Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững khu vực biên giới Lào Cai (Việt Nam) – Vân Nam (Trung Quốc), những vấn đề đặt ra và giải pháp”

17:00 18/04/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhằm tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý, từ đó đưa ra các kiến nghị khoa học, góp phần xây dựng biên giới Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) phát triển bền vững, sáng ngày 18/4/2017, tại Hội trường 3D, trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững khu vực biên giới Lào Cai (Việt Nam) – Vân Nam (Trung Quốc), những vấn đề đặt ra và giải pháp” thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát triển bền vững khu vực biên giới Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai (Việt Nam) trong bối cảnh mới” do TS. Nguyễn Đình Liêm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc làm chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc; GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc và các chuyên gia nghiên cứu kinh tế và chính trị - PGS.TS. Lê Văn Sang, GS.TS. Nguyễn Huy Quý; TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ; đồng chí Ngô Thị Liên Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ tài nguyên và môi trường, tỉnh Lào Cai cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương; Viện Nghiên cứu gia đình và Giới, Viện Hàn lâm và đông đảo cán bộ của Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát triển bền vững khu vực biên giới Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai (Việt Nam) trong bối cảnh mới” thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Hàn lâm với Học viện Hồng Hà – Vân Nam – Trung Quốc được bắt đầu thực hiện từ tháng 7 năm 2016. Trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu tài liệu thành văn, khảo sát thực địa tại khu vực biên giới Vân Nam – Lào Cai và tiến hành nhiều buổi tọa đàm khoa học với Học viện Hồng Hà, huyện Kim Bình, huyện Hà Khẩu thuộc Châu Hồng Hà – Vân Nam – Trung Quốc và với các sở, ban, ngành UBND tỉnh Lào Cai, huyện Mường Khương, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai.

Khu vực biên giới Lào Cai có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc với chiều dài 184.086 km. Khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam hội đủ các điều kiện thuận lợi, giữ vị trí, vai trò cửa ngõ trung tâm trong việc kết nối “Hai hành lang, một vành đai”, “Một trục hai cánh”; kết nối Phát triển vùng trung du miền núi Bắc Bộ của Việt Nam và vùng Tây Nam của Trung Quốc; rộng lớn hơn là kết nối với tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế trên nền tảng chiến lược “Một vành đai một con đường” đang được Trung Quốc đẩy mạnh triển khai.

Trong phát biểu khai mạc, thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm- GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiêt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học đến tham dự Hội thảo; khẳng định, Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng và đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam trên nhiều phương diện (kinh tế - chính trị, quốc phòng – an ninh, văn hóa – xã hội). Do vậy, việc đánh giá về quan hệ hai nước nhằm tìm ra những giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững hai quốc gia và sự ổn định của khu vực.

Theo đó, giáo sư Chủ tịch nhấn mạnh, chủ đề hội thảo là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, trên cơ sở xem xét địa bàn cụ thể Lào Cai và Vân Nam nhằm gợi mở các mô hình cụ thể về những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững giữa hai tỉnh, từ đó đưa ra điểm đặc thù, khái quát, góp phần thúc đẩy quan hệ bền vững ở khu vực biên giới Việt Nam- Trung Quốc trong tổng thể phát triển quan hệ hai nước. Qua đó mong muốn nhận được nhiều ý kiến đánh giá thực trạng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trên địa bàn Lào Cai – Việt Nam theo nội dung phát triển bền vững, tập trung vào phát triển kinh tế khu vực biên giới (đầu tư, thương mại và hoạt động cửa khẩu); đánh giá về văn hóa – xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững, phân tích các vấn đề xã hội, xuyên biên giới, các vấn đề giảm nghèo, hướng tới sự phát triển bền vững Việt Nam – Trung Quốc; vấn đề môi trường khu vực biên giới. Theo đó cần có cơ chế phối hợp, tham gia nhiều chủ thể khác nhau; tập trung phân tích vấn đề quốc phòng – an ninh, văn hóa truyền thống.

Với tinh thần cởi mở, khoa học, giáo sư Chủ tịch hi vọng lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến  đặc điểm riêng về quan hệ biên giới Việt Nam – Trung Quốc nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực, góp phần phát triển khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam bền vững, từ đó đóng góp những thông tin hữu ích vào nghiên cứu của Chủ nhiệm đề tài và Viện Nghiên cứu Trung Quốc đạt hiệu quả cao.

Chủ nhiệm đề tài – TS. Nguyễn Đình Liêm trình bày báo cáo<br>đề dẫn tại Hội thảo   Chủ trì phiên 2 (từ trái sang phải): TS. Nguyễn Đình Liêm;<br>TS. Hoàng Thế Anh; PGS.TS. Lê Văn Sang

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ nhiệm Đề tài – TS. Nguyễn Đình Liêm nêu rõ mục đích Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, học giả và các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm làm sáng rõ thêm nhiều vấn đề trong nội dung nghiên cứu, tiến tới hoàn thiện đề tài đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần vào việc xây dựng khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam phát triển bền vững. Ngoài ra, Chủ nhiệm đề tài cũng trình bày một số nội dung tổng quát về khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam, đặt trong mối quan hệ giữa Lào Cai – Vân Nam nói riêng và trong tổng thể mối quan hệ Việt – Trung nói chung, tập trung vào các vấn đề chính: (1) Một số đặc điểm của khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam; (2) Vai trò kết nối của khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam; (3) Một số vấn đề đặt ra hiện nay trong phát triển bền vững khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam.

Qua đó, TS. Nguyễn Đình Liêm cũng đề xuất những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu tại khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam trong thời gian tới: cơ chế chính sách; hợp tác, phát triển kinh tế khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam; phát triển văn hóa, quản lý xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

 

TS. Trần Công Trục và đ/c Ngô Thị Liên Anh trình bày tham luận tại Hội thảo

Các đại biểu tại Hội thảo được nghe 5 tham luận của các diễn giả, chia thành 02 phiên thảo luận (TS. Trần Công Trục; TS. Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương; GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, đ/c Ngô Thị Liên Anh; PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân; TS. Đặng Thị Hoa, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) và nhiều ý kiến trao đổi tập trung vào một số vấn đề về biên giới, khu vực biên giới, quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam, ảnh hưởng của nó trong phát triển khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam; thực trạng hợp tác kinh tế thương mại, tình hình môi trường tại khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam, những vấn đề đặt ra và kiến nghị; phát triển bền vững khu vực biên giới Lào Cai – Vân Nam; văn hóa tộc người xuyên biên giới trong phát triển văn hóa khu vực biên giới các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và Vân Nam Trung Quốc.

Đặc biệt đề xuất hình thức phát triển tại khu vực biên giới Lào Cai- Vân Nam (duy trì và mở rộng các hình thức hợp tác hiện có; phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tại địa phương; xây dựng mô hình liên kết chuỗi cung ứng…). 

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ những ý tưởng và thông tin tham khảo hữu ích cho Đề tài, hướng tới tìm kiếm giải pháp xây dựng phát triển khu vực biên giới Lào Cai - Vân Nam phát triển bền vững, xứng đáng với vai trò cửa ngõ của trung tâm vận chuyển, dịch vụ, du lịch ở vùng Tây Bắc, Bắc Bộ Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác