Hội thảo đã thu hút sự có mặt nhiều đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm như Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Xã hội học; đại diện Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk và một số đơn vị nghiên cứu thuộc các trường đại học, sở, ban, ngành khác nhau trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính là: 1. Những đặc thù về tộc người ở Tây Nguyên; 2. Những vấn đề về quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên và tác động của chúng đến phát triển bền vững ở Tây Nguyên; 3. Hệ thống quan điểm và giải pháp phát triển các tộc người và quản lý mối quan hệ tộc người, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Vương Xuân Tình, Viện trưởng Viện Dân tộc học đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của toàn thể đại biểu và tin tưởng Hội thảo sẽ nhận được nhiều trao đổi của các đại biểu xung quanh vấn đề nghiên cứu mà Đề tài TN3/X05 đang thực hiện. Qua đó, giúp Đề tài có thêm cơ sở lý luận nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu nghiên cứu đề ra.
Với báo cáo Tổng quan về một số vấn đề quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên trong bối cảnh phát triển, hội nhập và toàn cầu hóa, PGS.TS. Phạm Quan Hoan đã đưa ra một số nhận định quan trọng về vai trò của quan hệ tộc người trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, đó là: (1) Quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện, theo nhiều chiều cạnh liên quan đến sự tồn tại, ổn định và không ổn định, phát triển và không phát triển của mỗi tộc người, mỗi địa phương, vùng và quốc gia; (2) Sự ổn định và phát triển bền vững ở Tây Nguyên trên bình diện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường chịu sự tác động của vấn đề dân tộc, quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc; (3) Quan hệ tộc người tốt đẹp và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc sẽ tạo ra sự ổn định và phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các tộc người, các nhóm dân cư một cách toàn diện theo hướng bền vững, tăng cường sự cố kết cộng đồng, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và toàn vẹn lãnh thổ; (4). Xu hướng không đồng thuận, mâu thuẫn, xung đột, phân ly trong quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc sẽ tác động tiêu cực đến phát triển bền vững vùng Tây Nguyên và quốc gia Việt Nam.
Phó giáo sư, chủ nhiệm đề tài TN3/X05 cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một số đặc thù về tộc người ở Tây Nguyên trên 3 chiều cạnh: Thứ nhất, sự gia tăng thành phần tộc người, gia tăng tình trạng cư trú xen kẽ giữa các tộc người là nguyên nhân gia tăng tiếp xúc, biến đổi đời sống văn hóa tộc người, đồng thời cũng tạo ra nhiều thuận lợi và thách thức. Thứ hai, đa dạng văn hóa và tôn giáo đã và đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tín ngưỡng tôn giáo truyền thống sang các tôn giáo khác và “đạo lạ”. Hình thành cố kết cộng đồng mới: cộng đồng dân tộc - tôn giáo. Thứ ba, di biến động mạnh về dân cư ở trong vùng, xuyên vùng và xuyên biên giới. Đáng chú ý là hiện tượng di dân khó kiểm soát của người Hmông và lực lượng lao động người nước ngoài đến làm việc tại Tây Nguyên.
