Hội thảo khoa học: Kết quả và vấn đề triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013

12:00 20/04/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 17/4/2014 tại Hội trường 3D trụ sở số 1A Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội), Viện Nhà nước và Pháp luật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm)) đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Kết quả và vấn đề triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013, với sự có mặt của đông đảo đại biểu đến từ các đơn vị trong và ngoài Viện.

GS. TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu chào mừng Hội thảo

Hội thảo được coi là một hoạt động quan trọng mà Viện Nhà nước và Pháp luật thực hiện nhằm làm rõ những nội dung cơ bản của Hiến pháp sửa đổi năm 2013; Đề xuất các định hướng triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013, bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời đại ngày nay.

Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý chính trị vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới. Đây là bản Hiến pháp vừa kế thừa các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp trước đây vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển năm 2011.

Trên cơ sở Nghị quyết số 64 của Quốc hội ngày 28/11/2013 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 718 ngày 2/1/2014 về kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32 ngày 3/1/2014 về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu chào mừng hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh: Hiện nay, Viện Hàn lâm đang thực hiện hai định hướng trong việc triển khai thi hành Hiến pháp đó là: Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và tìm hiểu những nội dung cơ bản của bản Hiến pháp sửa đổi; và Thực hiện “đặt hàng” các công trình nghiên cứu ở mọi cấp độ trên tinh thần của Hiến pháp mới.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, phát biểu đề dẫn Hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Phát luật khẳng định: Hội thảo được tổ chức - ngoài mục đích tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Hiến pháp sửa đổi năm 2013 - còn có mục tiêu thảo luận về mức độ thành công của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và tìm ra những vấn đề cần tiếp tục làm rõ trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Phó giáo sư, Viện trưởng hy vọng với tinh thần “khoa học và xây dựng”, Hội thảo sẽ là dịp để các nhà khoa học, các học giả… trong và ngoài Viện Hàn lâm cùng nhau thảo luận về những vấn đề liên quan.

Theo đó, các tham luận được trình bày tại Hội thảo đã đề cập đến nhiều vấn đề như: Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013; Cách tiếp cận quy định về nhân quyền trong Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Những nội dung cơ bản của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và định hướng triển khai; Những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và định hướng triển khai; Những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm giải trình của các cơ quan hiến định…

Các ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội thảo đề cập đến những điểm mới mà Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã đạt được đặc biệt là đối với vấn đề nhân quyền, quyền và nghĩa vụ công dân. GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Hiến pháp mới có những điểm rất sáng, nổi lên nhất đó là những quy định về quyền con người và quyền công dân. Điểm sáng đó không chỉ tập trung vào việc quy định ở chương II của Hiến pháp mà còn ở tất cả các chương điều khác, thể hiện sự phân công rạch ròi giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho ba chủ thể tương ứng là Quốc hội, Chính phủ và Tòa án. Đó là nền tảng của sự tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo nhân quyền cho một xã hội hiện đại”.

Có ý kiến cũng cho rằng so với các chương khác trong bản Hiến pháp, chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương được sửa đổi toàn diện và căn bản nhất. Những thay đổi này không chỉ nằm trong tư duy, quan điểm về vấn đề quyền con người mà nó còn là những thay đổi trong cả kỹ thuật lập hiến lẫn phương thức thể hiện… (ThS. Nguyễn Linh Giang, Viện Nhà nước và Pháp luật).

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, Viện Nhà nước và Pháp luật, phát biểu tại Hội thảo

 

Đề cập đến điểm mới của Hiến pháp năm 2013 về sự lãnh đạo của Đảng, Hội thảo nhất trí với đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương (Viện Nhà nước Pháp luật) cho rằng, bản Hiến pháp mới đã tiếp tục khẳng định sứ mệnh lịch sử của Đảng, khẳng định vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Nhận diện rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất của Đảng một cách công khai…

Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát khẳng định, các ý kiến trao đổi và tham luận tại Hội thảo đã đạt được yêu cầu mục đích của Hội thảo trong việc tổng kết các kết quả trong triển khai Hiến pháp năm 2013. Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa được thảo luận kỹ, nhưng các ý kiến tham luận đã cho thấy tầm quan trọng của việc nhận định các kết quả và những vấn đề cần triển khai trong nghiên cứu về Hiến pháp của Viện Nhà nước và Pháp luật trong giai đoạn tới.

Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác