Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số an sinh quốc gia như được đề cập trong Chương trinh hành động thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là phát triển kinh tế bền vững; khả năng tự phục hồi, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chất lượng cuộc sống; việc làm; chăm sóc y tế; giáo dục, đào tạo và phát triển con người; văn hoá tinh thần; đạo đức xã hội; không gian sinh sống; khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị; dịch vụ công; an sinh nhà ở; bình đẳng giới, chăm sóc người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương. Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệm vụ xây dựng “Bộ chỉ số quốc gia về an sinh xã hội và phát triển xã hội”, nhằm là cơ sở khoa học để hoạch định và đánh giá hiệu quả thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển xã hội của Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Bộ chỉ số an sinh quốc gia sau khi được xây dựng sẽ góp phần đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, theo hướng công bằng, bền vững và bao trùm xã hội trong phân bổ và tiếp cận nguồn lực, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện quyền an sinh trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội ở nước ta.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn mong muốn tại Hội thảo này, các đại biểu sẽ tập trung làm rõ nguyên tắc, quy trình rà soát, xác định số liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh quốc gia; quy trình, phương pháp rà soát loại số liệu, xác định nguồn số liệu và thu thập số liệu thứ cấp từ thực tiễn bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe và đánh giá kết quả ban đầu việc rà soát, xác định cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia…
Hội thảo nhận được báo cáo tham luận và trình bày của các đại biểu, nhà khoa học gồm: (1) Nguyên tắc rà soát, xác định số liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh quốc gia của ThS. Nguyễn Đình Khuyến, Tổng cục Thống kê; (2) Quy trình rà soát, xác định số liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh quốc gia của ThS. Trần Thị Luyến, Tổng cục Thống kê; (3) Quy trình, phương pháp rà soát loại số liệu, xác định nguồn số liệu và thu thập số liệu thứ cấp từ thực tiễn bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe của PGS. TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng, Viện Xã hội học; (4) Thu thập và phân tích thông tin thứ cấp từ thực tiễn xây dựng bộ chỉ số bình đẳng giới của GTS.TS. Nguyễn Hữu Minh, nguyên viện trưởng, Viện Gia đình và Giới; (5) Kết quả ban đầu về rà soát, xác định cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia của TS. Nguyễn Đình Hoà, Viện Kinh tế Việt Nam.
Báo cáo về dữ liệu cho thử nghiệm xây dựng Bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết, Bộ Chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe là một trong những cấu thành quan trọng của Bộ chỉ số quốc gia về an sinh xã hội và phát triển xã hội.
Hiện nay Ở Việt Nam đã có khá nhiều số liệu và chỉ số liên quan đến phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe. Đó chủ yếu là các nguồn số liệu do các cơ quan chức năng như Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế, hay các tổ chức quốc tế (WHO, UNDP, UNFPA, World Bank,…) công bố. Tuy nhiên, vẫn chưa có bộ chỉ số chính thức chung về tình trạng hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe của dân số Việt Nam. Bố Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam khá chi tiết để đánh giá, chứng nhận và cải tiến chất lượng cho toàn bộ các bệnh viện nhà nước và tư nhân, nhưng chất lượng các bệnh viện chỉ là một phần của tình trạng hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe. Hầu hết các chỉ số về hệ thống y tế đều mang tính định lượng trong khi có rất ít chỉ số phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe.
PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh có rằng, quy trình để xây dựng chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe cho Việt Nam được cần được triển khai theo quy trình chung, từ (1) Xây dựng khung khổ lý thuyết cho cấu trúc các thành phần chính của bộ chỉ số; (2) Tổng hợp các chỉ báo có thể đo lường, phản ánh khá sát các thành phần chính của bộ chỉ số; (3) Rà soát các nguồn thông tin, số liệu sẵn có tiềm năng cho tính toán các chỉ báo; (4) Thu thập, khảo sát thêm thông tin, dữ liệu còn thiếu; (5) Xác định toàn bộ các chỉ báo cho bộ chỉ số; (6) Xác định phương pháp và tính toán thử. PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh, việc rà soát và xây dựng bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đầy đủ, nhất quán và hệ thống hơn là rất quan trọng và cần thiết trong việc cung cấp những bằng chứng thực tiễn xác thực cho xây dựng và triển khai các chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an sinh quốc gia. Bộ chỉ số sau khi hoàn thành sẽ được chuẩn hóa để có thể thuận tiện so sánh, đánh giá và tổng hợp Bộ chỉ số quốc gia về an sinh xã hội và phát triển xã hội.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, trình bày Báo cáo kết quả ban đầu về rà soát, xác định cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia, TS. Nguyễn Đình Hoà, Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, hệ thống chỉ tiêu hiện có chưa phản ánh hết các vấn đề của phát triển bền vững ở Việt Nam, nhất là về văn hoá và các nhóm xã hội dễ tổn thương,...; Một số chiến lược, mục tiêu được Nhà nước ban hành gần đây nhưng vẫn thiếu, thậm chí là chưa có các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia để phản ánh (kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…); Nhiều khía cạnh, lĩnh vực cần thiết phản ánh an sinh quốc gia nhưng chưa có nhiều chỉ tiêu, chỉ số trong hệ thống chỉ tiêu thống kê của Việt Nam (ví dụ, thiếu các chỉ tiêu đo lường, phản ánh sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp,…).
TS. Nguyễn Đình Hoà băn khoăn, các chỉ tiêu tập trung nhiều hơn ở các vấn đề về kinh tế, xã hội, trong khi có ít chỉ tiêu phản ánh về bảo vệ tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu. Các chỉ tiêu về kinh tế lại chủ yếu là các chỉ số phản ánh đầu vào, ít các chỉ số phản ánh kết quả đầu ra và/hoặc thụ hưởng phục lợi từ phát triển kinh tế. Chỉ tiêu về kinh tế hầu như mới chỉ thể hiện cho mô hình kinh tế nâu và ít/thiếu các chỉ tiêu phản ánh kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo,…
TS. Nguyễn Đình Hoà cũng đề xuất một số khuyến nghị: Cần lựa chọn chỉ tiêu phù hợp với mục đích và nội dung nghiên cứu của từng trụ cột. Ưu tiên sử dụng chỉ tiêu đã có đầy đủ số liệu theo từng năm để phục vụ tính toán, thử nghiệm và xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng trụ cột và cho cả bộ chỉ tiêu/chỉ số an sinh quốc gia. Trường hợp sử dụng chỉ tiêu chưa có đầy đủ số liệu thì đối với những chỉ tiêu đã có phương pháp tính, nguồn số liệu rõ ràng, có thể lồng ghép tính toán qua các cuộc điều tra hoặc chế độ báo cáo thống kê hoặc dữ liệu hành chính. Đối với những chỉ tiêu mới, chưa được lồng ghép thu thập qua các nguồn hiện tại cần xây dựng phương án, module câu hỏi, đối tượng, phạm vi, thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra, kế hoạch tiến hành điều tra, thiết kế điều tra chọn mẫu, tính toán thử nghiệm cho các chỉ tiêu/chỉ số này…
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học về các báo cáo được trình bày, trên cơ sở xác định những vấn đề và tiêu chí cần đo lường nhằm xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia….
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS. Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp Bộ: Xây dựng bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia một lần nữa cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, các nhà khoa học. GS. Đặng Nguyên Anh cho biết chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm có mục tiêu: Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số an sinh quốc gia, đầy đủ và toàn diện, phù hợp với trình độ phát triển và đặc điểm của xã hội Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Xây dựng Bộ chỉ số an sinh quốc gia góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. GS. Đặng Nguyên Anh đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để sớm hoàn thiện nội dung kết quả nghiên cứu theo kế hoạch.
PV.