Hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường quyền của công nhân và đại diện của công đoàn”

12:00 02/07/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 1 tháng 7 năm 2013, Viện Nghiên cứu Châu Âu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Đại học Naples “Phương Đông” (Italia) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường quyền của công nhân và đại diện của công đoàn”.

Tham dự hội thảo khởi động Dự án có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ngài Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; Ngài Lorenzo Angeloni, Đại sứ Italia tại Việt Nam; Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại diện cho các đối tác của dự án: GS.TS. Pietro Masina, Đại học Naples “Phương Đông”, Điều phối viên dự án; GS. Salvo Leornadi, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Italia (CGIL); GS. Fernando Rocha, Quỹ Văn hóa Mùng 1 tháng 5, Tổng Liên đoàn lao động CCOO; PGS. TS. Vũ Quang Thọ, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn; TS. Phạm Văn Hà, Phó Hiệu trưởng phụ trách, Trường Đại học Công đoàn; PGS. TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; cùng các đại biểu đến từ  các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Tổ chức Lao động Quốc tế; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động các tỉnh: Hải Dương, Vĩnh Phúc, và thành phố Hà Nội - 3 địa bàn sẽ triển khai các hoạt động chính của Dự án.

Dự án: “Nâng cao vai trò của Công nhân và Công đoàn ở Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ cho Viện Nghiên cứu Châu Âu cùng các đối tác Châu Âu và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2009 – 2011 (giai đoạn 1) đã thành công và đạt được nhiều kết quả quan trọng, có những đóng góp thiết thực về cả nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn hoạt động của tổ chức công đoàn. Kết quả đã chỉ ra rằng một bộ phận rất lớn trong đội ngũ công nhân công nghiệp còn thiếu hụt kiến thức về pháp luật lao động, do đó năng lực tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ trong quan hệ lao động và phản ánh các nhu cầu của họ đến tổ chức đại diện là công đoàn còn rất hạn chế. Từ kết quả này, Liên minh Châu Âu tiếp tục tài trợ cho dự án “Tăng cường quyền của công nhân và đại diện của công đoàn”, đây được xem như giai đoạn 2 của Dự án trước nhằm thúc đẩy và phát huy các kết quả đã đạt được, đặc biệt là áp dụng các kết quả vào thực tiễn hoạt động công đoàn. Với các mục tiêu đã đề ra, Dự án sẽ hướng đến thúc đẩy việc đảm bảo đời sống và quyền lợi hợp pháp của công nhân và tính hiệu quả trong hoạt động đại diện của công đoàn.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Dự án này sẽ kéo dài trong 30 tháng (kể từ tháng 1 năm 2013) nhằm tăng cường khả năng của công đoàn Việt Nam trong việc đại diện và hỗ trợ quyền của công nhân qua việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn ở Vĩnh Phúc, Hải Dương và thành phố Hà Nội. Dự án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động cung cấp tư vấn về pháp lý cho người lao động của công đoàn được tốt hơn, dễ tiếp cận hơn đối với công nhân, đồng thời tăng cường năng lực của những người làm công tác tư vấn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2012, Công đoàn Việt Nam có hơn 7,5 triệu đoàn viên, hơn 110 nghìn công đoàn cơ sở trong tất cả các thành phần kinh tế. Thực tế, tiến trình công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh và Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới. Trong khi đó, Việt Nam thiếu các khu công nghiệp mang tính chiến lược, chỉ có các khu công nghiệp có hình mẫu chung với năng lực hạn chế và không có liên kết với các cơ quan nghiên cứu quốc gia. Các chiến lược công nghiệp quốc gia và địa phương yếu, các công ty trong nước hội nhập vào các chuỗi giá trị do nước ngoài dẫn dắt với giá trị gia tăng rất thấp và hạn chế. Các cuộc tranh chấp thường xảy ra trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì điều kiện lao động quá khắc nghiệt và doanh nghiệp thường không tôn trọng các quyền hợp pháp của công nhân. Họ phải đối mặt với các điều kiện dễ bị tổn thương gay gắt và dễ lại rơi vào tình trạng nghèo.

Theo GS.TS. Pietro P.Masina, điều phối viên Dự án, từ thực tế này, Dự án sẽ đóng góp vào việc củng cố vai trò của công đoàn Việt Nam theo hai cách: cải thiện khả năng sử dụng các công cụ nghiên cứu hiệu quả nhằm nắm bắt nhu cầu và điều kiện của công nhân; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc vận hành các trung tâm tư vấn pháp luật ở cấp tỉnh. Vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong 10 năm qua đã trở nên quan trọng hơn và phức tạp hơn vì bối cảnh thay đổi nhanh, vì vậy Dự án cũng đóng góp vào việc tăng cường vị trí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong các cuộc thảo luận về chính sách công nghiệp, giúp đưa những tiếng nói từ cấp cơ sở vào chính sách.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tham gia thảo luận, trao đổi, góp ý sôi nổi, các ý kiến đóng góp sẽ được Ban điều phối Dự án tập hợp tham khảo trong quá trình triển khai Dự án./.

 

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác