Tham dự Hội thảo, về phía Hoa Kỳ có TS. Bob Roberts đại diện Tổ chức Global.net và các chức sắc tôn giáo, học giả: TS. David Bowman; TS. Joel Rainey; TS. Jo Anne Lyon, Chủ tịch Chủng viện Wesky; TS. Elijah M. Brown, Phó Chủ tịch Tổ chức sáng kiến lực lượng Wilber thế kỷ 21; TS. John Hartley, Đại học Yale; Ông Nic Burleson, Giáo hội Timberrich và các mục sư Brian Warth và Ông Scott Venable…cùng các chuyên gia, nhà khoa học Mỹ.
Về phía Việt Nam có sự tham dự của PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Bà Lê Thị Liên, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; TS. Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Huy Diễm, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Trị sự Trung ương, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; Thượng tọa, TS. Thích Đồng Bổn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Ông Nguyễn Đình Thỏa, Tổng Thư ký Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’I Việt Nam; Ông Giáo sư Thượng Mai Thanh, đại diện thánh thất Cao Đài tại thủ đô; Mục sư Bùi Quốc Phong, Mục sư Lê Minh Đạt đến từ Hội thánh Tin Lành Hà Nội cùng các đại biểu đến từ Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội, Viện Hàn lâm, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh… cùng đông đủ cán bộ của Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
|
Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo và đa văn hóa. Việt Nam không chỉ có các tôn giáo du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành… mà còn có những tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Ngoài ra, Việt Nam còn có các tôn giáo truyền thống như thờ cúng tổ tiên, thờ Thành Hoàng, thờ Mẫu, thờ Thần… Bên cạnh đó, các tộc người ở Việt Nam còn có những đặc thù riêng về văn hóa, tôn giáo góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Từ khi Đổi mới (1986) đến nay, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo trên thế giới. Nhiều sự kiện tôn giáo có tầm cỡ thế giới đã được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Vesak (2008, 2014), Hội nghị Liên hội đồng Giám mục Á Châu lần thứ X (2012). Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, đối thoại, chia sẻ giữa các cá nhân và tổ chức tôn giáo khác nhau, góp phần tạo cho bức tranh đa dạng văn hóa, tôn giáo của Việt Nam ngày càng phong phú hơn.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch – PGS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và chức sắc của các tổ chức Tôn giáo tại Việt Nam và Hoa Kỳ; đồng thời, khẳng định mục đích chung của các tôn giáo là mang lại sự bình an, hạnh phúc cho con người; tìm kiếm con đường cho thế giới hòa bình, phát triển. PGS.TS. Đặng Nguyên Anh cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của sự khoan dung, hiểu biết, chia sẻ, đối thoại trong việc ngăn chặn những xung đột giữa các tôn giáo, hướng đến mục tiêu chung là hòa bình, phát triển của các dân tộc. Đây không chỉ là mối quan tâm của các tôn giáo mà của toàn xã hội. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm ghi nhận và đánh giá cao chủ đề Hội thảo, thể hiện nỗ lực nhằm khai thác những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo để xây dựng một xã hội hòa bình, phát triển, góp phần thúc đẩy giao lưu, trao đổi giữa Việt Nam – Hoa Kỳ.
|
|
|
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định, việc khuyến khích và tạo điều kiện để các tôn giáo thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, duy trì sự hài hòa xã hội đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam – một quốc gia đa tôn giáo. Theo đó, TS. Viện trưởng nhấn mạnh, chủ đề của Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu về tôn giáo nói chung cũng như sự cần thiết phải chủ động tiến hành đánh giá và phân tích đối thoại liên niềm tin tôn giáo ở Việt Nam cũng như quy chiếu tham khảo đối với một số nước.
Qua đó, TS. Nguyễn Quốc Tuấn mong muốn, những ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ góp phần định hướng xây dựng, tham mưu và tổ chức chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ xác định và nhận diện trách nhiệm của người có niềm tin tôn giáo; nhận diện các giá trị tôn giáo, khả năng và các điều kiện để các tôn giáo tham gia vào xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp hơn; tìm kiếm phương thức đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo; vai trò của chính sách công trong không gian công và sự tham gia của các tôn giáo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Bob Roberts (Tổ chức Global.net) bày tỏ niềm vinh dự được tham gia Hội thảo khoa học quốc tế lần này. TS. Bob Roberts giới thiệu sơ lược về các hoạt động của Tổ chức Global.net, đặc biệt, đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với Tổ chức Global.net trong việc gợi mở nhận thức mới về thế giới trên nhiều khía cạnh (ngoại giao nhân dân, thiết lập mối quan hệ nhân dân tốt đẹp giữa các quốc gia; xây dựng niềm tin tôn giáo; mối quan hệ hợp tác với chính quyền…). Qua đó, ông nhấn mạnh đến sự phong phú, đa dạng tôn giáo ở Việt Nam cũng như vai trò quan trọng của tôn giáo trong việc tác động sâu sắc đến nhận thức và cuộc sống của mỗi cá nhân trong xã hội; bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối giao lưu, học hỏi giữa hai bên trong tương lai.
Hội thảo nhận được 29 báo cáo, trong đó có 21 tham luận được trình bày và chia làm 03 phiên thảo luận, tập trung vào 03 vấn đề chính:
Phiên 1: Nhận diện trách nhiệm của người có niềm tin tôn giáo đối với xã hội. Các diễn giả (TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TS. David Bowman; TS. Joel Rainey; Nhà nghiên cứu Nguyễn Nghị; Ông Nguyễn Huy Diễm) trình bày những vấn đề chính: Nhu cầu thiết lập đối thoại liên niềm tin tôn giáo ở Việt Nam trong xu thế hiện đại; Những giá trị mà mọi chức sắc tôn giáo cần có; Phát hiện trách nhiệm của tín đồ tôn giáo đối với xã hội (sự đóng góp của các cộng đồng tôn giáo đối với sự phát triển con người); Các giá trị tôn giáo giúp xây dựng xã hội (Nghiên cứu trường hợp nước Mỹ); Nhận dạng và xác định trách nhiệm của tín đồ Công giáo đối với xã hội; Trách nhiệm của tín đồ Kitô giáo đối với xã hội; Nhận dạng và xác định trách nhiệm của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đối với xã hội hiện nay.
|
|
|
Phiên 2: Khảo sát và phân tích giá trị tôn giáo, tương tác tôn giáo nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Các diễn giả (TS. Bob Roberts; Ông Nguyễn Đình Thỏa, Tổng Thư ký Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam; TS. Huỳnh Ngọc Thu, Khoa Nhân học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh; TS. Jo Anne Lyon; Mục sư Lê Minh Đạt và Mục sư Bùi Quốc Phong, Hội Thánh Tin Lành Hà Nội; TS. Elijiah M. Brown) đã phân tích những vấn đề: Xây dựng một khuôn khổ cho Đức tin và xã hội; Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tín đồ Cao Đài ở nước ngoài và mối quan hệ hành chính Đạo với đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay; Vai trò của Đức tin với việc xây dựng một xã hội vững mạnh hơn; Kinh thánh và vấn đề giáo dục; Tự do tôn giáo giúp phát triển các nền kinh tế và ổn định các quốc gia.
|
|
|
Phiên 3: Nhận dạng và đề xuất phương thức đối thoại liên niềm tin tôn giáo trong không gian công. Các diễn giả (Mục sư Scott Venable; PGS.TS. Chu Văn Tuấn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương và TS. Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Thượng tọa, TS. Thích Đồng Bổn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Bà Paullette Hartman, Chủ tịch Hiệp hội quốc gia của các nhà quản lý thành phố; TS. John Hartley, Đại học Yale; TS. Phil Fuller) trình bày các biện pháp cho Đối thoại tôn giáo và cách thức liên hệ; đối thoại liên niềm tin tôn giáo (trường hợp Công giáo ở Việt Nam); đề xuất phương thức đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo (nhìn từ phía Phật giáo); một số quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Trách nhiệm xã hội của tôn giáo và Đối thoại liên niềm tin tôn giáo; chính sách tôn giáo của Việt Nam - điều kiện quan trọng để các tôn giáo tồn tại với nhau; vai trò của đạo đức trong dịch vụ công và các nền tảng tôn giáo đối với chính sách đạo đức; đức tin và thực hành dược học trong xã hội…
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các ý kiến làm rõ các vấn đề huy động nguồn vốn hiệu quả vào quỹ từ thiện xã hội; phát huy tối đa khả năng tôn giáo trong giáo dục, y tế và an sinh xã hội; niềm tin tôn giáo đối với sự cống hiến xã hội. Theo đó, tự do tôn giáo là động lực cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội (bình đẳng giới và giáo dục…), các thiết chế tôn giáo đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là an ninh – quốc phòng trong tương lai; nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối thoại giữa tôn giáo và chính quyền, từ đó phát huy giá trị tôn giáo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chức sắc tôn giáo khác nhau cùng chia sẻ những kinh nghiệm, cùng thảo luận để tìm kiếm những phương thức cho đối thoại liên niềm tin tôn giáo đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng nền hòa bình, phát triển đối với mỗi quốc gia, dân tộc.
Nguyễn Thu Trang