Hội thảo khoa học “Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế”

17:00 31/03/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 31/03/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế”. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp...

Chủ tọa điều hành hội thảo

Trong những năm qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có bước phát triển, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, khẩn trương, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương, kịp thời ban hành quy định nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có DNNN, qua đó thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phục hồi nền kinh tế đất nước. 

Ông Vũ Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu chào mừng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại cho biết, với quá trình đẩy mạnh cổ phần hoá, số lượng DNNN giảm dần, chiếm tỷ trọng thấp về số lượng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, song vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, tạo nguồn doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, hiện sự phát triển khu vực doanh nghiệp này đang đặt ra không ít vấn đề như hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; DNNN với số vốn lớn nhưng lại chưa thể phát huy hết được năng lực trong phát triển kinh tế; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua còn chậm chưa đạt kế hoạch đề ra; một số DNNN quy mô lớn trong lĩnh vực then chốt chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình…

Tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới khu vực DNNN với biện pháp trọng tâm là cổ phần hóa, số lượng DNNN đã giảm nhiều, song khu vực này vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, tạo nguồn doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, hiện nay số lượng DNNN tuy không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và hơn 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh. Cùng với đó, khối doanh nghiệp này đang góp phần tạo việc làm cho người lao động, điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn. Với quá trình đẩy mạnh cổ phần hoá, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm dần, chiếm tỷ trọng thấp về số lượng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Song, DNNN vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, tạo nguồn doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng bảo đảm vai trò của mình trong nền kinh tế, sự phát triển khu vực DNNN đã và đang đặt ra không ít vấn đề như hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Cụ thể, hiện nay DNNN đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại 60% GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi đó khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN, như vậy, khu vực DNNN sử dụng vốn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế quản trị doanh nghiệp còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, tính công khai, tính minh bạch còn hạn chế…

PGS.TS. Hồ Sĩ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu

Tại hội thảo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận các chủ đề: Một số chủ trương lớn cần thay đổi để phát triển DNNN hiện nay; Thực trạng hoạt động DNNN quy mô lớn, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty và đề xuất một số giải pháp đột phá nhằm củng cố, phát triển tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong thời kỳ mới; Hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN; Hiệu quả hoạt động và quản trị DNNN trong bối cảnh phát triển mới: Vấn đề và giải pháp; Những “điểm nghẽn” và những vấn đề đặt ra trong cơ chế, chính sách phát triển và quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện nay; Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ: trường hợp Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel)...

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Một số DNNN quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh do một số những tồn tại, hạn chế. “DNNN còn thiếu tự chủ, điều này cản trở các DNNN tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế còn hạn chế. Vấn đề này xuất phát từ việc DNNN chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Hiện nay, một số bộ đang được giao quản lý DNNN nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể cơ quan nào có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN. Hệ thống quản lý, giám sát rườm rà bởi nhiều quy định, không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Trung, nhấn mạnh, cần có 4 giải pháp đột phá nhằm củng cố và phát triển tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Thứ nhất, tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác; Thứ hai, mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số; Thứ ba, xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN; Thứ tư, tạo cơ chế chính sách để Nhà nước hoặc DNNN tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc cùng phối hợp với các DNNN khác…

Cũng tại hội thảo, PGS.TS. Hồ Sĩ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nêu quan điểm, về đất, tài sản công... hiện doanh nghiệp là người sử dụng đi rà soát, trong khi địa phương và các bộ, ngành kiểm soát vấn đề này. Thứ nữa là nhiệm vụ chính trị xã hội chưa có ai giao vấn đề này. Nếu giao thì DNNN lại dùng nguồn lực như nào làm, hiệu quả không sao, nhưng nếu không hiệu quả thì người giao nhiệm vụ này cũng phải gánh vác cùng doanh nghiệp. Ví dụ lương thực, khi có biến động mới thấy quan trọng, phải dự trữ để bán bình ổn, sẽ dẫn đến lỗ…

Hiện, đang thiếu đầu mối đồng bộ các chính sách của các bộ, ngành với nhau. Đơn cử, danh mục cổ phần hóa, thoái vốn của Bộ KH&ĐT đưa là hàng năm, nhưng Bộ Tài chính đưa ra thì phải vài năm. Chỉ các khâu từ quyết định đến lúc làm được phải 15 - 16 tháng. Cần phải phối hợp các bộ ngành với nhau như thế nào để đẩy nhanh và các thủ tục đầu tư làm sao cho thuận lợi? Tăng phân cấp, mà không tăng giám sát, đánh giá thì cùng không hiệu quả được. Bởi, cơ quan quản lý không phải người nắm chuyên môn sẽ rất khó đánh giá các yếu tố về kỹ thuật... Do đó, PGS.TS. Hồ Sĩ Hùng đưa ra đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng, cần thay đổi một số chủ trương lớn để phát triển DNNN hiện nay. Ông nhấn mạnh, cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác; củng cố, phát triển DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có thương hiệu lâu đời, bên cạnh khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ngày càng lớn mạnh sẽ là một trong những giải pháp quan trọng…

PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà nội cũng cho rằng, điểm tắc nghẽn trong cơ chế chính sách phát triển DNNN hiện nay là khung pháp lý thiếu ổn định và không rõ ràng đã kìm hãm đổi mới sáng tạo trong đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Quang Tuấn – Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Viettel phát biểu TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần thiết làm rõ nội hàm kinh tế nhà nước là chủ đạo, DNNN là nóng cốt; hoàn thiện quản trị bình đẳng, thống nhất giữa DNNN và doanh nghiệp khác, nhất là những khâu yếu như tuyển dụng, bổ nhiệm. Theo đó, xem xét sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện với các định hướng đột phá, tạo sự chủ động cho các DNNN….

Còn theo ông Nguyễn Quang Tuấn – Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), các DNNN vẫn bị cản trở tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo. Mặc dù Đảng đã có chủ trương “có chính sách cho DNNN đầu tư phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm và đầu tư vào đổi mới sáng tạo”, song chưa được thể chế hóa…

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Quang Tuấn đưa khuyến nghị, trước hết, cần mở rộng quyền tự chủ cho DNNN, chuyển đổi chính sách từ quản lý đầu vào sang quản lý mục tiêu và quản lý dựa trên kết quả. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong việc xây dựng nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ; hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp trong công tác dự báo, định hướng cũng như có những cảnh báo tốt đối với doanh nghiệp. Cần ban hành các chính sách hướng dẫn cụ thể để DNNN có thể tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào đổi mới sáng tạo…; đồng thời, xây dựng và thực thi các chính sách cụ thể để phát triển các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt về công nghệ bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số…

Hội thảo nhận được 06 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia. Hội thảo là dịp để các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế và khối DNNN chia sẻ về các giải pháp thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong việc quản trị tài chính và đầu tư, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới công nghệ và cải thiện năng lực quản trị trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp.

 

PV.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác