chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu về hôn nhân”.

GS.TS. Nguyễn Hữu Minh và TS. Trần Thị Minh Thi <br> đồng chủ trì Hội thảo

Đến dự Hội thảo có: Đại diện Ban chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Chương trình cấp Bộ nghiên cứu Gia đình, các Chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình: GS.TS Trịnh Duy Luân, GS.TS Vũ Dũng, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TS. Nguyễn Chiến Thắng, TS. Trần Thị Minh Thi, TS. Đặng Thị Hoa; cùng đại diện một số đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ, các nhà khoa học đại diện cho các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học, như: TS. Nguyễn Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em; TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Nguyễn Thị  Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học; PGS.TS. Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học; PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội; TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người; TS. Nguyễn Thị Như Trang, Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội; TS. Đỗ Thị Lệ Hằng, Viện Tâm lý học; TS. Hồ Thị Thanh Nga, Viện Nghiên cứu Văn hóa; …

Hội thảo do TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình, đại diện cơ quan chủ trì đề tài và GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì. Trong phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Minh Thi cho biết: trong những năm qua Việt Nam đã có những khảo sát và nghiên cứu cấp quốc gia về gia đình và hôn nhân Việt Nam, như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, năm 2009 – Một số đặc điểm về hôn nhân và gia đình, điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam được tiến hành 2 năm/lần; điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì… Các khảo sát này trên một số khía cạnh đã mô tả những đặc điểm khác nhau của hôn nhân và gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, trên bình diện khoa học chưa có một nghiên cứu nào mang tính hệ thống và toàn diện mô tả những đặc điểm của thiết chế hôn nhân ở Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, chỉ ra được những yếu tố, kinh tế, văn hóa, xã hội tác động đến gia đình. Vì vậy, đề tài của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh có một vai trò rất quan trọng trong số 13 đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

GS.TS. Nguyễn Hữu Minh báo cáo tại Hội thảo       TS. Trần Thị Minh Thi phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh đã nêu rõ mục tiêu, nội dung nghiên cứu của đề tài, đó là: Xác định các đặc điểm của sự hình thành hôn nhân; Các đặc điểm sắp xếp nơi ở sau kết hôn; Nhận diện những trải nghiệm hôn nhân của các cặp vợ chồng, đặc biệt trong giai đoạn đầu chung sống; Đánh giá chất lượng một số khía cạnh của hôn nhân; Đánh giá tác động của các điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội đến hôn nhân hiện nay; và dự báo xu hướng biến đổi đặc điểm hôn nhân ở nước ta trong thời gian tới và đề xuất những định hướng chính sách cho vấn đề hôn nhân.

Đề tài sẽ tập trung nghiên cứu về đặc điểm hôn nhân ở nước ta hiện nay, như: tình trạng hôn nhân, số lần kết hôn, vấn đề hôn nhân cận huyết; Về tìm hiểu và lựa chọn bạn đời: ý nghĩa của hôn nhân trong cuộc sống, môi trường và hình thức tìm hiểu, tiêu chí lựa chọn bạn đời, người quyết định hôn nhân, và cách thức quyết định hôn nhân; Về tuổi kết hôn và nơi ở sau khi kết hôn: tuổi kết hôn trung bình lần đầu, tuổi kết hôn sớm, các loại hình sắp xếp nơi ở hiện tại, các loại hình sắp xếp nơi ở ngay sau khi kết hôn, quan niệm về sống chung/sống riêng; Về trải nghiệm và chất lượng hôn nhân: cách ứng xử giữa vợ và chồng, đời sống cảm xúc của vợ chồng, các biến cố xảy ra trong đời sống vợ chồng và cách ứng phó, sự hài lòng/không hài lòng trong hôn nhân, chia sẻ thời gian và hoạt động giữa vợ và chồng…

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo được nghe các báo cáo viên trình bày các tham luận: (1) Một số cách tiếp cận nghiên cứu hôn nhân - GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày; (2) Khuôn mẫu cư trú sau hôn nhân từ tiếp cận sinh thái học văn hóa và hàm ý đối với nghiên cứu khuôn mẫu cư trú sau hôn nhân ở Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; (3) Một số vấn đề về phương pháp đo lường chất lượng hôn nhân - PGS.TS. Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học; (4) Đánh giá, đo lường chất lượng hôn nhân (qua tìm hiểu một số nghiên cứu trên thế giới) - TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người; (5) Một số vấn đề phương pháp nghiên cứu hôn nhân cận huyết cần quan tâm ở Việt Nam  - TS. Nguyễn Đức Mạnh, Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lý luận và phương pháp luận nghiên cứu hôn nhân ở Việt Nam và trên thế giới. Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.

Nguyễn Thu Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác