Hội thảo khoa học “Một số luận cứ cơ bản và đề xuất hình thành Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng”

17:00 22/09/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, sáng ngày 22/9/2022, tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, số 1 Phạm Ngũ Lão – Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hải Phòng, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Một số luận cứ cơ bản và đề xuất hình thành Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng””. Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và đông đảo đại diện các cơ quan, ban, ngành hữu quan của thành phố Hải Phòng, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Thương mại, Viện Kinh tế Việt Nam và một số viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ….

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng đồng chủ trì hội thảo

Trên thế giới, khu thương mại tự do (TMTD) là mô hình được nhiều quốc gia áp dụng và triển khai hiệu quả từ cuối thế kỷ XX. Mô hình được áp dụng ở các thành phố, địa phương, vùng lãnh thổ có tiềm lực, lợi thế phát triển, vị trí địa kinh tế thuận lợi cho giao thương – hợp tác hội nhập, đóng vai trò đầu tàu cho nền kinh tế quốc gia. Hiện nay, đây vẫn là xu hướng để các địa phương nghiên cứu, áp dụng triển khai nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư, thương mại, công nghệ một cách toàn diện.

Tại Việt Nam, Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước. Hải Phòng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển và là 1 trong 5 tỉnh, thành vùng duyên hải Bắc Bộ được Chính phủ định hướng trở thành Vùng kinh tế quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế.

 Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của Vùng Bắc Bộ và của cả nước”. Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất hình thành khu TMTD tại Hải Phòng là điều cần quan tâm xem xét.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý Trung ương và địa phương, cùng toàn thể các quí vị đại biểu tham dự hội thảo.

TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, thế giới ngày nay đang ở trong bối cảnh có nhiều diễn biến thay đổi rất nhanh, khó dự báo; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những thành tựu vượt bậc, tạo ra nhiều cơ hội để nâng cao năng suất, thay đổi mô hình kinh doanh và cách thức tương tác. Trí tuệ nhân tạo, robot đang dần thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Xu hướng chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng chủ đạo, dẫn dắt kinh tế thế giới. Các hiệp định thương mại thế hệ mới liên tục ra đời và là cơ hội rất tốt cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước có xuất phát điểm chậm như Việt Nam. …

TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định, trước bối cảnh phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, các quốc gia bắt buộc phải có những đối sách của mình. Việt nam không nằm ngoài ngoại lệ. Nếu không có sự chủ động chuẩn bị để ứng phó với bối cảnh mới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không những không phục hồi giai đoạn sau Covid mà còn có thể rơi vào vùng thấp và Việt Nam khó có thể đạt được các mục tiêu chiến lược đã đặt ra. 

Trong các giải pháp để ứng phó với bối cảnh mới, khu TMTD do tiếp cận theo hướng đổi mới sáng tạo là một trong các giải pháp cần được xem xét. Đây là cách để địa phương có thể tận dụng lợi thế so sánh và các cơ hội của các FTA thế hệ mới để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững không chỉ của một địa phương mà cả của vùng và của quốc gia. 

TS. Đặng Xuân Thanh mong muốn hội thảo với mục đích tạo lập một diễn đàn để cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương trao đổi, chia sẻ ý kiến, đề xuất các kiến nghị về cơ chế, chính sách phát triển một khu TMTD mang tính đột phá phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững của Thành phố Hải Phòng.

TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng phát biểu khai mạc hội thảo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phân tích, chỉ ra các nghiên cứu cho thấy thành công của các khu TMTD và các đặc khu kinh tế dựa vào 6 yếu tố, điều kiện cơ bản như:  (i) Có vị trí chiến lược: được xây dựng tại những nơi có vị trí địa kinh tế chiến lược (gần cảng biển, tuyến giao thông quan trọng), liền kề khu vực kinh tế phát triển, có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài và nguồn nhân lực chất lượng cao; (ii) Có luật điều chỉnh riêng cho khu TMTD; (iii) Có môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh trạnh quốc tế mang tính vượt trội, cạnh tranh toàn cầu; (iv) Có chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng và hướng tới những ngành, nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh. Các ngành, nghề thu hút đầu tư được điều chỉnh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời xác định những đối tác chiến lược cụ thể để duy trì mức cạnh tranh cao; (v) Có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước ban đầu để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (vi) Có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, được phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ mạnh, nhất là quyền lập quy về kinh tế; xây dựng bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, thủ tục hành chính đơn giản, công khai và minh bạch.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết thêm, ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm nhất định trong xây dựng và quản lý như: đặc khu Hồng Gai, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,… đó là tiền đề quan trọng để xây dựng các khu TMTD tại Hải Phòng và một số địa phương trong bối cảnh phát triển mới của đất nước.

Viện trưởng Bùi Quang Tuấn gợi ý, hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ: (i) bài học kinh nghiệm, thành công và thất bại về mô hình Khu TMTD trên thế giới; (ii) phác thảo và định hình vị trí và quy mô khu TMTD của Hải Phòng; (iii) các ngành nghề trọng tâm được ưu tiên phát triển; (iv) các chính sách đặc thù được áp dụng ở khu TMTD; (v) mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại khu TMTD;…

Các đại biểu phát biểu, biểu trình bày báo cáo tại hội thảo

Hội thảo nhận được 15 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và đại diện các cơ quan, ban, ngành hữu quan của thành phố Hải Phòng. Đây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý cùng các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, tìm kiếm các giải pháp, và có kiến nghị mang tính khoa học, thực tiễn, khả thi để xây dựng thử nghiệm một mô hình khu TMTD tại Hải Phòng trong tương lai.

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc, đề xuất giải pháp, kiến nghị để gửi cho các cơ quan hữu quan của Trung ương và thành phố Hải Phòng tham khảo, qua đó đóng góp cho việc nghiên cứu hình thành các điểm đột phá của kinh tế Hải Phòng nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung, nhất là khi Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng và tham vấn Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh hội thảo

 

PV.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác