Hội thảo khoa học “Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới”

17:00 24/11/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Hội thảo “Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới” là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau luận bàn, tổng kết những thành tựu đã đạt được, cũng như nhận diện những thách thức còn tồn tại và tìm kiếm các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn phục vụ các đường lối, chiến lược phát triển đất nước, cũng như phục vụ thiết thực vào công cuộc tư vấn chính sách phát triển cho Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tới.
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Sáng ngày 24/11/2023, tại Hội trường 3C, trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo khoa học “Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới” với sự tham dự của các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm…, hội thảo diễn ra còn nhận được sự quan tâm theo dõi của nhiều cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Tại diễn văn khai mạc, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm nhận định: Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước định vị được uy tín và vị thế, được bạn bè quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Từ một quốc gia nông nghiệp, đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, Việt Nam đã vươn lên phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 gần đây được duy trì ổn định ở mức khá, chất lượng tăng trưởng, an sinh xã hội từng bướcđược cải thiện. với mức độ ổn định kinh tế vĩ mô trên hầu hết các trụ cột.

Với chức năng là một cơ quan nghiên cứu đầu ngành về khoa học xã hội và nhân văn, qua nhiều lần tổng kết của Đảng và Nhà nước, Viện Hàn lâm luôn để lại những dấu ấn riêng, các nghiên cứu của Viện có nhiều đóng góp trực tiếp vào việc nghiên cứu tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn qua các chặng đường 20 năm, 30 năm, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện lý luận, điều chỉnh các chiến lược, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế…

TS Phan Chí Hiếu cho biết thêm: Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết “một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”, ở nhiệm vụ này, Ban chỉ đạo đã giao cho Viện Hàn lâm thực hiện 06 nhóm nội dung lớn, gồm 9 chuyên đề liên quan. Hội thảo được Viện Hàn lâm thực hiện cũng nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc nhiệm vụ này và là diễn đàn khoa học mà Viện Hàn lâm đang chung tay đồng hành cùng với các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương thực hiện các nhiệm vụ theo như được phân công.

 TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm khẳng định, gần 40 năm đổi mới là quá trình không ngừng tìm tòi sáng tạo, phát triển lý luận của Đảng ta với nhiều đột phá quan trọng như: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện tích cực chủ động hội nhập quốc tế.

Chặng đường gần 40 năm đổi mới đã cho thấy quá trình liên tục ứng phó linh hoạt với những thách thức biến động nhanh chóng phức tạp khó lường của tình hình thế giới; nhạy bén, kịp thời nắm bắt thời cơ, xử lý hiệu quả các mối quan hệ lớn trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là mối quan hệ giữa đổi mới ổn định và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất giữa Nhà nước và thị trường…

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Theo đó, Hội thảo đã được nghe các tham luận tập trung vào các vấn đề như: Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động tới Việt Nam qua 40 năm đổi mới và sự đổi mới tư duy và chính sách phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; một số vấn đề xã hội và quản lý phát triển xã hội trong giai đoạn mới; phát triển con người qua 40 năm đổi mới - một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra và những đề xuất trong bối cảnh mới hiện nay...

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những kết quả hết sức tích cực cho Việt Nam. Qua gần 40 năm Đổi mới, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản như không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế hoặc đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản... để tiến tới từng bước hoàn thiện quan niệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm trình bày tham luận tại Hội thảo

“Đưa ra quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận quan trọng và sáng tạo của Đảng ta, là một bước tiến về lý luận qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới. Đột phá lý luận này đã là cơ sở quan trọng cho việc vận dụng chính sách vào thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua. Qua đó, kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng và phát triển khá tốt được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, để sự đột phá lý luận đó phát huy hơn nữa được vai trò mở đường và tính lan tỏa của lý luận, rất cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nội dung còn chưa rõ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để có cơ sở khoa học cho việc thiết lập và phát triển tốt hơn một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường, một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của hài hòa xã hội”, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

Phân tích những vấn đề xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhận định: Có những vấn đề tiếp nối từ giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước song cũng có một số vấn đề và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Quản lý phát triển xã hội bền vững có vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống quản lý phát triển quốc gia, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, và của cả xã hội.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, trước hết cần tăng cường thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm vững chắc những thành quả của 40 năm Đổi mới, để mọi người dân được tham gia và thụ hưởng ngày một nhiều hơn trong quá trình xây dựng, kiến tạo, hội nhập và phát triển đất nước…

Có thể khẳng định, với các tham luận được trình bày, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học về những thành tựu đã đạt được trong 40 năm đổi mới, nhận diện rõ những khó khăn,nguyên nhân và hạn chế còn tồn tại. Đồng thời tìm kiếm các giải pháp góp phần có hiệu quả trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn để giúp Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển đất nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu đã nhiệt liệt cảm ơn những trao đổi quý báu của các đại biểu và cho rằng: Chặng đường 50 năm thống nhất đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có 15 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với nhiều thời cơ, vận hội lớn, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Việc tổng kết, nhìn lại chặng đường đã qua là nhiệm vụ quan trọng, giúp tổng kết được những vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; làm rõ sự phát triển, những bài học thành công, những hạn chế; từ đó đề xuất cơ sở khoa học để hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xác định những chủ trương, định hướng và quyết sách mới cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và xa hơn. Với chức năng và nhiệm vụ của mình Viện Hàn lâm sẽ không ngừng nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn để giúp Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển trong giai đoạn tới. Các ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ được Viện Hàn lâm tổng hợp, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác