Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan đơn vị nghiên cứu, trường đại học như Khoa Nhân học, Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Xã hội học, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, v.v.. cùng các giảng viên và sinh viên từ một số trường đại học ở Hà Nội và toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
|
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn đánh giá cao vai trò của cách tiếp cận Nhân học trong nghiên cứu tôn giáo và cho biết các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo trong những năm qua đã có sự vận dụng cách tiếp cận này. Tuy nhiên, không phải nhà nghiên cứu nào cũng thực sự hiểu Nhân học về tôn giáo cũng như cách tiếp cận của Nhân học trong nghiên cứu tôn giáo và các phương pháp của Nhân học. Với tầm quan trọng của tiếp cận Nhân học về tôn giáo, Hội thảo này giúp cho các nhà nghiên cứu tôn giáo trang bị cho mình những kiến thức cơ bản đối với cách tiếp cận Nhân học về tôn giáo. Đồng thời, hội thảo này còn góp phần xây dựng chuyên ngành Tôn giáo học ở Việt Nam hiện nay.
Các bài tham luận tại Hội thảo tập trung vào bốn chủ đề lớn bao gồm: các vấn đề về lý thuyết của phân ngành Nhân học về tôn giáo; lịch sử phát triển phân ngành Nhân học về tôn giáo; lịch sử giảng dạy Nhân học về tôn giáo ở các trường đại học ở Việt Nam; tổng quan những tác giả và công trình nghiên cứu tiêu biểu trong và ngoài nước về Nhân học tôn giáo; một số nghiên cứu cụ thể vận dụng tiếp cận và phương pháp Nhân học về tôn giáo ở Việt Nam. Hội thảo đã nghe các báo cáo của các nhà khoa học về Nhân học về tôn giáo (PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam); Nhân học tôn giáo và giảng dạy về nhân học tôn giáo ở Việt Nam, thực tiễn và thách thức (PGS. TS. Đinh Hồng Hải – khoa nhân học, Đại học KHXH&NV); Khái niệm "tín ngưỡng" hay "tôn giáo" ở Việt Nam: Từ góc nhìn về Nhân học về tôn giáo và ngành Nhân học về tôn giáo (TS. Trần Thị Hồng Yến – Viện Dân tộc học); Nhân học tôn giáo ở Việt Nam: Những đóng góp, hạn chế và triển vọng (TS. Mai Thị Hạnh – Đại học Sư phạm Hà Nội); Không chết ở tuổi thanh xuân: Một nghiên cứu về cai nghiện ma túy với niềm tin tôn giáo (TS. Hoàng Văn Chung – Viện Nghiên cứu Tôn giáo).
Các tham luận trong Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự. Các đại biểu tham gia hội thảo cũng chia sẻ thêm quan điểm của mình trong nghiên cứu Nhân học về tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Một số ý kiến nhấn mạnh việc nghiên cứu Nhân học về tôn giáo cần đứng ở góc độ của người thực hành để tiếp cận vấn đề và đó là cái làm nên điểm khác biệt giữa Nhân học và các ngành khác cùng nghiên cứu về tôn giáo. Đây là cốt lõi của Nhân học về tôn giáo và cũng là cách mà các nhà nghiên cứu Việt Nam đang làm. Tuy nhiên, tùy theo từng giai đoạn mà cách tiếp cận lý thuyết và nghiên cứu thực tiễn có sự khác nhau.
Các đại biểu phát biểu, trao đổi tại Hội thảo
Các bài tham luận và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự đã góp phần làm rõ cách tiếp cận và phương pháp của Nhân học Tôn giáo, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của cách tiếp cận này cũng như sự khác biệt của cách tiếp cận này với các cách tiếp cận khác, nhất là cách tiếp cận của Tôn giáo học. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng góp phần làm rõ tình hình nghiên cứu, giảng dạy nhân học Tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, những gợi mở và triển vọng của Nhân học tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo đã kết thúc thành công, giúp gia tăng tri thức khoa học về tôn giáo nói chung và thế mạnh của tiếp cận Nhân học về tôn giáo nói riêng. Hội thảo không chỉ hữu ích đối với ngành nhân học, Nhân học Tôn giáo, với các nhà nhân học Tôn giáo mà còn rất hữu ích đối với các nhà nghiên cứu Tôn giáo. Từ cách tiếp cận của Nhân học Tôn giáo đã gợi mở nhiều đối tượng, vấn đề nghiên cứu đối với các nhà nghiên cứu Tôn giáo trong thời gian tới. Đồng thời Hội thảo này cũng tạo ra một diễn đàn mở và kết nối các nhà nghiên cứu để tiếp tục những thảo luận về những triển vọng trong áp dụng tiếp cận Nhân học vào tôn giáo ở Việt Nam trong tương lai.
Trần Thị Phương Anh,
Viện Nghiên cứu Tôn giáo