Hội thảo khoa học “Phát triển con người: thành tựu, vấn đề và các xu hướng”

12:00 11/06/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 10/6/2014, tại Hội trường 606, số 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Con người đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển con người: thành tựu, vấn đề và các xu hướng” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ các đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Phát triển con người: thành tựu, vấn đề và các xu hướng  

PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo khoa học “Phát triển con người: thành tựu, vấn đề và các xu hướng” trong bối cảnh hiện nay. Phó giáo sư kỳ vọng Hội thảo sẽ trở thành một trong những diễn đàn sôi nổi để các nhà  khoa học cùng nhau chia sẻ những vấn đề mới, có tính thời sự góp phần hoàn thành nhiệm vụ tổng kết các kết quả nghiên cứu về phát triển con người sau gần 30 năm Đổi mới tại Việt Nam, đề xuất được những vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng đường lối chính sách phát triển vì con người, cho con người trong giai đoạn sắp tới và là một trong những hoạt động khoa học có ý nghĩa góp phần chào mừng 15 năm thành lập Viện Nghiên cứu Con người.

Hội thảo đã bàn luận về một số vấn đề cơ bản về: Phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2001-2010; Xây dựng và phát triển con người Việt Nam: thành tựu và vấn đề đặt ra hiện nay; Những yếu tố tác động đến phát triển con người Việt Nam giai đoạn vừa qua; Phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay – một số hạn chế và nguyên nhân; An sinh xã hội; Môi trường và sự phát triển của con người; Chất lượng nguồn nhân lực; Quyền hưởng thụ lương thực...

PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tham luận tại Hội thảo

 

PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, Viện Nghiên cứu Con người cho rằng sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền có xu hướng tăng trong những năm gần đây (năm 1999, hệ số Gini là 0,39; năm 2002 là 0,42; năm 2004 là 0,423 và năm 2006 là 0,425). Số hộ nghèo chủ yếu sống ở những vùng kém phát triển như vùng sâu, vùng sa, vùng núi (tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi gấp 1,7 đến 2 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước).

Mức độ chênh lệch về mức sống sẽ kéo theo sự phân hóa đời sống văn hóa và tác động đến cơ hội tiếp cận giáo dục, có nghĩa là mức sống càng cao thì càng có nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục trình độ cao và ngược lại.  Ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa người lao động không có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm cũng như tiếp cận được với các dịch vụ y tế… Thực trạng trên đã lý giải nguyên nhân cho sự bất bình đẳng vùng, miền về phát triển con người.

Đánh giá tầm quan trọng của môi trường với sự phát triển của con người, GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Sự phát triển của con người gắn chặt với môi trường tự nhiên và xã hội. Bảo vệ tốt môi trường tự nhiên chính là bảo vệ cơ sở tồn tại của chính con người. Tuy nhiên, con người không thể phát triển các phẩm chất tốt đẹp của mình nếu không có một môi trường xã hội lành mạnh. Do vậy, tạo môi trường xã hội lành mạnh là điều kiện không thể thiếu để có thể phát triển và hoàn thiện con người…

Ngoài việc khẳng định những thành công trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ như xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường sức khỏe bà mẹ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi… các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi và đề xuất các hướng tiếp cận mới nhằm đẩy mạnh các nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Con người trong giai đoạn sắp tới.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác