Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có: PGS.TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các vụ, viện, trung tâm, Học viện chính trị khu vực II thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; cùng đại diện lãnh đạo các ban chức năng, các viện trực thuộc Viện Hàn lâm.
Về phía Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào có: PGS.TS. Thongsalith Mangnomek, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo văn phòng, các vụ, khoa thuộc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào.
Về phía Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào có: TS. Amphayvanh Khamsengsivilay, Phó Chủ tịch Viện; đại diện lãnh đạo văn phòng, các ban chức năng, các viện trực thuộc Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào.
Về phía tỉnh Bình Thuận có: Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh; Ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh; Ông Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ông Đỗ Hữu Quy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh; Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận.
Hội thảo đã nghe các phát biểu khai mạc và chào mừng của PGS.TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Thongsalith Mangnomek, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Amphayvanh Khamsengsivilay, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh Bình Thuận.
|
|
|
Trong bài phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh truyền thống quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết hữu nghị, thủy chung giữa dân tộc Việt – Lào được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp trong suốt 55 năm qua. Mối quan hệ đặc biệt hiếm có đó đã được thử thách trong thời kỳ khó khăn, đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận, bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập đang đối mặt với những cơ hội và thách thức trong bối cảnh thế giới đầy biến động khó lường, chịu sự chi phối ngày càng tăng của các nước lớn. Điều này đòi hỏi mỗi nước phải củng cố và phát huy nội lực để chủ động ứng phó và theo đuổi các mục tiêu phát triển quốc gia một cách bền vững. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh chiến lược của các cường quốc vào các khu vực có tầm quan trọng về địa - chiến lược ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam và Lào, việc tiếp tục đẩy mạnh, phát huy các giá trị của quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, phối hợp có tiếng nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tận dụng cơ hội từ các diễn đàn và cơ chế hợp tác quốc tế đa phương, nhằm góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện của mỗi quốc gia và khu vực.
Sau phiên khai mạc và chào mừng, Hội thảo được nghe các tham luận trình bày tại ba phiên:
Phiên thứ 1: Đánh giá quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, gồm 04 tham luận: 1) 55 năm hợp tác và hữu nghị Lào – Việt Nam: những thành tựu và hạn chế (TS. Feuangsy Laofoung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào); 2) Nhìn lại 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (1962-2017) (TS. Trương Duy Hòa, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm); 3) Góp phần làm rõ thêm cơ sở hình thành mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào (PGS.TS. Thái Văn Long, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); 4) Hợp tác Lào – Việt Nam và hợp tác giữa Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (GS.TS. Bounthi Kheuamysay, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào).
Phiên thứ 2: Đánh giá hợp tác Việt Nam – Lào trong đào tạo cán bộ, nghiên cứu lý luận và khoa học xã hội, gồm 04 tham luận: 1) Quan hệ hợp tác Lào – Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (ThS. Khamla Keo Ounkham, Chánh văn phòng Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào); 2) Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (PGS.TS. Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Đào tạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); 3) Hợp tác Lào – Việt Nam trong đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học xã hội (TS. Khamphaeng Thipmostaly, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào); 4) Hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam – Lào: thành tựu, kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra và giải pháp (PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm).
Phiên thứ 3: Định hướng và giải pháp phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào trong giai đoạn mới, gồm 04 tham luận: 1) Một số giải pháp tăng cường quan hệ Việt Nam – Lào trong bối cảnh mới (TS. Nguyễn Ngọc Lan, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm); 2) Quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam: triển vọng, giải pháp và tầm nhìn 2030 (TS. Bountheng Souksavatd, Viện trưởng Viện Thông tin và Tạp chí, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào); 3) Phương hướng và giải pháp phát triển quan hệ hữu nghị và sự hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam (TS. Khammone Chanthachith, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào); 4) Giải pháp củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn 2030 (PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
|
|
|
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, nhiều đề xuất ý tưởng có giá trị, tập trung vào trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đánh giá từ góc độ khác nhau về mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam – Lào 55 năm qua, trong bối cảnh môi trường chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh của khu vực, quốc tế đang và sẽ có nhiều thay đổi; trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đánh giá từ góc độ liên quan đến lợi ích, chính sách của các bên, đánh giá về những diễn biến gần đây trên thế giới và khu vực tác động đến quan hệ Việt Nam – Lào; nhận diện những khó khăn, hạn chế đang đặt ra, gắn với yêu cầu đẩy mạnh quan hệ Việt Nam – Lào trong thời gian tới, đề xuất các giải pháp và kiến nghị có ý nghĩa thiết thực cho Đảng và Nhà nước trong việc đề ra đường lối và chỉ đạo thực hiện việc tăng cường hợp tác đặc biệt và toàn diện giữa Việt Nam – Lào trong giai đoạn tới, trong điều kiện Việt Nam đang nỗ lực thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại theo tinh thần của Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lào đang nỗ lực hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ X.
|
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao trách nhiệm và tình cảm của Ban tổ chức hội thảo, tỉnh Bình Thuận và các đại biểu đã góp phần tổ chức thành công hội thảo. Các ý kiến tham luận, trao đổi ý kiến hết sức sôi nổi, thẳng thắn đã đánh giá toàn diện và sâu sắc các mặt quan hệ, hợp tác hai nước trong suốt 55 năm qua, trong đó bên cạnh việc đánh giá các thành tựu đạt được, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thách thức và những nhân tố tác động trái chiều ảnh hưởng tới mối quan hệ hai nước Việt Nam – Lào. Các ý kiến tham luận đều nhận thức rõ hai bên sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng cao hơn, hiệu quả và thực chất hơn, vững bền hơn. Trong không gian hợp tác hai nước, giới nghiên cứu, học thuật ở mỗi quốc gia mà bốn cơ quan đồng tham gia tổ chức Hội thảo này là lực lượng chủ chốt, tiên phong trong nghiên cứu, đánh giá quan hệ hai bên trên các phương diện, tiên phong trong tuyên truyền, tham mưu vào hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách cho hai Đảng, hai Nhà nước để thúc đẩy mối quan hệ hai nước trong giai đoạn mới. Thành công của Hội thảo là biểu hiện quan trọng khẳng định quyết tâm phấn đấu kế thừa và vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hữu nghị thủy chung gắn bó và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở mỗi nước, cũng như vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Thongsalith Mangnomek, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào cũng khẳng định thành công của Hội thảo. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến tốt, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý, tuy nhiên, do hạn chế về thời gian, các đại biểu không có nhiều cơ hội để trao đổi bài học và kinh nghiệm sâu hơn. PGS.TS. Thongsalith Mangnomek hy vọng Hội thảo sẽ góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, làm bền chặt hơn và đưa quan hệ hợp tác vốn có giữa 4 cơ quan ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện.
Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, là sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào cũng như trong mối quan hệ hợp tác giữa 4 cơ quan Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào và Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào. Sự kiện tiếp theo là Hội thảo khoa học quốc tế “Hồ Chí Minh và Cay Sỏn Phôm Vi Hản – Nhà lý luận – thực tiễn kiệt xuất của cách mạng Việt Nam - Lào” sẽ được 4 cơ quan phối hợp tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào vào cuối tháng 8 năm 2017./.
PGS.TS. Vũ Hùng Cường