Tham dự có TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới; TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng; đại diện các đại sứ quán Trung Quốc, Nhật Bản; đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; các chuyên gia nhà khoa học đến từ các trường đại học trong nước và quốc tế.
|
Già hóa dân số là kết quả của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học tất yếu và lâu dài. Hiện nay già hóa dân số là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế và các vấn đề về an sinh. Già hóa dân số diễn ra ở nhiều khu vực mang tính chất toàn cầu. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo Tổng cục Thống kế năm 2019, Việt Nam có khoảng 10,41 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, số lượng cao tuổi Việt Nam đạt 17,28 triệu người (16.5% tổng dân số) vào năm 2029, đạt 22,29 triệu người (chiếm 20,21% tổng dân số) năm 2038; đạt 28,61% triệu người (chiếm 24,88% tổng dân số) năm 2049, và đạt 31,69 triệu người (chiếm 27,11% dân số) năm 20169. Những con số này cho thấy già hóa dân số ở Việt Nam đang và sẽ diễn ra ngày càng nhanh và có dấu hiệu gia tăng trong những thập kỷ tới.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Phí Vĩnh Tường nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. TS. Phí Vĩnh Tường nêu bật những đặc điểm già hóa dân số ở Việt Nam: (1) Diễn ra nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng dân số; (2) Già hóa dân số cũng diễn ra với nhịp độ khác nhau theo giới tính, theo vùng, miền; (3) Già hóa dân số đi kèm với nhu cầu tiếp tục làm việc gia tăng; (4) Già hóa dân số chưa gắn với cải thiện sức khỏe người già; (5) Người già chủ yếu sống ở nông thôn và có mức sống thấp. Già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, đi kèm với nhiều vấn đề kinh tế- xã hội cần giải quyết như cơ sở hạ tầng, việc làm, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội. TS. Phí Vĩnh Tường nhấn mạnh, quá trình già hóa dân số ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội trong cả ngắn và dài hạn. Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra các tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và văn hóa.
Bên cạnh đó, TS. Phí Vĩnh Tường cũng phân tích một số điểm tích cực của vấn đề già hóa dân số. Dân số già là cơ hội để các ngành kinh tế, dịch vụ, phục vụ người cao tuổi phát triển. Đánh giá tầm quan trọng của già hóa dân số đối với tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội qua Văn kiện Đại hội XIII, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án thích ứng với một xã hội có dân số già cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất và tâm lý xã hội.
|
Hội thảo nhận được 08 tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận. Các diễn giả (TS. David Koh, Đại học Vin; TS. Đổng Văn Chung và ThS. Nguyễn Đình Ngân, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; PGS.TS. Kuo- Hsiang Sun, Đại học Nanhua, Đài Loan; TS. Liang Ningxin, Viện Nghiên cứu Phát triển Quảng Đông, Trung Quốc; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, Đại học Đại Nam, Việt Nam; TS. Shigesaburo Kabe, Nhật Bản; PGS.TS. Giang Thanh Long và TS. Ngô Quỳnh An, Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Đoàn Thị Mai Hương, TS. Đoàn Thị Mai Hương, Đại học Lao động và Xã hội; TS. Phạm Minh Thái, Trung tâm Phân tích và Dự báo) trình bày dân số già và vấn đề văn hóa thực tiễn tại Singapore; phân tích mối quan hệ giữa dân số già và chính sách chuyển đổi số toàn diện của Châu Âu; dân số già tại Đài Loan, Quảng Đông và xu hướng, chính sách, bài học kinh nghiệm; phản ứng của Nhật Bản về những thách thức và cơ hội của xã hội dân số già; dự báo về tình trạng thiếu hụt lao động trong xã hội có cơ cấu dân số già: bài học rút ra từ Nhật Bản; hệ thống hóa khung chính sách thích ứng cho dân số già; năng suất lao động và dân số già tại Việt Nam.
Hội thảo là diễn đàn học thuật hữu ích và quan trọng, những ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học về đặc điểm, xu hướng và tác động của già hóa dân số đến phát triển kinh tế dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam sẽ làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn. Đặc biệt là đề xuất được nhiều ý tưởng, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn hiệu quả, góp phần đưa ra các giải pháp thiết thực, hướng tới ứng phó với tình trạng già hóa dân số nhanh hiện nay ở Việt Nam.
Nguyễn Thu Trang