Hội thảo khoa học quốc tế: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”

12:00 06/05/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 05 tháng 5 năm 2014, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại” với sự tham dự của trên 200 nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 22 đại biểu quốc tế đến từ: Liên bang Nga, Pháp, Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Nauy, Ukraina, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đài Loan. Các nhà khoa học Việt Nam đến từ: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Di tích Phủ Chủ tịch, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Thành ủy Hà Nội…

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nêu rõ: Cách đây tròn 60 năm, ngày 7/5/1954, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng đã làm nên một chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là thắng lợi to lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi này đã tạo một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp; Miền Bắc được giải phóng, bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cơ sở, hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Chiến công lẫy lừng này đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Đối với thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử, ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; thắng lợi của đóng góp, sự hy sinh, tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội và nhân dân Việt Nam, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương, sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son mở ra thời kỳ mới cho Cách mạng Việt Nam, mà đối với thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam đã mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, đánh dấu bước phát triển mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học, phát biểu đề dẫn Hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: Hội thảo đã nhận được 52 báo cáo khoa học trong đó có 37 báo cáo của tác giả Việt Nam, 15 báo cáo của các tác giả nước ngoài, đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau, song tập trung chủ yếu vào 8 nội dung chính: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; Đánh giá về vị trí, vai trò của các mặt trận trên chiến trường Đông Dương phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ; Về vai trò của hậu phương và các lực lượng trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Vấn đề Mỹ can thiệp vào chiến tranh Đông Dương và phản ứng của thế giới trước thắng lợi của Việt Nam và thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ; Tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; Phát huy giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam hiện nay; Về vấn đề tư liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hội thảo được chia làm 4 phiên. Phiên khai mạc do: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; và GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì.

TS. Rob Hurle, Đại học Quốc gia Australia, trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Phiên 1: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Đỉnh cao của ý chí và sức mạnh Việt Nam, do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng; GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện Hàn Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Trương Thuận Hồng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc; và GS.TS. V.Kolotov, Đại học Tổng hợp Saint Peterburg Liên bang Nga đồng chủ trì. Phiên này có 8 báo cáo tham luận.

Phiên 2: Quốc tế với chiến thắng Điện Biên Phủ do GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Pierre Journoud, Viện Nghiên cứu lịch sử quân sự Pháp; và GS.TS. Marc Jason Gilbert, Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ đồng chủ trì. Phiên 2 có 7 báo cáo tham luận.

Phiên 3: Tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ do PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia; TS. Bountheng Souksavatd, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; và PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì. Phiên 3 có 6 báo cáo tham luận.

PGS.TS. Musiychuk Victoria, Viện Hàn lâm Khoa học Ukraina, trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm, như: Sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong việc chọn địa điểm chiến lược, phương thức đánh đến việc huy động lực lượng toàn dân cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ;

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sự hy sinh anh dũng và đóng góp to lớn của lực lượng vũ trang, lực lượng dân công, thanh niên xung phong và nhân dân cả nước; nhất là nhân dân vùng Tây Bắc và nhân dân vùng tự do cho chiến trường Điện Biên Phủ;

Sự phối hợp chiến đấu giữa các chiến trường trên toàn Đông Dương: Chiến trường Nam Bộ, Khu V, Tây Nguyên, Thượng Lào, Trung-Hạ Lào…

Sự ủng hộ quốc tế, sự phối hợp chiến đấu của nhân dân 3 nước Đông Dương trong chiến dịch Điện Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp;

Ý nghĩa và tác động của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nói chung đối với cục diện chính trị thế giới, đối với phong trào giải phóng dân tộc cũng như với xu thế hòa bình, hội nhập, phát triển trên thế giới hiện nay.

Qua nhiều cách tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ vai trò, vị trí của Điện Biên Phủ trong chiến lược của thực dân Pháp cũng như đối với cách mạng Việt Nam. Nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phương châm chỉ đạo chiến lược trong các chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954, Điện Biên Phủ. Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm nơi đọ sức, trận đánh mang tính quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đề ra nhiều nghị quyết chỉ đạo các lực lượng, các địa phương huy động, tập trung mọi sức lực cho trận quyết chiến lịch sử này.

Toàn cảnh Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”

 

Các học giả cũng nêu bật việc củng cố hậu phương, bảo đảm hậu cần – một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh việc nêu cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện ý chí cách mạng, tăng cường tiềm lực quân sự, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chế độ trước âm mưu chia rẽ, đánh phá của các thế lực thù địch; đẩy mạnh quan hệ và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực… tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế… Đánh giá vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt quá trình chỉ huy chiến dịch, đặc biệt đưa ra quyết định sáng suốt, táo tạo, kịp thời, chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đưa đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu kết luận Hội thảo

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định: Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2014) là dịp đẩy mạnh việc giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ôn lại bài học về sức mạnh của chiến tranh nhân dân chống xâm lược, của ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Và từ đó rút ra những bài học cần thiết để các dân tộc cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và cùng phát triển, tránh để xảy ra những cuộc chiến tranh trong quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Một nội dung quan trọng được nhiều tham luận đề cập đến là việc huy giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam hiện nay. Các tham luận đều biểu dương trí thông minh, sự sáng tạo và tinh thần chiến đấu hy sinh to lớn, dũng cảm của quân và dân Việt Nam trong thời kỳ cách đây đã 60 năm. Tinh thần ấy cần được phát huy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vào công cuộc chống nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân lao động, cho toàn dân. Một bài học cần rút ra là mọi quyết định dù là quyết định quan trọng nhất cần phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống mà ở Điện Biên Phủ là thực tiễn chiến đấu, bám sát thực tiễn, dựa vào dân, tin tưởng vào nhân dân, kịp thời đề ra những bước đi, những quyết sách phù hợp với quy luật của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Các đại biểu dự Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại” chụp ảnh lưu niệm

 

Sau một ngày làm việc hết sức khẩn trương, những vấn đề về chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 60 năm đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước bàn thảo sôi nổi. Chủ đề này chắc chắn sẽ còn tạo cảm hứng cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Việc nghiên cứu, làm rõ hơn ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc nhằm phát huy sức mạnh toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, mà còn góp phần khẳng định sự đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới để tiến tới cùng nhau đẩy lùi chiến tranh, tăng cường sự hợp tác toàn diện để xây dựng một thế giới không có chiến tranh, thế giới của sự hợp tác và cùng phát triển./.

 

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác