Tham dự hội thảo có: GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Thượng tọa, TS. Thích Giác Hoàng, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng VIISAS; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng VIISAS; TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Ấn Độ và Châu Á; đại diện các đại biểu đến từ các cơ quan (Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Tôn giáo Chính phủ; Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và một số trường đại học tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh) cùng đại diện các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Con người, Viện Triết học, Viện Xã hội học…
|
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phật giáo được kế tục và lưu truyền đến ngày nay không chỉ do sự hành trình Giáo pháp của các thế hệ Phật tử mà còn nhờ vào sự kiên định trong truyền bá Phật pháp của cả các Phật tử cũng như những người ngoại giới am hiểu về tôn giáo này. Thuở xa xưa, khi khoa học và công nghệ chưa phát triển, Phật giáo được truyền bá thông qua con đường truyền miệng và viết tay. Ngày nay, nhờ sự xuất hiện của công nghệ in ấn, truyền thông qua báo chí. Ở nước ta, báo chí không chỉ góp công lao to lớn trong việc hoằng dương Phật pháp mà còn thể hiện bản sắc dân tộc và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, đưa Phật giáo hòa vào nhịp đập chung của thời đại nhưng vẫn lưu giữ vẹn nguyên tinh thần bao dung bình đẳng, thế giới quan vô thường và nhân sinh quan vô ngã. Trong hành trình đó, Nữ giới Phật giáo đã thể hiện vai trò của mình thông qua số lượng lớn các bài báo, chuyên đề, đặc san về Phật giáo (tuần báo Từ Bi Âm, Đuốc Tuệ, Đặc san Hoa Đàm, Hương Đàm, chuyên đề Nữ giới và giải thoát…).
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của Chư tồn Thiền đức Tăng Ni, quý vị Phật tử và các đại biểu tham dự. Đồng thời GS Phó Chủ tịch nêu rõ mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá lại truyền thống của Nữ giới Phật giáo từ khởi thủy cho đến nay, làm nổi bật và khẳng định vai trò, vị thế cùng những cống hiến của Ni đoàn, của nữ Phật tử Việt Nam trong lịch sử, trong công tác xã hội (lĩnh vực báo chí); tri ân công đức của các bậc tiền nhân, làm sáng tỏ các giá trị lịch sử và cội nguồn hệ phái trong báo chí Phật giáo thời kỳ đầu, xác định vai trò, vị trí của Nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, GS. Phó Chủ tịch nhấn mạnh rằng cần đánh giá nhìn nhận những cơ hội và thách thức từ đó định hướng nhiệm vụ, vai trò và Nữ giới Phật giáo trong báo chí, đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
|
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu Phật học, Thượng tọa, TS. Thích Giác Hoàng khẳng định vai trò to lớn của Nữ giới Phật giáo trong việc tham gia các hoạt động Phật sự Giáo hội, góp phần không nhỏ trong công cuộc hoằng pháp và bảo vệ chánh pháp. Đồng thời, Thượng tọa bày tỏ hi vọng, thông qua chủ đề hội thảo hôm nay sẽ cổ vũ tinh thần cho nữ giới Phật giáo Việt Nam tích cực tham gia hơn nữa các hoạt động Phật sự, đặc biệt là công tác truyền thông qua báo chí và các kênh thông tin khác, góp phần thúc đẩy các hoạt động Phật sự ngày càng phát triển bền vững và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, Thượng tọa cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí trong việc truyền tải nội dung thông tin chính xác, đúng với tinh thần nhà Phật, vừa góp phần vận chuyển bánh xe pháp của đảng Giác Ngộ, vừa cũng đủ thời gian tu tập chuyển hóa thân tâm cũng như định hướng thông tin đến với độc giả nhanh chóng, chính xác, nhân văn và đạo đức, giúp người đọc hiểu và cảm nhận được lời Phật dạy chân chính, phát tâm tu hành.
|
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung đã nhấn mạnh đến nội dung thảo luận cần tập trung, đó là: (1) Phân tích thực trạng và khẳng định những thành tựu đạt được của Nữ giới Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực báo chí; (2) Nhìn nhận vai trò, ảnh hưởng của Nữ giới Phật giáo đến việc lan tỏa những giá trị tích cực của Phật giáo, chấn hưng Phật giáo thông qua báo chí và đến việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; (3) Đánh giá nhận định những thuận lợi và thách thức, đặc biệt là chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan đang phần nào cản trở sự tham gia của Nữ giới Phật giáo vào công tác báo chí truyền thông; (4) Đề xuất những giải pháp để tiếng nói của nữ giới Phật giáo Việt Nam ngày càng có thêm trọng lượng, giúp cho vai trò của nữ giới Phật giáo được tăng cường và phát huy không chỉ trong lĩnh vực báo chí mà còn trong mọi mặt của đời sống chính trị xã hội; (5) Những vấn đề đặt ra đối với Nữ giới Phật giáo trong việc bắt kịp sự phát triển chung của truyền thông thế giới, khả năng tương tác giữa hai đầu truyền thụ và tiếp nhận, đem lại mối liên kết mạnh mẽ giữa đạo với đời trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo nhận được 26 bài tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận với 04 chủ đề chính: (1) Vai trò của truyền thông đối với Phật giáo; (2) Nữ giới đối với báo chí Phật giáo giai đoạn trước và sau 1975; (3) Nữ giới đối với báo chí Phật giáo đương đại; (4) Đóng góp của Nữ giới Phật giáo trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Các bài tham luận được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau bởi những nhà nghiên cứu đứng ở nhiều vị thế khác nhau, sẽ gióng lên tiếng chuông cho chư Ni và nữ Phật tử hiện tại tự nhìn lại năng lực và tiềm lực của mình để góp phần hữu hiệu trong lĩnh vực báo chí và truyền thông Phật giáo hiện nay.
|
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến, trao đổi, thảo luận của các nhà nghiên cứu, các vị cử tọa, nhằm tôn vinh những đóng góp của các thế hệ Ni giới và Nữ giới Phật giáo với báo chí nói riêng và hoạt động truyền thông Phật giáo nói chung trong lịch sử. Đây sẽ là nền tảng để Nữ giới Phật giáo có những định hướng, gợi mở để tiếp tục phát huy vai trò đẩy mạnh truyền thông Phật giáo trong thời gian tới.
Chủ đề Hội thảo có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần nhân rộng và lan tỏa các giá trị Phật giáo tốt đẹp trong đời sống xã hội, vừa có thể thúc đẩy các hoạt động nhằm gia tăng giá trị nhân văn cho báo chí, gắn kết tôn giáo và báo chí, phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, làm sâu sắc hơn nữa những giá trị cao quý của Phật giáo trong việc phát huy, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguyễn Thu Trang