Tham dự hội thảo có PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chủ tịch Tiểu ban KHXH; Ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Bà Sue Vize, quyền Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Trưởng ban KHXH của UNESCO Văn phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy đến từ Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội; Văn phòng Quốc hội; Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bộ Khoa học & Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Khoa học Lao động & Xã hội; Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đại diện lãnh đạo các ban chức năng và viện nghiên cứu chuyên ngành Viện Hàn lâm cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu xã hội học tiêu biểu tại Hà Nội.
|
|
|
Thế giới đang trải qua những biến đổi xã hội (BĐXH) quan trọng nhưng khó đoán định, là kết quả của quá trình toàn cầu hóa, của biến đổi môi trường toàn cầu và các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính diễn ra liên tục. Điều này dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội, đói nghèo, chia rẽ xã hội và phân biệt đối xử ngày càng gia tăng.
Quản lý biến đổi xã hội (QLBĐXH) - MOST UNESCO là chương trình khoa học liên Chính phủ về BĐXH, hoạt động cùng với các chính phủ, các cộng đồng khoa học xã hội - nhân văn và các tổ chức dân sự để tăng cường mối liên kết giữa kiến thức và hành động, giữa chính sách và thực tiễn. Đây chính là chìa khóa để dẫn đến sự thay đổi tích cực của xã hội. Trong các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc, QLBĐXH đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, giảm đói nghèo, ứng phó bền vững với sự thay đổi môi trưởng và thúc đẩy các chính phủ đưa ra chính sách QLBĐXH bao trùm và hiệu quả.
Đại diện Lãnh đạo Viện Hàn lâm và Tiểu ban UNESCO về KHXH, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, trong phát biểu khai mạc đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, các nhà xã hội học và khẳng định: QLBĐXH là một thách thức song cũng là đòi hỏi khách quan nhằm đảm bảo tính bao trùm xã hội, tăng cường ổn định và phát triển. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Khoa học xã hội, gắn kết mật thiết với chức năng tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm hiện nay, thông qua hoạt động nghiên cứu của Viện Xã hội học và các viện chuyên ngành khác. Trong thời gian tới, Tiểu ban chuyên môn MOST sẽ có quyết định thành lập hoạt động trực thuộc Tiểu ban KHXH của Viện Hàn lâm, góp phần đẩy mạnh chức năng tư vấn chính sách của Khoa học xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua đó, các kết quả nghiên cứu BĐXH và QLBĐXH được chuyển tải đến người dân và các nhà quản lý, góp phần đưa ra quyết định chính sách khả thi và phù hợp.
|
Thay mặt Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam, trong bài phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Phạm Sanh Châu đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực và đóng góp tích cực của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam – cơ quan đầu mối của Việt Nam về các hoạt động của UNESCO trên lĩnh vực KHXH trong việc tổ chức hội thảo khoa học lần này. Hội thảo sẽ đề xuất những mục tiêu của Việt Nam về mô hình QLBĐXH phù hợp và hiệu quả trong các lĩnh vực xã hội quan trọng (việc làm, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, trợ giúp các nhóm xã hội yếu thế, bình đẳng giới…) nhằm duy trì tốc độ phát triển một cách bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm xã hội; bày tỏ niềm tin vào tương lai. Tiểu ban về QLBĐXH tại Việt Nam sẽ giúp các cơ quan hữu quan xây dựng năng lực và nền tảng tri thức, xử lý những thách thức to lớn về BĐXH hiện nay ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Sue Vize, Quyền Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã có những chia sẻ thông tin hữu ích về hai nội dung chính của Chương trình KHXH mà UNESCO đang tập trung (đó là hòa nhập xã hội và xây dựng, hoàn thiện thể chế về hòa nhập xã hội); Bà Sue Vize đánh giá cao vai trò của các nước Đông Nam Á trong việc thực hiện nhiệm vụ trên và mong muốn, thông qua Hội thảo này, các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam có thể đưa ra những ý tưởng, sáng kiến hữu ích nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò của KHXH ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Bà Sue Vize hy vọng có sự tham dự của Viện Hàn lâm vào Hội nghị quốc tế quan trọng về MOST dự kiến sẽ được tổ chức tại Malaysia vào tháng 3/2017.
|
|
Từ góc độ lý luận và thực tiễn, hội thảo chia làm 02 phiên trình bày và thảo luận 04 báo cáo tham luận do các chuyên gia Xã hội học hàng đầu thực hiện (GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm; GS.TS. Trịnh Duy Luân, Nghiên cứu viên cao cấp, Hội Xã hội học Việt Nam; PGS.TS. Mai Văn Hai, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm). Các tham luận đã tập trung vào những vấn đề BĐXH ở Việt Nam; phân tích đặc điểm, nội hàm, chue thể, và các cấp độ quản lý BĐXH trên những lĩnh vực cơ bản (giáo dục, việc làm, an sinh, y tế, văn hóa, phân hóa và hòa nhập xã hội..). Đây là những vấn đề xã hội bức thiết đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến đời sống người dân.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích, tạo không gian đối thoại cho các học giả, thảo luận, đề xuất quan điểm, hội thảo; Qua đó gợi mở những ý tưởng nghiên cứu hữu ích về BĐXH và QLBĐXH, hướng tới xây dựng khung phân tích và vận dụng vào thực tiễn của vấn đề quản lý trong bối cảnh biến đổi xã hội Việt Nam ngày nay.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, bước đầu hình thành được cơ sở lý luận và thực tiễn của QLBĐXH ở Việt Nam, giúp cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách tăng cường mối liên kết vì mục tiêu phát triển xã hội bền vững góp phần hình thành những giải pháp chính sách quản lý biến đổi xã hội cân bằng, hiệu quả và toàn diện cho Việt Nam trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang