Hội thảo khoa học quốc tế: "Bài học kinh nghiệm qua 40 năm đổi mới và phát triển ở CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào"

17:00 27/06/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thực hiện Thỏa thuận hợp tác khoa học giữa 04 cơ quan,ngày 27/6/2024, tại Thành phố Luang Prabang - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào (NAPPA) chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) và Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Bài học kinh nghiệm qua 40 năm đổi mới và phát triển ở CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào”. Được khởi xướng từ năm 2016, Hội thảo thường niên giữa 04 cơ quan trở thành diễn đàn quan trọng và thường xuyên giữa các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học của Việt Nam và Lào.

Tham dự Hội thảo có TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS. Phu Vông Un Khăm Sen, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc NAPPA; TS. Kong Kẹo Xay Sông Kham, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch LASES; GS.TS Lê Văn Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy, Phó Giám đốc HCMA; Đồng chí Sụ Căn Bun Nhông, Phó Bí thư Tỉnh ủy Luang Prabang; cùng các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ 04 cơ quan.

Tiếp nối thành công của các hội thảo trước đây, Hội thảo lần này có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm rõ cơ sở lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của thành tựu, hạn chế; những bài học kinh nghiệm rút ra từ công cuộc đổi mới ở mỗi nước trên các lĩnh vực kinh tế và hội nhập, văn hóa-xã hội; đưa ra các giải pháp cho Đảng và Chính phủ hai nước trong việc tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới trong bối cảnh quốc tế, khu vực và tình hình mỗi nước có những điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng các đại biểu từ bốn cơ quan và tỉnh Luang Prabang; trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và sự chuẩn bị công tác tổ chức hội thảo chu đáo củaNAPPA. TS. Phan Chí Hiếu khẳng định, quyết định đổi mới mang tính lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vào năm 1986 đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển của mỗi nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại… Bên cạnh những thành công đó, sau gần 40 năm đổi mới, cả Việt Nam và Lào vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhiều lĩnh vực vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khu vực và thế giới. TS. Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, thực trạng khó khăn ở mỗi nước cùng những thách thức mang lại của môi trường quốc tế và khu vực như căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Á, xu hướng bảo hộ thương mại của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, mối đe dọa về sự phân cực giữa Bán cầu Nam và Bán cầu Bắc (giữa nhóm các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển và nhóm các nền kinh tế phát triển) trong nền chính trị toàn cầu, các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu do sự nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và đặc biệt là những thách thức, nguy cơ đến từ sự phát triển vượt trội nhưng khó kiểm soát của khoa học và công nghệ… khiến một mặt hai nước phải tiếp tục kiên định đường lối và các chính sách đổi mới, mặt khác có thể phải thực hiện các chính sách đối mới ở các mô thức mới và mức độ cao hơn, hành động quyết liệt hơn. Trong bối cảnh đó, Hội thảo khoa học quốc tế “Bài học kinh nghiệm qua 40 năm đổi mới và phát triển ở CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Với 40 bài tham luận, Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên, với 12 tham luận trình bày tập trung vào ba chủ đề chính1) Lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam; 2) 40 năm đổi mới về lĩnh vực kinh tế và hội nhập ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 3) 40 năm đổi mới về lĩnh vực văn hóa - xã hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các tham luận và các phát biểu thảo luận tại Hội thảo làm rõ lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Cụ thể, các báo cáo tập trung phân tích nguyên nhân, bối cảnh, quá trình triển khai, mục tiêu, kết quả, hạn chế, đặc điểm, ý nghĩa của công cuộc đổi mới ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; quá trình đổi mới, thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm, tầm nhìn và kiến nghị giải pháp về đổi mới kinh tế, văn hóa-xã hội ở mỗi nước. Nhiều báo cáo khẳng định, trong gần 40 năm qua, nhờ công cuộc đổi mới toàn diện mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khởi xướng và chỉ đạo, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế. Mặc dù vậy, công cuộc đổi mới ở mỗi nước còn không ít những hạn chế. Trong bối cảnh mới của nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy rẫy những thách thức, khó khăn, hai Đảng, hai Nhà nước cần tiếp tục kiên định với đường lối đổi mới, đưa hai nước tiếp tục phát triển.

Tổng kết Hội thảo, PGS. Phu Vông Un Khăm Sen, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc NAPPA nhấn mạnh các tham luận và trao đổi đã khẳng định sự cần thiết của việc tiến hành công cuộc đổi đổi mới ở mỗi nước. Ông khẳng định rằng sự thống nhất về đường lối đổi mới của hai Đảng là đúng đắn, vai trò lãnh đạo của hai Đảng là yếu tố quyết định tới mọi thắng lợi của công cuộc đổi mới ở hai nước trong trong suốt 40 năm qua. Hai nước có xuất phát điểm thấp giống nhau nên những thành tựu mà hai nước có được ngày hôm nay là thành công to lớn của công cuộc đổi mới ở mỗi nước. PGS. Phu Vông Un Khăm Sen nhấn mạnh thêm rằng, Hội thảo đóng góp thêm cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn cho hai Đảng, hai Nhà nước trong việc tiếp tục thực hiện đường lối đối mới của mỗi nước trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuyến công tác và tham dự Hội thảo quốc tế thường niên 04 bên, Chủ tịch Viện Hàn lâm, TS Phan Chí Hiếu đã có buổi chào xã giao với Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Hội đồng Lý luận Trung ương Lào; Lãnh đạo NAPPA; Lãnh đạo LASES và Lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Luang Prabang.

PGS.TS. Võ Xuân Vinh và ThS. Lê Thành Tuyên

In trang Chia sẻ

Tin khác