GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS
phát biểu khai mạc tại Hội thảo
|
Tham dự Hội thảo, về phía các học giả khách mời có PGS.TS. Nguyễn Chí Dũng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Hoàng Thị Nga, Trưởng khoa Khoa Xã hội học, trường Đại học Công đoàn; PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, Trưởng khoa Khoa Xã hội học, Đại học KHXH&NV (đại biểu tham dự trực tuyến); PGS.TS. Đặng Thị Ánh Tuyết, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Trần Thị Minh Ngọc, Trưởng khoa, Khoa Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Khu vực I; TS. Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Về phía Viện Hàn lâm có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Con người. Về phía Viện Xã hội học có PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng cùng một số đại biểu trong và ngoài VASS tham dự trực tiếp và trực tuyến.
GS.TS Đặng Nguyên Anh, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh và
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc chủ trì buổi Hội thảo
Niềm tin xã hội là một yếu tố có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Niềm tin tác động trực tiếp tới quan niệm, nguyên tắc, chuẩn mực, hành vi của con người trong mọi chiều cạnh. Trong xã hội, niềm tin vào cuộc đời, vào con người với nhau, vào kỷ cương, vào tương lai, vào tín ngưỡng tôn giáo. Để có được những niềm tin chân chính và cao đẹp, con người phải thông qua giáo dục dựa trên nhân bản. Niềm tin là cơ sở quan trọng quyết định bản chất các mối quan hệ xã hội. Tuy vậy, niềm tin vẫn còn là khái niệm khó nắm bắt. Việc tìm hiểu niềm tin xã hội và tác động của nó đến các chiều cạnh của đời sống xã hội có ý nghĩa đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số xã hội hiện nay.
Thay mặt lãnh đạo VASS, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự tham dự của các đại biểu và đánh giá cao Ban Tổ chức trong quá trình chuẩn bị hội thảo này; khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của chủ đề hội thảo nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về niềm tin xã hội. Là một cấu thành quan trọng của vốn xã hội, niềm tin không thể mua mà có, không thể ra lệnh mà được, niềm tin không thể vay mượn mà cần có thời gian để kiểm nghiệm, thử thách để tích lũy. Niềm tin dựa trên sự tin cậy, trung thực trong suy nghĩ và hành động, cần được chia sẻ giữa các thành viên trong xã hội. Niềm tin quyết định bản chất các mối quan hệ xã hội. Suy giảm niềm tin hoặc mất đi niềm tin thường dẫn đến những hệ lụy phức tạp, thậm chí mất ổn định xã hội.
GS. Phó Chủ tịch cho biết, một số nhóm xã hội có niềm tin lớn so với các nhóm khác. Đây là một chiều cạnh quan trọng mà nghiên cứu niềm tin xã hội cần đi sâu tìm hiểu. Niềm tin là chất keo gắn kết quan hệ xã hội, đòi hỏi sự đầu tư, gây dựng và là cơ sở để hình thành vốn xã hội bền vững. GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, việc nghiên cứu niềm tin cần đặt trong bối cảnh chuyển đổi xã hội. Quan hệ “có đi, có lại” là một đặc tính quan trọng đằng sau sự vận hành của xã hội Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng, kết nối bền vững các cá nhân, gia đình và nhóm xã hội.
GS. Phó Chủ tịch mong muốn, qua buổi Hội thảo, các nhà khoa học cùng các vị đại biểu sẽ làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về niềm tin xã hội, phù hợp với đặc thù và bối cảnh phát triển mới của đất nước sau 35 năm đổi mới và hội nhập,: Thứ nhất, đánh giá thực trạng niềm tin xã hội từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam; Thứ hai, nhận diện, phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của niềm tin, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi xã hội; Thứ ba, phương pháp đo lường niềm tin xã hội với độ tin cậy và chính xác cao, xây dựng các chỉ số đánh giá niềm tin xã hội; Thứ tư, đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm củng cố niềm tin trong xã hội Việt Nam.
Đáp lời GS. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh cảm ơn sự chỉ dẫn của GS. Phó Chủ tịch cũng như đưa ra những gợi mở cho Viện Xã hội học những hướng nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới.
Hội thảo nhận được 21 báo cáo tham luận có chất lượng đến từ các trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm. Ban tổ chức đã lựa chọn 7 báo cáo trình bày tại Hội thảo và chia làm 02 phiên.
Phiên thứ nhất tập trung chủ yếu vào các vấn đề mang tính lý luận về niềm tin xã hội, bao gồm các tham luận: (1) “Một số vấn đề nổi bật trong nghiên cứu niềm tin xã hội” do GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm trình bày; (2) “Niềm tin xã hội ở nước ta hiện nay” do PGS.TSKH. Lương Đình Hải (Viện Nghiên cứu Con người, VASS) trình bày; (3) “Một số suy nghĩ bước đầu về niềm tin chính trị ở cộng đồng xã hội Việt Nam hiện nay” do PGS.TS. Nguyễn Chí Dũng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trình bày; (4) “Niềm tin tôn vào truyền thông xã hội với dự luận xã hội” do TS. Bùi Phương Đình (Viện Xã hội học và Phát triển) trình bày.
|
|
|
|
Các đại biểu trình bày tham luận |
Phiên thứ hai tập trung vào các vấn đề thực tiễn về niềm tin trong xã hội Việt Nam hiện nay với các tham luận: (1) “Niềm tin của người dân về an toàn thực phẩm” do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê (Viện Nghiên cứu Con người, VASS) trình bày; (2) “Vai trò của văn hóa cộng đồng trong xây dựng niềm tin xã hội ở nông thôn nước ta hiện nay” do TS. Trương Xuân Trường (Viện Xã hội học, VASS) trình bày; (3) “Niềm tin xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19” do TS. Nguyễn Như Trang (Viện Xã hội học, VASS) trình bày.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học, tập trung thảo luận làm sáng tỏ một số vấn đề: (i) Niềm tin xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay; (ii) Mối quan hệ giữa niềm tin, sự hài lòng và hạnh phúc; (iii) Cơ sở thực tiễn của niềm tin giữa các nhóm xã hội và sự khác nhau trong việc xây dựng phương pháp đo lường niềm tin ở mỗi nhóm; (iv) Những thách thức đối với niềm tin xã hội trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa; (v) Mối quan hệ giữa truyền thông xã hội và truyền thông đại chúng; (vi) Niềm tin của người dân vào an toàn thực phẩm, thông tin an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm an toàn; Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng thảo luận một số yếu tố liên quan đến niềm tin như minh bạch, công khai và văn hóa cộng đồng…
PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh cảm ơn sự có mặt của các vị đại biểu, đặc biệt là các diễn giả đã có bài trình bày rất hay và ý nghĩa. Các trao đổi tại Hội thảo rất cởi mở và khoa học và gợi mở nhiều ý tưởng. Mặc dù trên thế giới vấn đề niềm tin xã hội không mới và được nghiên cứu nhiều nhưng đối với Việt Nam nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn ở mức khiêm tốn và chưa chuyên sâu trong bối cảnh xã hội Việt Nam có nhiều vấn đề đặt ra. Do đó, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về niềm tin xã hội tạo tiền đề phát huy sức mạnh của cả dân tộc trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước./.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Minh Hồng