Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm kiêm Viện trưởng Viện Xã hội học; TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; PGS.TS. Lê Văn Sang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương; PGS.TS. Lê Đình Chỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Hoàng Khắc Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội; cùng đông đảo các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Xã hội học, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới và các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm.
Về phía Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Sogang Hàn Quốc có: GS. Shin Yoon Hwan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á; GS. Youn Dae Young, GS. Lee Han Woo, GS. Kim Soyeun, GS. Bae Ky-hyun, GS. Shim Ju-hyung, GS. Lee Yu Sun.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và GS. Shin Yoon Hwan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Sogang cho biết, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến tới lễ kỷ niệm lần thứ 25 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (22/12/1992 - 22/12/2017). Hơn hai thập kỷ qua, người Việt Nam đã biết đến Hàn Quốc một cách ấn tượng không chỉ bởi câu chuyện về sự “thần kỳ” trên sông Hàn và sự hiện diện của các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng trên thị trường Việt Nam mà còn qua hiểu biết về văn hóa, xã hội Hàn Quốc thông qua những bộ phim rung động hàng triệu con tim và rất nhiều các loại hình văn hóa khác nhau từ ẩm thực đến thời trang, âm nhạc, nghệ thuật...
|
|
|
|
|
Hàn Quốc và Việt Nam vốn có những giao lưu từ rất sớm trong lịch sử. Một số dòng ho Lý ở Hàn Quốc hiện nay được coi là có nguồn gốc từ họ Lý của Việt Nam như Lý Dương Côn, Lý Long Tường… Vào thời kỳ nhà nước phong kiến Trung Quốc thịnh hành, rất nhiều các sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc sang Bắc Kinh triều cống đã trở thành những đôi bạn tâm giao, tri kỷ; điển hình như Phùng Khắc Khoan và Lý Toại Quang; Lê Quý Đôn và Hồng Khải Hy; Phan Huy Ích và Từ Hạo Tu…
Hàn Quốc và Việt Nam cũng có rất nhiêu nét tương đồng về mặt văn hóa và lịch sử: đều là những quốc gia phương Đông có nền văn hóa lúa nước và những phong tục tập quán khá giống nhau; đều là những nước đã chiến thắng quân ngoại xâm để duy trì nền độc lập của mình; đều là những nước đã tiếp nhận khá nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng đã biết tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo những nét tinh hoa của các nền văn hóa khác để tạo nên một nền văn hóa bản địa mang tính độc đáo riêng.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong bổi cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Hàn Quốc và Việt Nam có những tiềm năng rất to lớn có thể bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác và phát triển. Hơn nữa, quan hệ hợp tác Hàn - Việt còn được sự thúc đẩy rất mạnh mẽ bởi quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước. Chính vì vậy, chỉ sau hơn 20 năm, một khoảng thời gian không dài so với lịch sử hàng ngàn năm của hai dân tộc, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển hết sức nhanh chóng trên mọi lĩnh vực: chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội... trở thành một tấm gương điển hình về quan hệ hợp tác song phương trong khu vực.
Trong bối cảnh khu vực có những diễn biến phức tạp hiện nay, sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc với mục tiêu hướng tới xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định và thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả trong khu vực là yêu cầu thiết yếu và chính đáng không chỉ của hai nước nói riêng mà còn là đòi hỏi của cả khu vực nói chung.
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu tham dự được nghe 03 tham luận: 1) “Một gia đình Hàn Quốc tại Việt Nam thời gian từ 1930-1970” do GS. Youn Dae Young, Đại học Sogang Hàn Quốc trình bày với những cơ sở khoa học vững chắc, chứng minh rằng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử và phát triển tốt đẹp đến ngày nay, không chỉ người Việt Nam trong quá khứ đã di cư sang Hàn Quốc, mà người Hàn Quốc cũng đã di cư sang Việt Nam, sinh sống và có những đóng góp thúc đẩy cho quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng đơm hoa kết trái.
|
2) “Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc”, GS. Lee Han Woo, Đại học Sogang Hàn Quốc đã phác họa một bức tranh tổng quát về quá trình đi tới bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, những diễn biến trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quá trình đàm phán để đi tới quyết định thiết lập quan hệ ngoai giao chính thức vào năm 1992. Giáo sư cũng đề cập tới các nhân tố quốc tế cũng như nội tại của mỗi nước góp phần vào thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Kể từ khi được thiết lập đến nay quan hệ giữa hai nước đã phát triển hết sức tốt đẹp.
3) “Hàn lưu ở Việt Nam từ góc nhìn của người Việt” – TS. Nguyễn Thị Thắm, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm cho thấy quá trình giao lưu về văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đây là sự thành công của Chính phủ Hàn Quốc trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Hàn Quốc sang Việt Nam thông qua chính sách phát triển quyền lực mềm qua các giai đoạn rõ rệt. Tác giả cũng nêu lên những tác động tích cực cũng như tiêu cực của làn sóng Hàn lưu tại Việt Nam, những thách thức và triển vọng của Hàn lưu ở Việt Nam hiện nay cũng như chủ trương thay đổi Hàn lưu trong thời gian tới.
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong hơn 20 năm qua phát triển không ngừng và ngày một toàn diện với tư cách là đối tác chiến lược của nhau. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc không chỉ nâng cao vị thế quốc tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển mọi mặt của mỗi nước mà còn có vai trò ngày một quan trọng trong hợp tác khu vực.
Hội thảo đánh giá sâu thêm một bước quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian vừa qua và trao đổi, thảo luận để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác khoa học giữa Viện Nghiên cứu Đông Á của Đại học Sogang Hàn Quốc và các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để các học giả hai nước trao đổi quan điểm và thảo luận sâu về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm hiện nay nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước cũng như tăng cường vai trò của hai nước trong hợp tác khu vực nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực./.
Nguyễn Thu Hà