Hội thảo khoa học "Vai trò của khoa học xã hội trong hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Đảng"

17:00 29/11/2016
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Để góp phần triển khai và thực hiện đường lối mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; nhằm khẳng định vai trò, chỉ ra những thành tựu và bất cập của khoa học xã hội trong sự nghiệp phát triển đất nước, ngày 30/11/2016, Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Vai trò của khoa học xã hội trong hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Đảng".

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị,<br> Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương<br>phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Đến dự Hội thảo, có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, các đại biểu của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng lý luận Trung ương và các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Tạp chí Cộng sản, Hội khuyến học Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong phát biểu khai mạc, đồng chí Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh chức năng của khoa học xã hội là nghiên cứu cơ bản để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tham gia thẩm định các chương trình, dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng và phát triển nền khoa học xã hội đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước. Đồng chí cũng đã khẳng định công lao và nỗ lực của các nhà khoa học xã hội Việt Nam ngoài việc cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách còn là góp phần xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đồng chí cũng đã chỉ ra yêu cầu mới đối với khoa học xã hội trong việc đi sâu nghiên cứu, lý giải có căn cứ khoa học khoa học nhằm góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là luận giải các vấn đề cơ bản và chiến lược đã được đặt ra nhưng chưa được giải quyết thấu đáo; nghiên cứu các vấn đề thực tiễn mới của đất nước cần giải đáp về lý luận trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; nỗ lực khắc phục tình trạng tính hiệu quả chưa cao, tính định hướng xã hội một cách tổng thể chưa rõ nét, các hướng tiếp cận chưa toàn diện, tính dự báo chưa nổi bật của các công trình nghiên cứu khoa học xã hội trong thời gian qua.

Chủ trì hội thảo (từ trái sang phải): Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương;<br>GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam <br>và GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

    GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Trong Báo cáo đề dẫn, từ việc khẳng định vai trò, sứ mệnh của khoa học xã hội và nhân văn đối với sự phát triển đất nước trong suốt trường kỳ lịch sử dân tộc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã chỉ ra những yêu cầu mới đòi hỏi sự thể hiện trách nhiệm lớn lao của khoa học xã hội hiện nay. Trước những biến đổi đầy bất trắc của tình hình thế giới, những thách thức của các tình huống cam go của tình hình trong nước, khoa học xã hội cần cung cấp các luận cứ khoa học trong hoạch định chủ trương, đường lối phát triển đất nước. Cụ thể, ở đường lối phát triển kinh tế mà vấn đề đổi mới mô hình tăng trường, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các đột phá chiến lược để nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn là các nội dung trọng tâm. Trong quản lý phát triển xã hội, những rào cản về thể chế, cơ chế và trình độ quản lý đang bộc lộ nhiều bất cập cần được tập trung nghiên cứu tìm ra giải pháp tháo gỡ; trong phát triển văn hóa, việc xác định và giữ gìn bản sắc dân tộc, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực của người Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần tập trung nghiên cứu.

Hội thảo đã nhận được 32 tham luận và đã nghe 8 báo cáo tham luận; đồng thời trong thời gian Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có phiên thảo luận sôi nổi về các vấn đề đặt ra cho khoa học xã hội trong phát triển đất nước trong bối cảnh mới, trong đó, việc tập trung nghiên cứu 9 cặp quan hệ và 6 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như các vấn đề lý luận đã đặt ra trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết nhằm phục vụ yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Các nhà khoa học tham dự Hội thảo cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến như thành lập hội đồng tư vấn các vấn đề phát triển đất nước từ góc độ khoa học xã hội, hình thành các kênh thông tin để các nhà nghiên cứu khoa học xã hội có thể thông tin nhanh tới các cơ quan có trách nhiệm cao nhất về các vấn đề bức thiết của cuộc sống và tâm tư người dân để có các hoạch định và điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm củng cố lòng tin của người dân vào Đảng và tăng tính hiệu quả của chính phủ kiến tạo mà Chính phủ Việt Nam đang xây dựng.

Toàn cảnh Hội thảo

Bằng việc trao đổi thẳng thắn, với tinh thần khách quan, khoa học, Hội thảo đã có những đóng góp tích cực trong nhận thức về vai trò và trách nhiệm của khoa học xã hội trong bối cảnh mới trong nước, khu vực và quốc tế./.

PGS.TS. Trần Thị An

In trang Chia sẻ

Tin khác