Hội thảo được vinh dự đón tiếp GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; lãnh đạo các ban, các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm; lãnh đạo Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, lãnh đạo các trường đại học, khoa ngữ văn, khoa ngôn ngữ trong cả nước và nhiều cơ quan báo chí tại Hà Nội. Đặc biệt, Hội thảo cũng đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các học giả đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Australia, Nga, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan,...
|
Trong phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của các nhà khoa học trong nước và quốc tế tại Hội thảo; đánh giá cao công tác tổ chức, uy tín và tầm ảnh hưởng trong cộng đồng các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong nước và quốc tế của Viện Ngôn ngữ học thông qua các hội thảo quốc tế đã tổ chức. Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu ngôn ngữ của Viện Ngôn ngữ học cũng như giới nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam thời gian qua, GS. Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng nhấn mạnh đến một số vấn đề từ thực tiễn cuộc sống đặt ra cho giới ngôn ngữ học trong nước như: việc gìn giữ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời tạo điều kiện cho tiếng Việt phát triển; vấn đề sự đa dạng của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và quyền của người dân tộc thiểu số được sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Chủ tịch Viện Hàn lâm mong muốn, với tinh thần trao đổi học thuật mang tính xây dựng, khoa học và cởi mở, Hội thảo quốc tế lần thứ 3 sẽ tạo ra các vấn đề gắn với các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại, áp dụng vào thực tiễn nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam.
|
|
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Trưởng ban tổ chức Hội thảo, bên cạnh việc khái quát bối cảnh chung của ngôn ngữ học thế giới, ngành ngôn ngữ học Việt Nam và ý nghĩa của Hội thảo, đã nhấn mạnh đến những vấn đề cần được tập trung trao đổi, thảo luận, đó là:
- Vấn đề tiếp tục vận dụng các lí thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại để tiếp tục phát hiện những đặc điểm của tiếng Việt, của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm phong phú kho tàng lí luận của ngôn ngữ học thế giới.
- Vấn đề nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, cần làm rõ các vấn đề về cội nguồn và sự tiếp xúc ngôn ngữ của tiếng Việt, thông qua bằng chứng dấu vết các từ ngữ cổ trong các phương ngữ địa lí, cứ liệu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số có họ hàng với tiếng Việt và bằng chứng từ các thư tịch cổ.
- Vấn đề bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, thông qua định hướng nghiên cứu ngôn ngữ như một trong những tiêu chí xác định tộc người, nghiên cứu cảnh huống và vị thế đã và đang thay đổi của một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số do vấn đề di dân, nghiên cứu để bảo tồn các ngôn ngữ nguy cấp, nghiên cứu để xây dựng chữ viết cho các dân tộc chưa có chữ viết, nghiên cứu chính sách và bài học kinh nghiệm trong xây dựng chính sách ngôn ngữ các dân tộc thiểu số hướng đến phát triển bền vững đất nước.
- Vấn đề giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt gắn với chuẩn hóa tiếng Việt trong tình hình, bối cảnh xã hội mới, do sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn hiện đại, hướng đến xây dựng và ban hành Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam.
-Vấn đề về quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, tìm hiểu các đặc trưng văn hóa-tư duy thể hiện qua ngôn ngữ.
-Các vấn đề của ngôn ngữ học ứng dụng, nằm trong xu hướng đưa kiến thức ngôn ngữ học phục vụ xã hội.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 256 báo cáo toàn văn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi đến, trong đó có 20 tác giả nước ngoài, tập trung thảo luận những khuynh hướng hiện đại trong ngôn ngữ học và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam.
Tại phiên toàn thể, Ban tổ chức đã lựa chọn 3 tham luận phản ánh phần nào những vấn đề đa dạng mà ngôn ngữ học phải giải quyết cả về lí thuyết lẫn thực tiễn. Đó là “Loại hình học ngôn ngữ: nghĩa liên nhân” (GS. James Martin, Khoa Ngôn ngữ, trường Đại học Sydney), “Cảnh huống ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc, trường hợp Cộng hòa Liên bang Nga và Việt Nam” (GS.TSKH Aysa Bitkeeva, Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga), “Hai từ CÁI, CON trong trung tâm danh ngữ và kết hợp của chúng với các định ngữ hạn định là danh từ động vật/bất động vật từ thời tiếng Việt cổ đến nay” (GS.TS. Vũ Đức Nghiệu, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Các nội dung phong phú các về ngôn ngữ học được Ban tổ chức Hội thảo chia thành 5 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Ngôn ngữ học lí thuyết
Tiểu ban 2: Ngôn ngữ học liên ngành
Tiểu ban 3: Nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ.
Tiểu ban 4: Ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu .
Tiểu ban 5: Ngôn ngữ học ứng dụng.
Các trao đổi, thảo luận tại các tiểu ban đã cho thấy, có nhiều khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại được tiếp thu, vận dụng và điều chỉnh ở Việt Nam như, Ngữ dụng học và Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học chức năng hệ thống, Ngôn ngữ học tri nhận, Lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán, Ngôn ngữ học tạo sinh, Ngôn ngữ học văn hóa, lý thuyết đánh giá và Ngữ nghĩa học diễn ngôn, phát triển từ Ngôn ngữ học chức năng hệ thống. Những khuynh hướng ngôn ngữ học này đã được vận dụng một cách linh hoạt, tạo nên bức tranh nghiên cứu ngôn ngữ học đa dạng.
Bên cạnh đó, sự áp dụng các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại đã mang lại những khởi sắc trong nghiên cứu hệ thống về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt. Nó cũng mang lại thành công trong các lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng, ngôn ngữ học địa lí và lịch sử tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ học đối chiếu.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Các ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn tại Hội thảo góp phần đưa lại những nhận thức mới, tri thức mới, làm cho ngôn ngữ học Việt Nam đáp ứng được các nhu cầu của thực tiễn sử dụng ngôn ngữ ở Việt Nam và có đóng góp vào kho tàng lí luận của Ngôn ngữ học thế giới. Không những vậy, Hội thảo lần này còn là dịp để các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cùng với các nhà ngôn ngữ học thế giới quan tâm đến Việt Nam tập hợp và thảo luận những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại, trình bày và đánh giá kết quả nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam trong thời gian qua, gồm cả thành tựu cũng như hạn chế, đồng thời xác định những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Tin: PV
Ảnh: Vĩnh Hà