Hội thảo khoa học “Xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững Tây Nguyên”

17:00 09/11/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 10/11/2014, tại hội trường tầng 3, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững Tây Nguyên” với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hội thảo là một trong các hoạt động thuộc đề tài cấp Nhà nước TN3/X09 “Xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững Tây Nguyên” do PGS.TS. Hà Huy Thành (nguyên Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững - nay là Viện Địa lý và Nhân văn - làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ năm 2012-2014). Đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015” (Chương trình Tây Nguyên 3).

 

 

PGS.TS. Hà Huy Thành - chủ nhiệm Đề tài, báo cáo tham luận tại Hội thảo   ThS. Bùi Việt Cườngbáo cáo tham luận tại Hội thảo

 

Thay mặt nhóm thực hiện, PGS.TS. Hà Huy Thành - chủ nhiệm Đề tài, báo cáo những nội dung cơ bản về “Quan điểm, định hướng và các giải pháp bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030”, tập trung: nhận dạng điểm mạnh, yếu, thách thức; quan điểm bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020; phương hướng và giải pháp bổ sung và đổi mới thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020.

ThS. Bùi Việt Cường trình bày “Cơ sở lý luận về phát triển bền vững vùng”, đề cập đến một số vấn đề về: cơ sở lý luận và thực tiễn về thể chế phát triển bền vững vùng; Phân tích, đánh giá thực trạng hệ thống văn bản chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nguyên từ 1986 đến nay; Đánh giá thực trạng hệ thống thể chế phát triển vùng Tây Nguyên; Quan điểm, định hướng và các giải pháp bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030.

Báo cáo của nhóm thực hiện và các ý kiến tại Hội thảo đã khẳng định một số đóng góp mới của Đề tài, thể hiện ở phân tích thực trạng phát triển của Tây Nguyên, thông qua việc đã đánh giá đúng 4 điểm mạnh (vị trí địa lý, đất đai, khoáng sản, đa dạng sinh học và văn hóa) và 4 điểm yếu (hạ tầng, trình độ đào tạo của nguồn nhân lực, kỹ thuật canh tác, môi trường suy thoái); cũng như 2 cơ hội (được hưởng chính sách đặc thù, tham gia hội nhập quốc tế); và 6 thách thức (kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tài nguyên, quản lý đất đai, quan hệ liên kết trong và ngoài vùng, quản lý đầu tư công).

Đề tài đã bổ sung 7 quan điểm phát triển nhằm thúc đẩy Tây Nguyên theo hướng bền vững. Đó là: xây dựng chính sách, chiến lược dựa trên quan điểm tổng hợp, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; hỗ trợ bảo vệ và phát triển bản sắc đa sắc tộc, đa văn hóa; phát triển vùng đồng thời với liên kết vùng; quan điểm bền vững cần quán triệt trong các thể chế, chính sách đổi mới; phát huy nội lực để sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài; kết hợp thể chế truyền thống và phi truyền thống…

Đề tài cũng đề ra 7 giải pháp để bổ sung và đổi mới thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên: bổ sung thể chế chính sách giải quyết triệt để vấn đề đất đai, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp đối với quản lý và phát triển rừng, di cư và định canh định cư; hoàn tất việc quy hoạch phát triển vùng; củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo; đổi mới các thể chế hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh; đổi mới thể chế thúc đẩy thu hút đầu tư vào Tây Nguyên; thể chế hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh và hấp thu được lợi ích của hội nhập kinh tế khu vực ASEAN và quốc tế; hoàn thiện các chính sách về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong báo cáo phản biện, TS. Vũ Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả mà Đề tài đã thực hiện được trên phương diện lý luận và thực tiễn. Các phân tích, đánh giá đều được nhìn nhận từ góc độ phát triển bền vững và phản ánh tương đối đầy đủ những vấn đề về phát triển bền vững ở Tây Nguyên và hiện trạng thể chế có liên quan tới phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng ở Tây Nguyên. Báo cáo tổng hợp đưa ra được một số kiến nghị bước đầu nhằm hoàn thiện thể chế phát triển theo hướng bền vững ở Tây Nguyên.

Các biểu tham dự đều cho rằng, nhìn chung đề tài TN3/X09 có những đóng góp mới đối với việc hoạch định chính sách phát triển Tây Nguyên theo hướng bền vững trong thời gian tới. Những góp ý, nhận xét của phản biện và các đại biểu tham dự sẽ được Chủ nhiệm đề tài và thành viên lựa chọn để đưa vào báo cáo tổng hợp đề tài./.

Nguyễn Vũ

In trang Chia sẻ

Tin khác