Trên cơ sở phân tích mối liên hệ giữa các trục quan hệ tộc người với khối đại đoàn kết dân tộc đối trong sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Phó giáo sư, chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra sáu trục quan hệ bao gồm: Quan hệ tộc người với quốc gia - dân tộc; Quan hệ giữa các tộc người thiểu số và người Kinh; Quan hệ giữa tộc người thiểu số tại chỗ với tộc người thiểu số mới đến; Quan hệ nội tộc người; Quan hệ tộc người xuyên/liên biên giới/xuyên quốc gia; và Quan hệ giữa cộng đồng theo đạo và vẫn giữ tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, quan hệ giữa các tộc người thiểu số và người nước ngoài. Qua đó nhấn mạnh: xu hướng chủ đạo, xuyên suốt trong quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc là vấn đề bình đẳng, đoàn kết, hợp tác, đảm bảo sự tin cậy, gắn bó chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển; Phải xây dựng và phát triển ý thức quốc gia, dân tộc qua các biểu tượng quốc gia, hệ thống chính trị, chính sách, ngôn ngữ thống nhất; Phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích tộc người; Gia tăng quan hệ giữa các tộc người thiểu số tại chỗ với người Kinh và người dân các tộc người thiểu số mới đến trên tất cả các mặt cư trú: kinh tế, văn hóa, xã hội, hôn nhân…
Phó giáo sư, chủ nhiệm Đề tài TN3/X05 cũng phân tích rõ những yếu tố không mong muốn trong quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên trên năm bình diện: (1) Phân hóa mức sống và hưởng dụng đất đai giữa các tộc người; (2) Một số mâu thuẫn tộc người có liên quan đến đất đai, kinh tế, văn hóa…; (3) Đứt gãy văn hóa truyền thống tộc người; (4) Hoạt động khó kiểm soát của các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số và ảnh hưởng đến quan hệ dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; (5) Cố kết, liên kết tộc người/tôn giáo xuyên biên giới/quốc gia bị các thế lực thù địch lợi dụng…
|
|
|
PGS.TS. Vương Xuân Tình, Viện trưởng Viện Dân tộc học phát biểu chào mừng Hội thảo |
|
PGS.TS. Phạm Quang Hoan, chủ nhiệm đề tài TN3/X05 trình bày Báo cáo Tổng quan tại Hội thảo |
Trên cơ sở các vấn đề đặt ra, PGS.TS. Phạm Quang Hoan cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một số quan điểm và giải pháp có ý nghĩa then chốt trong việc quản lý một cách có hiệu quả các mối quan hệ tộc người với khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là: Thứ nhất, về quan điểm, cần tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy, cụ thể hóa, đa dạng hóa chính sách; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng với phát triển tộc người; Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường với an ninh quốc phòng, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích tộc người; Bảo tồn, làm giàu, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc hướng tới phát triển bền vững, phát triển văn hóa quốc gia, giữ gìn và làm giàu bản sắc tộc người. Thứ hai, về giải pháp, cần tăng cường mối quan hệ tộc người với quốc gia - dân tộc; Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; Đổi mới chính sách dân tộc; Đổi mới quản lý các mối quan hệ tộc người, tôn giáo; Chú trọng đào tạo và phát triển đội ngũ cán bọ người dân tộc thiểu số (đặc biệt là người thiểu số tại chỗ)…
Ngoài Báo cáo Tổng quan nêu trên, Hội thảo cũng được nghe nhiều báo cáo khác có liên quan đến chủ đề Hội thảo như: Đánh giá tác động của các chính sách dân tộc đối với sự ổn định và phát triển bền vững của các tộc người, giải pháp xây dựng chiến lược củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk (do ông Y Ring Adrơng, Trưởng ban, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk trình bày); Quan hệ dân tộc giữa các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên (TS. Lý Hành Sơn, Viện Dân tộc học); Hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới ở Tây Nguyên: Những vấn đề đặt ra (PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á); Những yếu tố tác động đến quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên (PGS.TS. Bùi Văn Đạo, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên); Đất đai và quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên (TS. Trần Hồng Hạnh, Viện Dân tộc học); Nhìn lại việc thực hiện chính sách dân tộc ở Tây Nguyên trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc (PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Viện Dân tộc học); Thực trạng đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên từ Đổi mới đến nay (TS. Đặng Thị Hoa, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới); Ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng đến quan hệ tộc người ở Tây Nguyên (PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện Dân tộc học); Văn hóa cổ truyền ở Tây Nguyên và vai trò củng cố khối đại đoàn kết dân tộc (PGS.TS. Đỗ Hồng Kỳ, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên).
Tổng kết và đánh giá kết quả đạt được của Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quang Hoan, Chủ nhiệm đề tài TN3/X05 đã cảm ơn các đại biểu có bài tham luận và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo và khẳng định những tham luận, thảo luận có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào thành công chung của Đề tài, nhất là trong giai đoạn Đề tài đang hoàn thiện, tiến tới hoàn thành để nghiệm thu trong thời gian tới.
Phạm Vĩnh Hà