![PG.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình phát biểu khai mạc](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/bg-5.8.2024-v1.jpg)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PG.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã cho triển khai một số nghị quyết quan trọng trực tiếp liên quan đến bảo vệ an ninh và phát triển vùng biên giới theo hướng bền vững. Đáng chú ý là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (ban hành ngày 28 tháng 9 năm 2018); Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành ngày 25/2/2021); Nghị quyết của Chính phủ số 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền (ban hành ngày 2/3/2022)… Trong bối cảnh như vậy, việc nhận diện đúng và đầy đủ thực trạng và hiểu rõ hơn bản chất của các vấn đề đang nổi lên cũng như dự báo xu hướng phát triển và đánh giá các yếu tố tác động ở vùng biên giới nước ta hiện nay có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, góp phần vào sự đảm bảo an ninh, chính trị, từ đó ổn định và phát triển của vùng biên giới nói riêng và của quốc gia đa dân tộc, đa văn hoá Việt Nam nói chung.
PGS.TS Chu Văn Tuấn nhấn mạnh, Hội thảo nhằm tổng kết và đánh giá những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực trọng yếu này thời quan qua; khái quát, phân tích những khó khăn, thách thức, trở ngại…Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động trong các lĩnh vực đó, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu của phát triển bền vững.
![Quang cảnh hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/bg-5.8.2024-v2.jpg)
Phân tích về thực trạng bảo vệ môi trường vùng biên giới đất liền và nhận diện những vấn đề đang đặt ra, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho biết, tại Việt Nam, an ninh môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng và diễn ra hết sức phức tạp. Tình hình gia tăng dân số, thâm canh nông nghiệp, nhất là quá trình đô thị hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đang ảnh hưởng lớn đến an ninh môi trường. Thêm vào đó là các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch đang là nguyên nhân cơ bản gây nên nguy cơ mất an ninh môi trường, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nước ta hiện nay. Hầu hết môi trường đất, nước, không khí tại các khu dân cư, khu công nghiệp, từ thành thị đến nông thôn đã và đang bị xuống cấp, trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước ta đã rất coi việc bảo đảm an ninh môi trường, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Do đó, TS. Nguyễn Song Tùng cho rằng, vấn đề an ninh môi trường vùng biên giới cần phải được quan tâm chú ý để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh chính trị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nói chung.
Các đại biểu tham dự phát biểu, trao đổi, trình bày tham luận tại hội thảo
Trao đổi về thực trạng khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng biên giới đất liền Việt – Trung, ThS. Hồ Diệu Huyền, Viện Nghiên cứu Tây Á, Nam Á và Châu Phi cho biết, đối với tài nguyên nước, hệ thống sông khu vực biên giới đất liền Việt – Trung đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, tạo cảnh quan thiên nhiên và khí hậu đặc sắc cho khu vực. Vấn đề quản lý và hợp tác trong khai thác và sử dụng hệ thống sông xuyên biên giới luôn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều tác động xấu tới môi trường nước, lưu lượng sử dụng nước,… bởi phụ thuộc vào hoạt động khai thác quản lý, sử dụng của các quốc gia đầu nguồn.
Đối với tài nguyên đất, khu vực biên giới Việt - Trung chịu tác động của khí hậu lạnh lục địa. Vào mùa rét có sương muối, gây thiệt hại lớn cho mùa màng, gia súc; lượng mưa ít gây thiếu nước cho cây trồng, cho sinh hoạt của người và cho gia súc. Còn mùa mưa với lưu lưu lượng lớn, kết hợp với địa hình dốc, lòng sông hẹp nên gây ra nhiều trận lũ quét, lũ ống lớn, gây thiệt hại lớn cho người, tài sản, mùa màng, gia súc, đặc biệt là hệ thống đường giao thông.
Thực tế trên, ThS. Hồ Diệu Huyền cho rằng cần cũng đặt ra bài toán về công tác khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Chia sẻ về quan hệ dân tộc xuyên quốc gia tại các vùng biên giới của Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp, ThS. Trương Thị Hồng Gái, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cho biết, mặc dù mối quan hệ dân tộc xuyên quốc gia cũng góp phần đem lại nhiều lợi ích cho việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhưng bên cạnh đó cũng gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn, Nhìn tổng thể, các tộc người của nước ta chưa có nhiều ưu thế trong quan hệ với đồng tộc ở nước khác. Chính vì vậy, ThS. Trương Thị Hồng Gái đề xuất, Đảng và Nhà nước ta cần có những đường lối và chính sách đúng đắn, phù hợp nhằm phát triển kinh tế- xã hội vừa bảo đảm bền vững chủ quyền biên giới, trật tự xã hội. Cụ thể là, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng biên giới, gắn với xây dựng “thế trận lòng dân”; tăng cường ý thức quốc gia – dân tộc của người dân bằng cách đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt ở các tộc người ở vùng biên giới; đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả của các chính sách đối với từng tộc người cụ thể, xây dựng một số trung tâm phát triển kinh tế- xã hội cho các dân tộc vùng biên.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung khác như: Bảo vệ môi trường biên giới đất liền- thực tiễn, vấn đề và giải pháp; hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay như: Diện mạo, vấn đề đặt ra và một số kiến nghị; thực trạng khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng biên giới đất liền Việt- Trung.
Phát biểu kết luận, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chương trình cho biết các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội thảo là rất bổ ích, giúp nhận diện, đánh giá hiện trạng đảm bảo an ninh, chính trị và bảo vệ môi trường vùng biên giới đất liền, cung cấp các cơ sở lý luận và thực tiễn, các giải pháp và khuyến nghị chính sách quan trọng cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển vùng biên giới đất liền và trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với các nước láng giềng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị bền vững.
![Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/bg-5.8.2024-v7.png)
PV.