Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”

17:00 12/04/2018
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của nước ta (968 - 2018), ngày 12/4/2018, tại Ninh Bình, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Ninh Bình, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”.
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo  

Tham dự Hội thảo về phía đại biểu Trung ương, có Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Đinh Đăng Quang, Phó Tổng giám đốc TTXVN và các đồng chí lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc các bộ, ban, ngành và cơ quan Trung ương. Về phía Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Viện Hàn lâm) có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm, phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học cùng lãnh đạo các ban, các viện, các cơ quan, đơn vị, cán bộ và các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Hội KHLSVN) có GS.NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội KHLSVN; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội KHLSVN; GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội KHLSVN. Tỉnh Ninh Bình có Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; Đồng chí Trần Hồng Quảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam Tỉnh, lãnh đạo đoàn đại biểu quốc hội Tỉnh, các đồng chí uỷ viên BCH Đảng bộ Tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh, thường trực các huyện, thành phố. Ngoài ra còn có các đại biểu đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, đại biểu các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trung ương và địa phương.

Ban tổ chức đã nhận được 57 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước gửi về, được chia thành 2 chủ đề: Chủ đề 1, Những vấn đề về lịch sử của Nhà nước Đại Cồ Việt; Chủ đề 2, Di sản và phát huy giá trị di sản của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.    

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thái Bình, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc – kỷ nguyên độc lập, tự chủ.  Trong 86 năm tồn tại và phát triển, Nhà nước Đại Cồ Việt lần đầu tiên đã phác thảo ra một mô hình nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ, xây dựng nền móng vững chắc để các triều đại phong kiến Việt Nam sau này bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chống lại các cuộc xâm lăng của ngoại bang, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, đạt được những thành tựu rực rỡ về mọi mặt: kinh tế, quân sự, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, luật pháp, mà đỉnh cao là ở các triều đại Lý, Trần và được kế thừa, tiếp nối ở các triều đại Lê, Nguyễn sau này.

Đánh giá công lao, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng Đế trong tiến trình lịch sử dân tộc, sách Việt giám thông khảo tổng luận nhận định: “Đinh Tiên Hoàng nhân khi nhà Ngô loạn lạc, dẹp được 12 sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi… sáng chế triều nghi, định lập quân đội. Vua chính thống của nước Việt ta thực bắt đầu từ đấy…”.

Trước khi tiến hành hội thảo, chiều ngày 11/4/2018, các đại biểu đã đến dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê, thăm Phòng trưng bày khảo cổ học tại Ninh Bình.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, <br>Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu khai mạc GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH <br>Việt Nam phát biểu chào mừng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đánh giá sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt, khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau ngàn năm Bắc thuộc. Đây là thời đại bản lề, những giá trị mà Nhà nước Đại Cồ Việt tạo dựng là cơ sở, nền tảng để các triều đại phong kiến Việt Nam nói riêng, các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiên tại và tương lai vững tin xây dựng, phát triển đất nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc nghiên cứu, tìm hiểu về Nhà nước Đại Cồ Việt là việc làm xuyên suốt, và mong rằng kết quả của cuộc hội thảo khoa học này sẽ có thêm cơ sở để đánh giá khách quan toàn diện hơn về vị trí, vai trò, thành tựu và cả những hạn chế của nhà nước Đại Cồ Việt cũng như những ảnh hưởng của giai đoạn lịch sử quan trọng này trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc; qua đó, đúc rút những kinh nghiệm quý báu làm bài học cho chúng ta và các thế hệ tương lai tiếp tục sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở cửa hội nhập quốc tế.

Phát biểu chào mừng, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khẳng định, Nhà nước Đại Cồ Việt tuy chỉ tồn tại trong vòng 86 năm, nhưng giữ một vai trò đặc biêt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Giáo sư Chủ tịch nhấn mạnh: Trước hết, Nhà nước Đại Cồ Việt là một quốc gia thống nhất, độc lập, một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, làm chủ một giang sơn riêng; nhà nước đầu tiên đúc tiền đồng Thái Bình hưng bảo trong lịch sử tiền tệ nước ta, là nhà nước quan tâm đến việc phát triển kinh tế và văn  hóa, khẳng định Phật giáo là tôn giáo chính thức. Thứ hai, Nhà nước Đại Cồ Việt là nhà nước quân chủ đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc. Vua Đinh Tiên Hoàng cũng là người đầu tiên trong lịch sử thi hành biện pháp và nghi thức ngoại giao vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn. Từ đó, để lại một bài học kinh nghiệm ngoại giao với đế chế khổng lồ phương Bắc là “thần phục bề ngoài, độc lập thực sự”, hay “ở trong xưng Đế, bên ngoài xưng Vương”, cho các vương triều quân chủ Việt Nam sau này. Thứ ba, Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên thi hành những chính sách đúng đắn đối với dân tộc thiểu số, tạo mọi điều kiện để các dân tộc được chung sống hòa bình, đặng cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù chung. Thứ tư, Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên của Việt Nam, tiến hành quá trình “Nam tiến”, mở rộng lãnh thổ về phương Nam của Tổ quốc, với những cuộc khai phá, di dân đầu tiên, để các triều đại sau này tiếp tục hoàn thành trọn vẹn quá trình ấy.

Các kết quả nghiên cứu phần nào đã làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp và công lao của Vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng và vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, còn có vấn đề tồn tại, ý kiến khác nhau, chưa có sự thống nhất cao trong giới khoa học. Giáo sư Chủ tịch mong muốn và tin tưởng, qua Hội thảo này làm rõ hơn vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam qua những tư liệu mới, phân tích mới, nhận thức mới.

  PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện sử học <br> phát biểu đề dẫn hội thảo

Trong Báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện sử học đề nghị Hội thảo tập trung làm nổi bật hơn nữa những thành tựu của nhà nước Đại Cồ Việt trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa; Đánh giá về vị trí, vai trò, những đóng góp cũng như bài học kinh nghiệm lịch sử của Nhà nước Đại Cồ Việt đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam; Đồng thời kế thừa, bảo vệ, phát huy những giá trị di sản của thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay.

Trên cơ sở chủ đề của Hội thảo, Ban Tổ chức gợi mở cần làm rõ hơn những vấn đề chủ yếu sau: Một là, nêu bật và làm sáng rõ sự kiện đánh dẹp, thu phục 12 sứ quân, chấm dứt thời kỳ xung đột, cát cứ; Hai là, nêu bật ý nghĩa lịch sử của việc thống nhất quốc gia, thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt, coi đó là sự kiện có tính bước ngoặt, mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc; Ba là, làm rõ về tổ chức, xây dựng lực lượng quân đội, sử dụng nghệ thuật quân sự trong công cuộc bảo vệ đất nước, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và củng cố, tăng cường thiết chế bộ máy nhà nước quân chủ của Nhà nước Đại Cồ Việt; Bốn là, các thành tựu hoạt động ngoại giao, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp của nhà nước Đại Cồ Việt; Năm là, vai trò của Phật giáo, những phong tục tập quán và lễ hội dân gian truyền thống thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt, việc bảo tồn và phát huy giá trị những di sản lịch sử văn hóa hiện nay.

Tại Hội thảo, các tham luận đã được trình bày về những vấn đề: Ý nghĩa sự hình thành nhà nước Đại Cồ Việt và vai trò của Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử dân tộc (GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội KHLSVN); Tổ chức bộ máy nhà nước Đại Cồ Việt (PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học); Lễ hội tịch điền - vấn đề trọng nông trong buổi đầu thành lập nhà nước quân chủ (GS. TS. Lê Hồng Lý, Viện nghiên cứu văn hóa); Những việc làm đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam (PGS. TS. Bùi Minh Trí, Viện nghiên cứu kinh thành); Vị trí của nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam (PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học); Những việc làm đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam (PGS. TS. Trần Thị Vinh, Viện Sử học); Một góc nhìn về những sự kiện lịch sử thời Đinh qua truyền thuyết, sấm ký, văn chương khuyết danh cổ, thần tích và văn bia (Ông Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Ninh Bình); Một số vấn đề về Phật giáo thời Đại Cồ Việt (PGS. TS. Vũ Duy Mền, Viện Sử học); Bang giao giữa Đại Cồ Việt với các quốc gia láng giềng (PGS. TS. Đào Tố Uyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); Học giả Trung Quốc với vấn đề quốc gia Đại Cồ Việt (PGS. TS. Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học); Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Hoa Lư trong giai đoạn hiện nay (Nguyễn Thị Dịu, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình).

Quang cảnh buổi Hội thảo

 

Sau hai phiên trình bày và thảo luận, với 11 tham luận được trình bày và nhiều ý kiến phát biểu, với quan điểm khách quan khoa học, với những nhận thức khoa học mới và cách tiếp cận hiện đại, có hệ thống, bằng những nguồn tư liệu, tài liệu mới, toàn diện với nhiều chiều cạnh khác nhau đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm vóc to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đồng thời chỉ ra việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn sâu sắc trong thời đại ngày nay.

GS.NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội KHLS Việt Nam phát biểu tổng kết hội thảo Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu bế mạc hội thảo

Tổng kết Hội thảo, GS. NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội KHLS Việt Nam đã tập trung, nhấn mạnh vào ba vấn đề được quan tâm nhất: Thứ nhất, Khẳng định công cuộc nhất thống sơn hà và công lao vô cùng to lớn của Đinh Bộ Lĩnh, người đặt nền móng vững chắc xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ ở nước ta, để các triều đại phong kiến Việt Nam sau này bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chống lại các cuộc xâm lăng của ngoại bang, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, mở ra các triều đại liên tục, truyền thống xưng Đế; Thứ hai, Công cuộc xây dựng quốc gia độc lập, thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt, coi đó  là sự kiện có tính bước ngoặt, kiến tạo một Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đặt nền móng vững chắc cho sự cường thịnh của đất nước trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam; Thứ ba, Xác định vị thế của Nhà nước Đại Cồ Việt và công lao của Đinh Tiên Hoàng Đế trong tiến lịch sử dân tộc Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các đại biểu, các nhà khoa học, các ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết và sự phối hợp chặt chẽ của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã góp phần vào sự thành công của hội thảo.

Đồng chí Đinh Văn Điến nhấn mạnh, các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu trực tiếp rất tâm huyết, có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao, đa dạng, đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh về lý luận và thực tiễn, nhấn mạnh vào cốt lõi để đi đến nhận thức mang tính nền tảng cho việc tìm hiểu nghiên cứu về vai trò vị trí của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cung cấp thêm tư liệu mới, cơ sở khoa học quan trọng, góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản của nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và cả nước. Đồng chí Đinh Văn Điến đề nghị sau Hội thảo tỉnh Ninh Bình cần thực hiện:

1/ Ban tổ chức tổng hợp bài tham luận, các ý kiến phát biểu thành kỷ yếu phục vụ công tác tuyên truyền, quản lý, nghiên cứu, tham khảo,v.v.

2/ Các cấp ngành tỉnh Ninh Bình cần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hóa dân tộc, về quê hương Ninh Bình, từ đó bồi dưỡng thêm tình yêu, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, thể hiện lòng thành kính, tri ân các bậc Tiên Đế, Tiền Nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

 

PV

In trang Chia sẻ

Tin khác