Tham dự Hội thảo có các đại biểu: GS.NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học; GS.AHLĐ. Vũ Khiêu; GS.NGND. Đinh Xuân Lâm; Ông Mai Vy, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng các đại biểu đến từ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các viện nghiên cứu và các trường đại học ở Hà Nội; các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội, tỉnh Sơn La, tỉnh Yên Bái…
GS.NGND. Phan Huy Lê, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, và PGS.TS. Đinh Quang Hải đồng chủ trì Hội thảo.
Thừa ủy quyền của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Đinh Quang Hải, Phó Viện trưởng Viện Sử học đọc diễn văn mạc, nêu rõ: GS. Văn Tân tên thật là Trần Đức Sắc, với các bút danh khác là Văn Giang, Cựu Kim Sơn, Dương Minh, Duy Minh… một trong những cán bộ đầu tiên của Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học, tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay. GS. Văn Tân là nhà hoạt động cách mạng, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, nhà từ điển học và nhà sử học lớn, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đối với sự phát triển của ngành khoa học xã hội nước nhà.
GS. Văn Tân tham gia cách mạng từ năm 1929 khi mới 16 tuổi. Năm 1930 ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 7 năm tù. Năm 1937, ra tù ông tham gia biên tập các báo công khai của Đảng như Thời thế, Thời báo, Tin tức và biên tập cuốn “Dân chúng” của Đảng. Năm 1939, ông lại bị bắt và bị tù cùng với Trần Huy Liệu, Văn Tiến Dũng… Năm 1940, ông bị đưa lên Nhà tù Sơn La, sau đó bị đưa đi an trí ở Hải Phòng, trại giạm Hỏa Lò (Hà Nội), rồi lên trại giam Nghĩa Lộ. Tại đây, ông cùng với Trần Huy Liệu, Vương Thừa Vũ… tổ chức cuộc khởi nghĩa, khởi nghĩa chưa thành công nhưng ông đã cùng các chiến sĩ khác vượt ngục thắng lợi. Sau đó ông bị bắt lại và bị đưa về nhà tù ở Yên Bái. Tháng 6 năm 1945, ông vượt ngục ra vùng Hiền Lương, Hạ Hòa góp phần xây dựng căn cứ, tổ chức đội du kích chống Nhật và kéo về giải phóng thị xã Yên Bái.
Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 11 năm 1945, Văn Tân được Đảng điều về phụ trách bộ Biên tập báo Cứu quốc, tham gia Ủy viên Ban Giám đốc Tòa soạn, rồi giữ chức vụ Chủ bút của báo Cứu quốc. Năm 1950, Văn Tân được điều sang công tác tại Vụ Văn học Nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục, đảm nhiệm Bí thư Chi bộ của Vụ. Tháng 8 năm 1952, ông được điều sang Khu học xá Nam Ninh tham gia giảng dạy triết học và biên soạn từ điển. Sau khi Miền Bắc được giải phóng, ông được điều về công tác tại Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng. Từ đây, sự nghiệp khoa học của GS. Văn Tân ngày càng được khẳng định với hàng loạt các công trình khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các công trình tiêu biểu gồm:
Về văn học có các tác phẩm: “Chống quan điểm phi vô sản về văn nghệ và chính trị” (1958), “Văn học trào phúng Việt Nam” (2 quyển, 1958), “Nguyễn Khuyến – Nhà thơ kiệt xuất” (1959), “Tiếng cười Việt Nam: nghiên cứu và phê bình văn học” (1965). Ông cùng với nhiều tác giả biên soạn bộ “Sơ thảo Lịch sử Văn học Việt Nam” (3 tập, 1958), đây là công trình đồ sộ và có giá trị lớn trong lĩnh vực nghiên cứu về văn học Việt Nam.
Về biên soạn từ điển có: “Từ điển Trung – Việt” gồm 1418 trang (1956), đây là cuốn từ điển Trung – Việt đầu tiên được biên soạn và xuất bản tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập tiếng Việt, nhất là phổ biến tiếng Việt ra nước ngoài, ông đã tổ chức biên soạn cuốn “Từ điển tiếng Việt”, sau 10 năm miệt mài, bền bỉ làm việc, năm 1967, cuốn “Từ điển tiếng Việt” dày 1176 trang được xuất bản. Đây là bộ “Từ điển tiếng Việt” đầu tiên được biên soạn dưới chế độ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Về sử học, tiêu biểu là các tác phẩm: “Vấn đề chính Đảng” (1945), “Cách mạng Tây Sơn” (1958), “Lịch sử Việt Nam sơ giản” (1963), “Nguyễn Huệ - Con người và sự nghiệp” (1967). Một số tác phẩm viết chung: “Thời đại Hùng Vương” (1965), “Ngô Thì Nhậm – Con người và sự nghiệp” (1974), “Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam thế kỷ 18”…
Về các bài báo: ông đã công bố 132 bài viết trên các tạp chí Văn - Sử - Địa, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Các bài viết của ông đề cập tới những vấn đề cấp bách của đất nước và của khoa học xã hội, làm rõ hơn các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn… các nhà bác học, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam.
Ông nhận được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000 cho hai tác phẩm: “Cách mạng Tây Sơn” và “Nguyễn Huệ - Con người và sự nghiệp”.
Hội thảo được nghe các phát biểu, tham luận của các nhà hoạt động cách mạng cùng thời với GS. Văn Tân, các nhà khoa học lão thành và các thế hệ nghiên cứu khoa học sau này, như GS.AHLĐ. Vũ Khiêu, Ông Mai Vy, PGS.TS. Trần Đức Cường, GS.NGND. Phan Huy Lê, GS. Bùi Đình Thanh, GS. Phong Lê, GS. Lê Văn Lan… Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 31 tham luận của các nhà khoa học, các nhà hoạt động cách mạng lão thành.
Cảm động trước tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ kế cận của GS. Văn Tân, thay mặt gia đình, anh Trần Đức Hải – con trai GS. Văn Tân - nghẹn ngào cảm ơn Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Lãnh đạo Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức buổi Hội thảo trang trọng này; cảm ơn các nhà khoa học, cán bộ Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã giúp đỡ chuẩn bị cho Hội thảo; cảm ơn tất cả đại biểu về sự ngưỡng mộ, quý trọng và tôn kính đối với GS. Văn Tân như cách đây 25 năm về trước khi Giáo sư còn sống.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật nêu rõ: GS. Văn Tân là một nhân cách lớn, một tài năng lớn, một ý chí lớn với sức làm việc hết sức bền bỉ mà không phải bất cứ nhà khoa học nào trong thời đại hiện nay có được. Tài năng của Giáo sư bao quát trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, và Giáo sư có những đóng góp xuất sắc trên các lĩnh vực đó.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo và các đại biểu tham dự, Viện Sử học xin trân trọng kiến nghị với Nhà nước, với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan một số vấn đề:
Thứ nhất, với sự nghiệp hoạt động cách mạng, sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đặc biệt trên lĩnh vực sử học rất đáng ghi nhận của Giáo sư Văn Tân đối với dân tộc, đối với đất nước, tên ông xứng đáng được đặt cho một đường phố của thành phố Hà Nội. Tại vùng Vân Canh quê hương của Giáo sư, chúng ta nên chọn một con phố khang trang, đẹp đẽ, đặt tên “Đường Văn Tân”.
Thứ hai, chỉ còn 3 năm nữa là tới năm 2016, có đợt phong tặng Giải thưởng khoa học công nghệ cho các công trình khoa học, cần phải chuẩn bị hồ sơ khoa học của GS. Văn Tân để đề nghị Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các công trình khoa học của ông.
Thứ ba, chúng ta cần có kế hoạch sưu tầm, thu thập tất cả các tác phẩm của GS. Văn Tân để in trọn bộ “Tổng tập Văn Tân”, vì đó phần lớn đều là những công trình khoa học có hàm lượng trí tuệ cao, vừa nghiêm túc, vừa uyên bác, rất cần cho công cuộc phổ biến kiến thức lịch sử dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân.
Hội thảo đã kết thúc thành công trong không khí trang trọng và ấm áp./.
Nguyễn Thu Hà