Tham dự Hội thảo có hơn 120 đại biểu quốc tế và trong nước. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có:GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ; PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính. Các đồng chí lãnh đạo Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng; PGS.TS. Bùi Văn Liêm và TS. Nguyễn Gia Đối, Phó Viện trưởng;và các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học.
Về phía đại biểu quốc tế có: GS.VS. Anatoly Derevianko, Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosbirskthuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga; các chuyên gia khảo cổ học đến từ Nga, Mỹ, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Myanmar và Thái Lan.
Về phía tỉnh Gia Lai có: đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai; đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; các đồng chí đại diện Lãnh đạo các Sở, Ngành tỉnh Gia Lai; các đồng chí đại diện Lãnh đạo Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã An Khê, nơi phát hiện khảo cổ học đá cũ.
Tham dự hội thảo còn cócác nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học,Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Đăk Lăk; các đơn vị truyền thông.
Chủ trì phiên khai mạc hội thảo có:GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học;GS.VS. Anatoly Derevianko, Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosbirsk, Nga.
|
|
|
|
|
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác, nghiên cứu nhiều năm qua giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai với các đơn vị trực tiếp thực hiện là Viện Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai. Với tinh thần làm việc cần mẫn, bất chấp mọi khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, kết quả phát hiện, khai quật và nghiên cứu nhóm di tích thời đại đá cũ ở An Khê có ý nghĩa vô cùng quan trọng, những tư liệu thu được bước đầu có giá trị quan trọng cho việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử quốc gia, gợi mở, hướng tới xây dựng vùng An Khê trở thành trung tâm lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở An Khê và Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Đồng thời, những phát hiện và kết quả nghiên cứu bước đầu về các di tích thời đại đá cũ ở An Khê cho thấy định hướng và chỉ đạo đúng đắn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong công tác nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước. Giáo sư Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm mong muốn trong thời gian tới, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga sẽ tiếp tục hợp tác, nghiên cứu để khẳng định các giá trị văn hóa khảo cổ ở An Khê, đề nghị Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Thị ủy và Ủy ban nhân dân thị xã An Khê tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học triển khai và hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng về lịch sử, văn hóa. Trong nhiều chục năm qua, Gia Lai đã được biết đến là một địa danh có nhiều di chỉ khảo cổ học như Biển Hồ, Trà Dôm (Pleiku) và đặc biệt lần này là những thông tin mới, độc đáo từ Rộc Tưng, Gò Đá thuộc An Khê. Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao những đóng góp của các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ học và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk với những công trình nghiên cứu khảo cổgiá trị không chỉ cho tỉnh Gia Lai, Việt Nam mà còn cho cả khu vực và thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của các nhà khoa học trong khảo sát, khai quật, nghiên cứu và bảo quản nhiều điểm khảo cổ ở địa phương mà chưa được khai quật, để trong thời gian tới, những trầm tích văn hóa đó của Gia Lai sẽ tiếp tục được đánh thức và gìn giữ.
|
|
|
|
|
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nêu rõ, năm 2014, một chương trình nghiên cứu với mục tiêu khảo sát, đánh giá thực tế hệ thống các di tích khảo cổ học vùng thượng du Sông Ba, phục vụ kế hoạch xác lập bản đồ khảo cổ học khu vực Tây Nguyên đã được Viện Khảo cổ học thực hiện với điểm trung tâm là tỉnh Gia Lai. Kết quả bất ngờ là gần 30 di chỉ khảo cổ học được phát hiện, và ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của các nhà khảo cổ học Nga đang thực hiện năm cuối cùng chương trình hợp tác 5 năm giữa Viện Khảo cổ học và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk tại di tích hang Con Moong, Thanh Hóa. Kết quả khảo sát nhanh đã đưa đến việc ký kết hợp tác giai đoạn II (2015-2019) giữa Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) với địa điểm nghiên cứu là An Khê, Gia Lai. Kết quả hợp tác khai quật, nghiên cứu trong hai năm 2015-2016 tại các địa điểm Gò Đá, Rộc Tưng (An Khê, Gia Lai) có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã phát hiện được nhiều công cụ ghè đẽo thô sơ, đặc biệt với các rìu tay điển hình và các mảnh Tectit trong tầng văn hóa ổn định, với niên đại bước đầu tạm được xác định trong khoảng 77-80 vạn năm. Các kết quả khai quật, nghiên cứu bước đầu cho thấy: i) Dù mới là những kết luận sơ bộ ban đầu, còn cần thêm những kiểm chứng qua việc phân tích bằng các phương pháp khoa học khác, đã ghi nhận sự xuất hiện một giai đoạn sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam, ghi nhận sự xuất hiện của con người thời tối cổ, người Vượn đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; ii) Những kết quả này, khi được xác nhận một cách chắc chắn, sẽ làm thay đổi quan niệm của một số học giả không thừa nhận có một giai đoạn sơ kỳ đồ đá cũ ở khu vực Đông Nam Á, coi đây như là một khu vực của sự bảo thủ và trì trệ; iii) Từ những kết quả này cho thấy tiềm năng to lớn về khảo cổ học ở Tây Nguyên.
Sau phiên khai mạc, Hội thảo đã nghe 11 bài tham luận của các đại biểu quốc tế và trong nước tập trung trao đổi các kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học thời đại đá cũ của Nga, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Việt Nam, cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu quốc tế và trong nước tham dự Hội thảo.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.VS. Anatoly Derevianko, chủ nhiệm chương trình Hợp tác nghiên cứu Việt - Nga tại An Khê khẳng định: nhóm di tích được phát hiện ở An Khê, tỉnh Gia Lai có niên đại thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ là điều chắc chắn. Các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê có niên đại rất sớm so với khu vực Châu Âu. So với vùng Bách Sắc của Trung Quốc, các di tích ở An Khê có niên đại tương đương. Cần phải hết sức lưu ý đến các yếu tố tự nhiên, môi trường sống, những vấn đề địa chất tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Tây Nguyên của Việt Nam nói riêng. Trong tình hình hiện nay, căn cứ vào những nghiên cứu thực tế, Giáo sư Derevianko cho rằng Téctít tìm được trong tầng văn hóa cùng với các công cụ là nguồn tài liệu quan trọng nhất để xác định niên đại cho các nhóm di tích ở đây. Nhìn chung, các di tích đá cũ ở An Khê có niên đại trong khoảng 70 - 90 vạn năm cách ngày nay.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đồng chí Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã trao tặng bộ cồng chiêng, một nhạc cụ truyền thống được sử dụng phổ biến trong đời sống, hoạt động tín ngưỡng và văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cho GS.VS. Anatoly Derevianko, đại diện Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosbirsk, nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của các nhà khảo cổ học Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosbirsk đối với sự kiện phát hiện khảo cổ học đá cũ An Khê.
Bên cạnh các thảo luận tại hội trường, trong ngày 01/11/2016, các đại biểu quốc tế và trong nước cũng đã tham quan, khảo sát di tích tại An Khê, Gia Lai./.
PGS.TS. Vũ Hùng Cường