Hội thảo khoa học kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại

17:00 08/08/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Năm 2015, để hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm và vinh danh 108 danh nhân văn hóa thế giới của UNESCO (trong đó có Nguyễn Du) tại Nghị quyết số 37C/15 được thông qua ở kỳ họp lần thứ 37 của UNESCO họp ở Paris ngày 25/10/2013, thực hiện Công văn số 8467-CV/VPTW ngày 15/8/2014 về chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới, để khẳng định thêm ý nghĩa của các giá trị vượt thời gian, vượt không gian do Nguyễn Du sáng tạo nên, ngày 8/8/2015, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du với chủ đề: Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị,<br> Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương <br> phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo

Đến dự Hội thảo có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương.

Về phía 2 cơ quan đồng chủ trì, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học; UBND tỉnh Hà Tĩnh có: ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội Tỉnh; ông Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; ông Lê Thành Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thiện, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện thường trực HĐND Tỉnh, Lãnh đạo UBND Tỉnh, Lãnh đạo Sở VHTT&DL cùng các lãnh đạo Sở, Ban, ngành, đoàn thể Tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Nghi Xuân, xã Tiên Điền - quê hương đại thi hào và đại diện dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên BCHTƯ Đảng,<br> Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo

Về phía các cơ quan Trung ương, có các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban KHCNMT Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Về phía các cơ quan địa phương, có: đại diện UBND tỉnh và các Sở, Ban, ngành tỉnh Bắc Ninh – quê mẹ đại thi hào; đại diện các Sở của thành phố Hà Nội.

Về phía các tổ chức quốc tế, có: đại diện của Đại sứ quán các nước Iran, Hàn Quốc, Nga, Lào, Trung Quốc, và đại diện của một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đến dự và đưa tin về Hội thảo, có phóng viên của các đài Truyền hình, đài phát thanh, các báo Trung ương, Hà Tĩnh và Hà Nội.

Hội thảo đã nhận được 108 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có 16 tham luận của các nhà khoa học và các dịch giả quốc tế đến ;từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Lào, Thái Lan, Pháp, Trung Quốc; 92 tham luận của các nhà khoa học Việt Nam đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước như: Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Kiều học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên, Học viện Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật và các nhà nghiên cứu ở Hà Tĩnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Bằng những thi phẩm mang tính nhân văn sâu sắc được thể hiện bằng nghệ thuật bậc thầy, tiếng thơ Nguyễn Du đã lay động đến cảm xúc, lương tâm và lòng trắc ẩn của mọi người Việt Nam, tạo nên những biểu tượng văn hóa dân tộc. Vượt biên giới không gian, Nguyễn Du đã đến với thế giới: ông đã được Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Vượt thời gian, thơ ông đến với đời sau, trở thành một hành trang tinh thần quý giá đối với người Việt trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong nhiều năm qua, các hoạt động nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy và quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Du luôn được quan tâm và thu nhiều kết quả mới, nhất là vào các dịp kỷ niệm các năm chẵn năm sinh của đại thi hào.

Các tham luận của Hội thảo được trình bày trong 2 tiểu ban. Tiểu ban 1: Cuộc đời, di sản của Nguyễn Du nhìn từ trong và ngoài quốc gia. Tiểu ban 2: Truyện Kiều - những phương thức diễn dịch và chuyển hóa. Các tham luận được trình bày và các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung trao đổi về các vấn đề mới, cụ thể là: 1) Tiếp tục đi sâu diễn giải, giải mã những vấn đề nội dung, ngôn ngữ và nghệ thuật của Truyện Kiều, từ đó khẳng định Nguyễn Du không chỉ ở tư cách nhà thơ mà còn ở tư cách nhà văn hóa và nhà tư tưởng; 2) Phân tích hành trình của đại thi hào được phản ánh trong tập thơ Bắc hành tạp lục, chỉ ra những nhận thức đa chiều của đại thi hào về đất nước Trung Hoa, trong đó có nhận thức về thực trạng tư tưởng và thực trạng xã hội Trung Hoa thời bấy giờ và tư tưởng giải ảo Trung Hoa trước sự đổ vỡ của tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam và khu vực; 3) So sánh Truyện Kiều và Nguyễn Du với các thi phẩm và thi hào trong khu vực và trên thế giới để chỉ ra tính tương đồng của các sáng tác đỉnh cao cũng như tính khác biệt của thiên tài Nguyễn Du và bản sắc văn hóa Việt Nam được thể hiện qua sáng tác của ông; 4) Việc tiếp nhận Truyện Kiều qua các giai đoạn lịch sử và tính vượt thời gian của sáng tác Nguyễn Du; 5) Đánh giá các bản dịch Truyện Kiều ra các ngôn ngữ khác trên thế giới (ba mươi thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Nhật, Trung, Nga, Hàn Quốc, Hunggari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ả Rập, Đức, Bungari, Rumani, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Lào, Thái Lan...) và trình bày các dự án dịch và dịch lại Truyện Kiều sang các ngôn ngữ khác đang được tiến hành, phân tích sự tiếp nhận Truyện Kiều ở các không gian văn hóa khác nhau, từ đó chỉ ra sức sống vượt không gian của tác phẩm Truyện Kiều với tính chất là một “tượng đài văn hóa” Việt Nam; 6) Truyện Kiều trong đời sống của người Việt ở nước ngoài; 7) Mối quan hệ giữa tài năng và sáng tạo của Nguyễn Du với môi trường địa-văn hóa Hà Tĩnh và vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa dòng họ Nguyễn Tiên Điền hiện nay.  

Thông qua việc tập hợp các tham luận và sự hội tụ của các nhà nghiên cứu về Nguyễn Du, Hội thảo đã chứng tỏ sự hùng hậu và tâm huyết của đội ngũ các nhà Nguyễn Du học, Kiều học của Việt Nam và quốc tế, trong đó, bên cạnh các thế hệ đàn anh, lớp bậc thầy (Ban Tổ chức Hội thảo đã tri ân tới PGS.TS. Nguyễn Văn Hoàn, người con của Nghệ Tĩnh, nhà Kiều học, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Kiều học Việt Nam, người đã có bài viết cuối đời gửi Hội thảo trước khi đi xa), đã xuất hiện các thế hệ nghiên cứu trẻ trong nước và quốc tế. Hội thảo cũng đã mở ra những hướng nghiên cứu mới, đặc biệt là các hướng văn học so sánh giữa Nguyễn Du với các thi hào của các dân tộc khác, giữa văn hóa, văn học Việt Nam và văn hóa, văn học các nước trên thế giới. Thành công của Hội thảo đã góp phần tạo ra một giai đoạn mới trong việc tìm hiểu, dịch thuật và nghiên cứu Nguyễn Du và sự nghiệp vĩ đại của ông, góp phần đưa những giá trị nhân văn bất hủ của ông cùng với cả dân tộc đến gần hơn với toàn nhân loại./.

PGS.TS. Trần Thị An

In trang Chia sẻ

Tin khác