|
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ông Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục trồng trọt; Ông Lê Thanh Tùng, đại diện cho Cục trồng trọt. Về phía doanh nghiệp có PGS.TS. Dương Văn Chín, Chủ tịch DT ARC (Tập đoàn Lộc trời); Đại diện cho các nông dân ở An Giang là ông Phạm Đức Thắng và ông Nguyễn Minh Hiếu. Tại Cần Thơ có ông Nguyễn Văn Tèo, huyện Cờ Đỏ và ông Nguyễn Văn Xuân. Về phía các cơ quan quản lý cấp Tỉnh, cấp Huyện, đại diện cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có Ông Từ Thanh Long, tỉnh Kiên Giang; Ông Hứa Quang Tần, tỉnh Tiền Giang; Ông Võ Minh Phúc và Ông Ngô Minh Long, tỉnh Hậu Giang. Về phía Cần Thơ có Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp; Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công Thương và đại diện Hội Nông dân cùng sự góp mặt của các nhà khoa học- PGS.TS. Vũ Trọng Khải, GS.TS Nguyễn Tử Siêm; TS. Nguyễn Kim Toàn và GS. Đỗ Hoài Nam – Chủ nhiệm đề tài và các nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp và người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng “Cánh đồng lớn” bản chất là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở liên kết tự nguyện của các nguồn lực để phát huy lợi thế tương đối trong chuỗi giá trị nông-công-thương mở rộng toàn cầu, mặt khác, xây dựng nền kinh tế xã hội và khôi phục nền kinh tế tương trợ có gốc rễ lâu đời trong văn hóa Việt Nam.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, ThS. Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, Viện Hàn lâm đã phát biểu khai mạc, đồng thời cảm ơn sự góp mặt đông đủ các đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và cho biết, chủ đề của Hội thảo là nhiệm vụ của đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách tăng cường hợp tác tự nguyện của nông dân trong các mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng” triển khai thực hiện.
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Đỗ Hoài Nam nhấn mạnh mục đích của hội thảo là sẽ cùng nhìn lại sự hình thành diện mạo của nền nông nghiệp hàng hóa và nền kinh tế xã hội sau mấy năm triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” ở đồng bằng sông Cửu Long với tất cả những kết quả, tiềm năng, hạn chế và bất cập để từ đó cùng tìm ra các mô hình và giải pháp hoàn thiện mô hình Cánh đồng lớn nói riêng và sự phát triển chuỗi liên kết giá trị nói chung.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi từ nhiều góc độ chuyên ngành theo các nhóm vấn đề sau:
Nhóm vấn đề thứ nhất: Đánh giá thực trạng liên kết Cánh đồng lớn sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung thảo luận các nội dung là: (1) Thực trạng về sự hợp tác của người nông dân với các bên liên quan (doanh nghiệp, ngân hàng, các trung tâm nghiên cứu, chính quyền, các hiệp hội, hội…) trong các mô hình liên kết cánh đồng lớn sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long; (2) Phân tích, đánh giá các mô hình liên kết cánh đồng lớn điển hình trong sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long; (3) Đánh giá thành công, hạn chế và các bài học kinh nghiệm từ các mô hình liên kết cánh đồng lớn sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. (Đây là vấn đề nghiên cứu đặc thù nhằm khảo sát chuyên sâu về những mô hình liên kết ở một vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển để rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục phát huy các lợi thế, hạn chế bất cập và yếu kém để có thể trở thành một mô hình có giá trị ứng dụng trong cả nước).
Nhóm vấn đề thứ hai: Đánh giá các chính sách khuyến khích hợp tác trong các mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng thể chế và chính sách cho tiến trình phát triển bền vững là một nhiệm vụ tất yếu của mọi xã hội trong thời đại ngày nay. Các tổ hợp liên kết doanh nghiệp – nông dân trong chương trình “Cánh đồng lớn” đang triển khai sẽ có được những điều kiện hợp tác quốc tế thuận lợi để mở rộng chuỗi liên kết giá trị hàng hóa nông sản tới 50 thị trường lớn trên thế giới, gồm những nước tham gia TPP và FTA.
Nhóm vấn đề này bao gồm phân tích, đánh giá các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân tham gia trong các mô hình liên kết cánh đồng lớn; hỗ trợ doanh nghiệp trong các mô hình liên kết cánh đồng lớn; khuyến khích các hoạt động khoa học và công nghệ hỗ trợ trong các mô hình liên kết cánh đồng lớn; thúc đẩy nền nông nghiệp hợp đồng trong các mô hình liên kết cánh đồng lớn; tổ chức lại sản xuất và chính sách thị trường trong các mô hình liên kết cánh đồng lớn.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích cũng như đối thoại trực tiếp với những cứ liệu thực tế cụ thể và sinh động, góp phần giúp các nhà khoa học khai mở nhiều ý tưởng mới, nhiều cảm hứng nghiên cứu mới để tiếp tục giải quyết các vấn đề trong tầm nhìn dài hạn.
PV