Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình KX.03/11-15; PGS.TS. Vũ Văn Quân, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; cùng các nhà khoa học là chủ nhiệm và thư ký 20 đề tài thuộc Chương trình KX.03/11-15 đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Công nhân và Công đoàn; Đại học Quốc gia Hà Nội; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Thông tin & Truyền thông…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Mai Quỳnh Nam nhấn mạnh, Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 nhằm nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa, con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chương trình này gắn với bối cảnh phát triển ở nước ta hiện nay đến năm 2020 và những năm sau đó. Mục tiêu của chương trình là cung cấp các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn về quan hệ giữa văn hóa và phát triển; sự biến đổi văn hóa từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, quyền con người, vì mục tiêu phát triển con người và văn hóa. Chương trình cũng tập trung nghiên cứu định hướng xây dựng văn hóa quản lý, văn hóa lãnh đạo, nhận thức các giá trị văn hóa trong hoạt động xã hội của con người,... trước sự phát triển xã hội và hội nhập quốc tế; định hướng xây dựng đạo đức, lối sống, tác phong của con người trong các hoạt động xã hội vì mục tiêu phát triển đất nước; những nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng con người, nguồn nhân lực theo ngành, trên cơ sở đó dự báo nhu cầu về nguồn lực cho từng ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đến 2020.
Hội thảo tập trung thảo luận và làm rõ các nội dung: Lý luận về nghiên cứu văn hóa, con người và nguồn nhân lực cần được bổ sung và làm hoàn thiện bởi những hệ thống tri thức nào? Vai trò của nghiên cứu liên ngành đối với các mục tiêu học thuật nói trên. Quan hệ giữa lý thuyết và thực nghiệm trong tổ chức và triển khai nghiên cứu. Quan hệ giữa việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu với việc đề xuất chính sách.
Có 07 tham luận được trình bày tại Hội thảo, đó là: “Vai trò của vốn xã hội đối với phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước” (PGS.TS Nguyễn Hồi Loan); “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về quyền văn hóa trong điều kiện phát huy đa dạng văn hóa ở nước ta hiện nay” (TS. Hoàng Văn Nghĩa); “Vai trò của văn hóa, con người, nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta” (TS. Lưu Đức Hải); “Cơ sở lý thuyết và thực tiễn về phát triển bền vững con người trên thế giới và Việt Nam” (TS. Đào Thị Minh Hương); “Vai trò và trách nhiệm của nữ trí thức trong sự nghiệp phát triển Thủ đô” (PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh); “Yêu cầu cấp thiết trong nghiên cứu về định hướng phát triển công nghiệp văn hóa dưới góc nhìn văn hóa và tác động của nó đến thế hệ trẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” (PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà); “Công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XXI: Thành tựu và định hướng phát triển” (PGS.TS Nguyễn Hữu Cát).
Các nội dung chủ yếu được đề cập tại Hội thảo bao gồm:
- Vai trò quan trọng của yếu tố văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Các phân tích chỉ ra rằng để tránh xu hướng áp đặt bá quyền của một nền văn hóa nào đó và để tránh xung đột giữa các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, vẫn cần tôn trọng bản sắc của mỗi nền văn hóa, trong đó có nền văn hóa ngoại vi. Và vì thế, đa dạng văn hóa là một sự tồn tại tất yếu bên cạnh toàn cầu hóa văn hóa. Giá trị thuộc phạm trù văn hóa. Các giá trị của một xã hội có mối liên hệ với nhau và tạo thành một hệ thống hay còn gọi là thang giá trị. Việc nghiên cứu giá trị của các cộng đồng dân cư trong đó có các cộng đồng tôn giáo nhằm xây dựng và nâng cao đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay cho thấy giá trị của tôn giáo là một hệ giá trị đặc biệt so với các hệ giá trị khác, cũng có những tương đồng với các giá trị văn hóa và có ảnh hưởng sâu sắc đến đạo đức, lối sống của các cộng đồng tôn giáo. Việc nghiên cứu định hướng phát triển công nghiệp văn hóa và tác động của nó đến thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế hướng đến việc phân tích thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay, bao gồm cơ cấu các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, thực trạng chế độ sở hữu trong các ngành công nghiệp văn hóa, thực trạng tiêu dùng sản phẩm công nghiệp văn hóa, sức cạnh tranh và hội nhập của các sản phẩm công nghiệp văn hóa, từ đó bước đầu làm rõ thực trạng chính sách quản lý phát triển công nghiệp văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta.
- Phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là chủ đề cơ bản và bao trùm của Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước KX03/11-15. Phát triển bền vững con người được đặc trưng bởi các chiều cạnh chính: bình đẳng cơ hội tiếp cận các nguồn lực xã hội để phát triển năng lực, công bằng trong chia sẻ thành quả phát triển, con người được trao quyền tự do tham gia theo năng lực vào tiến trình phát triển, sự phát triển hiện tại không làm mất cơ hội của thế hệ tương lai, đảm bảo an ninh con người. Đây là những luận đề lý thuyết làm cơ sở cho việc nghiên cứu con người và việc thực thi quyền con người vì các mục tiêu phát triển. Vấn đề nghiên cứu con người cũng được đặt ra trong nhận thức về lý luận và thực tiễn gia đình Việt Nam vì gia đình có các chức năng cơ bản: tái sản xuất con người, tái tạo nguồn nhân lực, tiếp thu và truyền bá văn hóa. Sự thay đổi quy mô gia đình từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại với các giá trị và chuẩn mực mới đang tạo nên những biến đổi cơ bản trong gia đình Việt Nam. Nghiên cứu về quyền văn hóa đã xác định các vấn đề cơ bản của quyền con người đối với việc bảo tồn, tiếp thu, sáng tạo văn hóa. Quyền văn hóa gắn liền với hệ thống quyền kinh tế, dân sự, chính trị… và hệ thống pháp luật của nhà nước trong sự thực thi nhà nước pháp quyền. Những quan điểm cơ bản xuyên suốt các chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước ta: “lấy dân làm gốc”, “con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển” là cơ sở của định hướng phát triển lấy con người làm trung tâm nhằm cải thiện căn bản mức sống của nhân dân. Những thành tựu của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo an ninh con người cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển bền vững con người Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực được thực hiện một cách tương đối đồng bộ trong sự liên hệ với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta, với vai trò của vốn xã hội, với lực lượng nữ trí thức. Nguồn nhân lực trước hết gắn liền với vấn đề đào tạo. Chất lượng đào tạo quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Vấn đề thu hút và sử dụng nhân tài trong các hệ thống xã hội ở các cấp là giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay. Các tác động tích cực và cả những hạn chế từ vốn xã hội đối với nguồn nhân lực trẻ là cơ sở cho các đề xuất nhằm nâng cao chất lượng học tập của sinh viên, chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài và việc tạo hành lang pháp lý cho hướng đi đúng trong quá trình duy trì và sử dụng vốn xã hội đối với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trẻ. Vai trò của nữ trí thức được nghiên cứu trên cơ sở của hệ thống lý thuyết cơ cấu xã hội. Nữ trí thức là một lực lượng xã hội được đặc trưng bởi tính chất lao động xã hội và vai trò giới.
Những thảo luận về các vấn đề trên không chỉ là cơ sở cho việc đánh giá các kết quả nghiên cứu đã được triển khai ở các đề tài thuộc Chương trình KX03/11-15 trong giai đoạn vừa qua, mà còn chỉ ra những vấn đề học thuật cơ bản cần được hoàn thiện, bổ sung trong giai đoạn nghiên cứu trước mắt. Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà khoa học trình bày những kết quả nghiên cứu trên phương diện lý luận và thực tiễn gắn với mục đích của Chương trình.
Nguyễn Thu Hà