Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; TS. Nguyễn Ngọc Mai và TS. Hoàng Văn Chung, thư ký Đề tài; PGS.TS. Trần Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Viện Xã hội học; TS. Lê Đức Hạnh, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó trưởng ban Ban Quản lý khoa học Viện Hàn lâm cùng các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Tôn giáo và các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Mai nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến tham dự hội thảo; đồng thời nêu rõ mục đích của Hội thảo nhằm: xác định rõ các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vai trò của hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trong gia đình Việt Nam hiện nay; mối quan hệ và sự chi phối qua lại giữa hoạt động tín ngưỡng tôn giáo và các hoạt động sống chung của gia đình Việt Nam hiện nay.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Tuấn nêu rõ 4 mục tiêu, nội dung nghiên cứu của Đề tài: Đề xuất cơ sở lý thuyết trên cơ sở phân tích thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình hiện nay; Làm rõ và phân tích thực trạng các loại hình hoạt động tôn giáo dựa trên các giá trị tôn giáo; Đánh giá tác động của các hoạt động tôn giáo đến gia đình Việt Nam hiện nay; Khuyến nghị một số giải pháp, định hướng chính sách xây dựng gia đình từ chiều kích hoạt động tôn giáo và giá trị tôn giáo.
Đề tài khảo sát, phân loại các loại hình hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo trong giai đoạn hiện nay; làm rõ câu hỏi nghiên cứu (hoạt động tôn giáo có vị trí và thỏa mãn nhu cầu gì trong gia đình?); Đo mức độ gắn kết, quan tâm đến niềm tin và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Trên cơ sở đánh giá, tác động đề xuất các giải pháp, định hướng chính sách.
Đề tài sẽ tập trung nghiên cứu hoạt động tôn giáo là 1 trong 5 loại hoạt động cơ bản của gia đình Việt Nam (hoạt động sinh kế, giáo dục, duy trì nòi giống, tâm linh và tôn giáo); xác định đối tượng nghiên cứu (hoạt động gia đình đơn tôn giáo và hoạt động gia đình đa tôn giáo); áp dụng những lý thuyết cơ bản (lý thuyết thực thể tôn giáo, lý thuyết hành động xã hội, lý thuyết hệ thống) nhằm kiến giải vấn đề nghiên cứu; đề xuất 03 câu hỏi lớn thể hiện khả năng đóng góp của Đề tài.
1.Gia đình Việt Nam có chức năng tâm linh tôn giáo hay không?
2.Những tác động, hệ quả, ảnh hưởng của hoạt động tôn giáo này đối với cá nhân, gia đình Việt Nam có thực sự đem lại hiệu quả tích cực mong muốn hay không?
3.Trong đường hướng, chính sách, hướng đích xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kì chương trình đề ra là hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, gia đình Việt Nam với hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo có thích ứng được với sự biến đổi của xã hội hay không?
|
|
|
Sau khi nghe TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo, Hội thảo được nghe các tham luận của các diễn giả đến từ Viện Nghiên cứu Tôn giáo: (1) “Một số vấn đề về lý luận và phương pháp luận nghiên cứu đánh giá tác động của hoạt động tôn giáo với gia đình Việt Nam- TS. Nguyễn Ngọc Mai; (2) “Bảng hỏi về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình Việt Nam hiện nay: Bản sửa đổi, bổ sung”- TS. Hoàng Văn Chung; (3) “Một số phương pháp và lưu ý khi điều tra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình Việt Nam hiện nay” – TS. Lê Đức Hạnh; (4) “Sinh hoạt tôn giáo và yếu tố kinh tế của đời sống tín đồ (trường hợp gia đình Tin Lành tại Việt Nam)”- NCS. Nguyễn Xuân Hùng; (5) “Hoạt động tôn giáo trong gia đình Công giáo Việt Nam” – NCS. Ngô Quốc Đông; (6) “Thực hành Phật giáo của gia đình Phật giáo ở Việt Nam hiện nay”- ThS. Phạm Thị Chuyền và Nguyễn Thị Trang…
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học có cơ hội trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quí báu, tri thức về lý luận và phương pháp luận nghiên cứu, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu định lượng (khảo sát bằng bảng hỏi) về hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo trong gia đình Việt Nam hiện nay. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nguyễn Thu Trang