Hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng phát triển kinh tế Nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới”

17:00 09/07/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ đề tài cấp quốc gia “Kinh tế nhà nước Việt Nam: Định hướng, giải pháp chính sách phát triển trong giai đoạn mới”, mã số KX.04.17/21-25, do TS. Phạm Anh Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam làm chủ nhiệm. Sáng ngày 10/7/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thực trạng phát triển kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới". Sự kiện thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, Bộ/ngành, các cơ quan Trung Ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, các Hiệp hội, Ngân hàng, Doanh nghiệp, NXB Chính trị quốc gia và đông đảo phóng viên từ các cơ quan thông tấn báo chí đến tham dự và đưa tin.

TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá và đưa ra giải pháp phát triển kinh tế nhà nước. TS. Phạm Anh Tuấn cho biết: Kinh tế nhà nước bao gồm doanh nghiệp nhà nước, tài nguyên quốc gia, đất đai, ngân sách và vốn nhà nước trong doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã, đóng vai trò quan trọng trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế nhà nước không ngừng phát triển, trở thành yếu tố cơ bản, trọng yếu của định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn đối với xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh năng lượng cho đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của kinh tế nhà nước còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như đóng góp cho nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực cạnh tranh chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của các DNNN nhìn chung còn hạn chế, công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Quang cảnh hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận được hơn 50 bài viết từ các nhà khoa học và chuyên gia, trong đó lựa chọn được gần 30 bài viết có chất lượng đăng kỷ yếu hội thảo và có 04 bài viết được lựa chọn trình bày tại Hội thảo.

Theo TS. Phạm Sỹ An, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó chủ nhiệm đề tài, trải qua nhiều năm đổi mới, kinh tế nhà nước đã không ngừng phát triển, trở thành yếu tố cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn vào xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp khoảng 87% sản lượng điện, hơn 84% thị phần bán lẻ xăng dầu, 100% thị phần khí thô và 70% thị phần khí hóa lỏng (LNG), đáp ứng 70% nhu cầu xăng dầu và 70-75% nhu cầu phân đạm. Đồng thời doanh nghiệp nhà nước cũng đóng vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng như viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng...

PGS.TS. Trần Kim Chung, Hội đồng lý luận Trung ương, chỉ rõ những mặt hạn chế của khu vực kinh tế Nhà nước. Đó là chưa đạt mục tiêu “nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước” đã đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước thấp hơn hiệu quả đầu tư bình quân chung của nền kinh tế và thấp hơn so với khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI... Kinh tế nhà nước là lực lượng chính trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, nhưng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ này chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và của nền kinh tế... PGS.TS. Trần Kim Chung nhận định bối cảnh thế giới và trong nước đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi việc rà soát các vấn đề và điều kiện để đảm bảo phát triển kinh tế thành công đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Phải quy định rõ tính chất kinh doanh và tính chất công ích của bộ phận doanh nghiệp Nhà nước trong từng điều kiện, hoàn cảnh. Từ đó xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, khắc phục sự không rõ ràng giữa nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận.

TS. Vũ Hoàng Đạt, đại diện nhóm nghiên cứu, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Quy mô khu vực này đã thu hẹp đúng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm, nhưng quy mô tuyệt đối tính theo doanh thu không giảm. Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất các sản phẩm thiết yếu như viễn thông, năng lượng, phân bón, hóa chất và hạ tầng tài chính.

TS. Vũ Hoàng Đạt cũng cho biết thêm, xét về khía cạnh tài chính, các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp tư nhân trong nước và ngoài nước. Điều này có thể do quản lý tài sản tốt hơn, quá trình sắp xếp đổi mới chọn lọc ra những doanh nghiệp tốt, sự hiện diện trong các ngành có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí, viễn thông, tài chính-ngân hàng. Quy mô doanh nghiệp nhà nước không quá khác biệt với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, ngụ ý rằng các doanh nghiệp nhà nước không quá bất lợi trong cạnh tranh nếu xét theo quy mô. Trong một số ngành, các doanh nghiệp nhà nước có mức độ trang bị vốn cao hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cùng ngành. Mặc dù kinh tế nhà nước còn nhiều thách thức, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng và có những tiềm năng lớn để phát triển hơn nữa trong tương lai.

TS. Hà Huy Ngọc, các vấn đề đặt ra trong cách tiếp cận kinh tế Nhà nước sau gần 40 năm đổi mới đó là: (i)  khi nói đến kinh tế nhà nước, thường chủ yếu đề cập và tập trung phân tích vào bộ phận doanh nghiệp nhà nước, còn các bộ phận khác, phi doanh nghiệp nhà nước thì chưa được đề cập nhiều; (ii) chưa có sự phân định rạch ròi, số liệu đo lường cụ thể giữa đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân; (iii) trong hoạt định, thực thi chính sách hiện nay vẫn chủ yếu thừa nhận các bộ phận của kinh tế nhà nước, bộ phận doanh nghiệpnhà nước giữ vai trò quan trọng, sống còn, cốt lõi trong việc thực hiện các chức năng của kinh tế nhà nước, còn bộ phận phi doanh nghiệp thì chưa được đánh gia cao; (iv) vẫn còn cách hiểu, cách tiếp cận kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là một, nói đến doanh nghiệp nhà nước là nói đến kinh tế nhà nước, để đảm trách các chức năng, nhiệm vụ, xứ mệnh, ổn định vĩ mô, đầu tàu, dẫn dắt, lan toả và trách nhiệm chính trị, ASXH thì khu vực doanh nghiệp được quyền tiếp cận và sử dụng, khai thác thậm chí là độc quyền sử dụng một số tài sản, tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực…; (v) chưa có một thống kê, hoạch toán sơ bộ về giá trị bộ phân phi doanh nghiệp trong kinh tế nhà nước. 

Các đại biểu trình bày, phát biểu, trao đổi, thảo luận tại hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, tập trung làm rõ các vấn đề nổi bật trong sự phát triển của kinh tế nhà nước từ năm 1986 đến nay, đưa ra các quan điểm để từ đó có các giải pháp chính sách phát triển kinh tế nhà nước trong giai đoạn mới sắp tới.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu tổng kết  Hội thảo, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam  cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu tham dự. TS. Lê Xuân Sang khẳng định, những tham luận và ý kiến được trình bày tại Hội thảo này sẽ là cơ sở để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu, làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản và xác định những vấn đề cần bổ sung hoàn thiện, nghiên cứu, cập nhật xu hướng mới, tính thời đại, qua đó thấy được cơ hội thách thức cũng như đề ra được các giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới.

 

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác