Hội thảo khoa học “Từ Mặt trân Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11/1930 đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/2020 – 90 năm nhìn lại một chặng đường”

17:00 04/11/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), chiều ngày 05/11/2020, tại trụ sở 38 phố Hàng Chuối, Hà Nội, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tổ chức hội thảo khoa học, “Từ Mặt trân Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11/1930 đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/2020 – 90 năm nhìn lại một chặng đường”, nhằm làm rõ hơn quá trình ra đời, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử; đánh giá vị trí, vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề xuất những phương thức hoạt động nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tham dự Hội thảo về phía đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Ông Nguyễn Túc, PGS.TS. Lê Bá Trình, PGS.TS. Trận Hậu; TS. Lê Mậu Nhiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Về phía Viện Sử học có PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học; PGS.TS. Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Tham dự Hội thảo còn có các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; các cơ quan truyền thông: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Lịch sử Đảng, Tạp chí Lịch sử Quân sự, Tạp chí Xưa và Nay, Tạp chí Mặt trận, Báo Đại Đoàn kết, Báo Điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Báo Hà Nội mới,…

PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học phát biểu đề dẫn Hội thảo Toàn cảnh Hội thảo <br>

Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, được thành lập ngày 18/11/1930. Trải qua 90 năm với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, từ Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, Mặt trận không ngừng lớn mạnh, gương cao ngọn cờ tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mặt trận đã trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Theo quy định của Hiến Pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 31 bài tham luận của các nhà hoạt động Mặt trận, các cán bộ nghiên cứu khoa học lịch sử thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam v.v…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học đã điểm lại các bài gửi tham luận tập trung vào những chủ đề chính như: (1). Những vấn đề chung về vai trò, vị trí cuả Mặt trận trong hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa Mặt trận với Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Mặt trận và vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (2). Mặt trận Dân tộc thống nhất trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1930-1975); (3). Về hoạt động và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời đề nghị, trong cuộc hội thảo này, các tác giả, các nhà khoa học tập trung phân tích, làm rõ thêm quá trình ra đời, hoạt động của các tổ chức Mặt trận từ Hội Phản đế đồng minh năm 1930 đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay; những đóng góp của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong việc tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập (1930-1945); trong các cuộc kháng chiến giải phóng và thống nhất nước (1945-1975) cũng như trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Tại Hội thảo, các tham luận được trình bày đã phân tích, làm rõ bối cảnh ra đời, nhiệm vụ của các tổ chức mặt trận qua từng giai đoạn cách mạng; làm rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn cuả Mặt trận trong hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa Mặt trận với Đảng và Nhà nước, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Mặt trận và vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những kinh nghiệm rút ra qua 90 năm hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất cũng như quá trình hình thành và đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua 90 năm hoạt động.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo

Hiện nay, đất nước đang tiến hành sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những nguy cơ, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các tham luận cũng đã tập trung làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay; các giải pháp đổi mới phương thức hoạt động nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận; các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và ý nghĩa của các phong trào này trong việc đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân phấn đấu cho mục tiêu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tổng kết Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, Hội thảo đã đánh giá, phân tích, làm rõ thêm quá trình ra đời, hoạt động của các tổ chức Mặt trận từ Hội Phản đế đồng minh năm 1930 đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay; những đóng góp của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong việc tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập (1930-1945), trong các cuộc kháng chiến giải phóng và thống nhất nước (1945-1975) cũng như trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay; vị trí, vai trò, trách nhiệm cuả Mặt trận trong hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa Mặt trận với Đảng và Nhà nước và vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đề xuất phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay,...

 

 PV.

 

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác