Hội thảo khoa học “Doanh nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề tại khu vực đồng bằng sông Hồng: thực trạng và giải pháp”

17:00 03/12/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ đề tài do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ “Nhận thức, thái độ và hành vi của lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững tại một số làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng” Mã số: 603.99-2018.301 do TS. Nguyễn Thị Ngọc làm chủ nhiệm, Viện nghiên cứu Châu Âu là cơ quan chủ trì đề tài. Sáng ngày 03/12/2020, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu tổ chức hội thảo với chủ đề: “Doanh nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề tại khu vực đồng bằng sông Hồng: thực trạng và giải pháp”.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học đến từ Đại học Mỏ địa chất; Đại học Kinh tế, Kỹ thuật Hưng Yên; Viện Địa lý, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cùng đại diện các đơn vị trực thuộc và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan trong và ngoài Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

GS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á phát biểu tại Hội thảo PGS.TS. Đặng Minh Đức, Viện Nghiên cứu châu Âu phát biểu tại Hội thảo

Ở Việt Nam, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, tiếng ồn, biến đổi khí hậu…., đặc biệt là ở khu vực đô thị và khu vực làng nghề ở vùng nông thôn. Thực tế cho thấy, tại khu vực nông thôn Việt Nam, làng nghề góp phần quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của người dân. Để mở rộng thị trường, nâng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của làng nghề, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xu thế hội nhập, những năm gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân gắn với làng nghề ra đời. Các doanh nghiệp này đang dần khẳng định được vị trí của mình trên thị trường đồng thời định hướng hoạt động sản xuất tại chính làng nghề.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, cho biết: Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề nói chung còn manh mún, khai thác từ nguồn nguyên tự nhiên tại các địa phương. Các làng nghề đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng lề nguyên nhân xuất phát từ công nghệ và kỹ thuật áp dụng cho sản xuất còn lạc hậu; nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn chưa cao; các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, nằm trong khu dân cư, mặt bằng chật hẹp cho nên khó xây dựng hệ thống xử lý môi trường; hộ sản xuất và doanh nghiệptrong làng nghề xả thải trực tiếp nước thải, khí thải, chất thải rắn ra môi trường, chưa quan tâm và đầu tư thích đáng nhằm giảm ô nhiễm… Vì vậy, ô nhiễm môi trường đã và đang tiếp tục trở thành mối đe dọa thường trực đối với môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng dân cư sống trong các làng nghề, người dân khu vực xung quanh làng nghề.

PGS.TS. Đặng Minh Đức, khẳng định: Đảng và nhà nước có nhiều biện pháp khác nhau nhằm bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững. Điều này cũng đã được nêu trong trong các văn kiện đại hội đảng IX, X, XI, XII và định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi các giải pháp này còn gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp và người dân vẫn chủ yếu ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế mà ít quan tâm tới mục tiêu xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó có cả các doanh nghiệp và người dân ở khu vực làng nghề nói chung và làng nghề ở khu vực đồng bằng Sông Hồng nói riêng. Nói cách khác, người dân và doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự quan tâm tới hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững.

Hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận với 5 báo cáo được trình bày tập trung vào những nội dung chính: (1) Phát triển làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng – nhìn từ các hình thức tổ chức kinh doanh của NCS. Phạm Thu Trang, Đại học Mỏ địa chất; (2) Vai trò của doanh nghiệp từ góc nhìn quản trị phát triển bền vững toàn cầu của TS. Đinh Thị Ngọc Bích, Viện Nghiên cứu châu Âu; (3) Hoạt động bảo vệ môi trường theo hướng bền vững của doanh nghiệp tư nhân tại một số làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng của ThS. Trần Thị Thu Huyền, Viện Nghiên cứu châu Âu; (4) Giảipháp giảm thiểu rủi ro hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước Tây Nam Á của ThS. Trần Ngọc Diễm, Viện Nghiên cứu Ấn độ và Tây Nam Á; (5) Chính sách bảo hộ thương mại của Ấn Độ, Pakistan và những đề xuất cho Việt Nam của ThS. Nguyễn Lê Thi, Viện Nghiên cứu Ấn độ và Tây Nam Á.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề, giúp nhận diện được thực trạng vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường đã, đang diễn ra tại các làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng; đồng thời thấy được vai trò, sự thạm gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề. Đây là cơ sở giúp làng nghề phát triển ổn định, bền vững.

TS. Nguyễn Thị Ngọc, chủ nhiệm đề tài phát biểu

Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Ngọc cho biết: (i) Làng nghề ở nước ta có thuyền thống lịch sử lâu đời, các làng nghề được hình thành từ hàng ngàn năm trước đây cùng với quá trình phát triển của nền văn minh nông nghiệp. Làng nghề Việt Nam hình thành, tồn tại, trải qua nhiều thăng trầm, tuy nhiên nó vẫn chứng tỏ được sức sống bền bỉ, góp phần gìn giữ truyền thống của dân tộc và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển; (ii) Hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng diễn ra khá sôi động, được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như hộ kinh doanh các thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã…. Trong đó doanh nghiệp sở hữu tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động tại các làng nghề; (iii) Vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra đáng báo báo động tại hầu hết các làng nghề trong khi đó việc xử lý ô nhiễm còn nhiều hạn chế. Một phần xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân trong các làng nghề chưa cao, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, nằm xen kẽ giữa các khu dân cư...  (iv) Để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề đòi hỏi Việt Nam phải có các biện pháp có tính chất tổng hợp, từ vấn đề chính sách pháp luật, vấn đề cơ chế, tài chính rồi vấn đề quản lý trong cộng động thôn xã rồi cả những vấn đề kỹ thuật, trong đó quan trọng nhất là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề; (v) Các sản phẩm sản xuất từ làng nghề Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, có thế mạnh xuất khẩu sang nước ngoài. Điều này có được bởi Việt Nam có số lượng làng nghề khá lớn, tập trung, các làng nghề này được hình thành từ lâu đời nên các sản phẩm tạo được chỗ đứng nhất định tại thị trường trong và người nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất, cũng như xuất khẩu các sản phẩm từ làng nghề sang thị trường các nước còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có các rào cản kỹ thuật về bảo vệ môi trường, về văn hoá….

PV.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác