Tham dự hội thảo có PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; cùng sự góp mặt của các nhà khoa học và chuyên gia bình luận quốc tế và các đại biểu đến từ Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, một số viện nghiên cứu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao; đại diện các Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm, các trường đại học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân…).
Liên bang Nga và Trung Quốc là hai quốc gia lớn, cùng với Mỹ tạo thành một “tam giác quan hệ” chiến lược quan trọng đối với mọi vấn đề của thế giới hiện nay. Trong một năm vừa qua, cặp Nga - Trung đang trỗi dậy trên bàn cờ thế giới, thể hiện qua những bước đi mạnh mẽ tại Syria và một số khu vực trọng điểm khác trên thế giới. Và đáng chú ý, hai cường quốc này hướng tới nhau như một cách thức để tìm kiếm và tăng cường sức mạnh ngoại sinh với mục đích thay đổi cán cân quyền lực trong hệ thống quốc tế.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS.Chu Đức Dũng nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu; đồng thời điểm lại bối cảnh biến động và khó lường của thế giới hiện nay. Đó là những biến động xảy ra ở nhiều cấp độ, lĩnh vực, từ mô hình phát triển đến các qui tắc, thể chế quốc tế, thể chế quốc gia, đặc biệt là thay đổi tương quan lực lượng (cán cân lực lượng). Qua đó khẳng định, việc nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt được xu thế cán cân quyền lực có ý nghĩa to lớn giúp các nhà khoa học nhận thức sâu sắc về những biến động quốc tế đang diễn ra hiện nay; nhấn mạnh đến quan hệ Nga – Trung đóng vai trò quan trọng trong cán cân quyền lực, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện thế giới, Đông Nam Á và Việt Nam.
|
Trong báo cáo đề dẫn, ThS. Phạm Hồng Tiến đã điểm lại thực trạng, diễn biến quan hệ Nga – Trung trong thời gian qua; dự báo về những chiều hướng mới, thay đổi trong các cặp quan hệ Nga – Mỹ, Mỹ –Trung và Nga – Trung sẽ tác động đến cục diện của các nước trong khu vực, đặc biệt là Đông Á, Đông Nam Á và Việt Nam - địa bàn chiến lược trọng điểm kinh tế và chính trị thế giới ở thế kỷ 21.
Qua đó, ThS. Phạm Hồng Tiến đề xuất và gợi mở các vấn đề tập trung thảo luận tại Hội thảo: (1)Thực trạng và bản chất của quan hệ Nga – Trung, mối quan hệ này đã, đang tác động thế nào đến cân bằng cán cân quyền lực thế giới hiện nay; (2) Những nhân tố tác động đến triển vọng của mối quan hệ song phương Nga – Trung quan trọng hàng đầu thế giới, nhất là nhân tố Mỹ; (3) Mối quan hệ tay ba Mỹ - Nga - Trung trong bối cảnh thế giới mới và triển vọng của mối quan hệ tay ba này trong nhiệm kỳ của Tổng thống mới được bầu Donald Trump; (4) Tác động của mối quan hệ Mỹ - Nga -Trung tới Đông Á, Đông Nam Á và hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Hội thảo nhận được 06 báo cáo (04 tham luận trình bày tại hội thảo), chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung phân tích và làm rõ 02 nội dung chính:
Phiên 1: Tổng quan quan hệ Nga - Trung Quốc, các diễn giả (TS. Nguyễn Đình Luân, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế; Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) làm rõ bản chất của mối quan hệ Nga – Trung: đối tác và đối thủ.
Phiên 2: Tác động của quan hệ Nga – Trung, các diễn giả (PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và) Đầu tư trình bày các kịch bản của quan hệ Mỹ - Nga - Trung theo cấu trúc chính trị quốc tế mới; phân tích sâu sắc tác động quan hệ Nga – Trung đối với Việt Nam và ASEAN (cơ hội và thách thức về kinh tế cùng mối quan ngại về tình hình Biển Đông sẽ là một trở ngại cho sự xích lại gần quan hệ giữa Nga và các nước ASEAN).
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, là diễn đàn trao đổi hữu ích giữa các chuyên gia, nhà khoa học, các học giả trong và ngoài Viện Hàn lâm có cơ hội trình bày những kết quả và ý tưởng nghiên cứu tâm huyết về chủ đề này, góp phần tạo cơ sở khoa học giúp các nhà nghiên cứu lĩnh hội những thông tin quí báu, gợi mở những hướng nghiên cứu mới về tác động quan hệ Nga – Trung đến cán cân quyền lực thế giới, từ đó đề xuất những chính sách thiết thực cho Việt Nam trước bối cảnh ngày càng biến động của tam giác quan hệ (Mỹ - Nga- Trung) trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang