Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý khoa học Viện Hàn lâm, các nhà khoa học thuộc các viện trực thuộc Viện Hàn lâm đang chủ trì và tham gia chính các đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 3. Về phía Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo các vụ của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Về phía Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 có: TS. Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3; đồng chí Nghiêm Xuân Minh, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Trần Trung Dũng, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, Phó Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên. Về phía các tỉnh vùng Tây Nguyên có: đồng chí I ĐHăm Enuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk; đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên.
Tham dự Hội thảo còn có TS. Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam; TS. Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên đến từ Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Tây Nguyên, Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3; chủ nhiệm đề tài và thành viên chính của 20 đề tài lĩnh vực khoa học xã hội thuộc Chương trình Tây Nguyên 3; các cơ quan truyền hình, báo chí tại vùng Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh những khó khăn, thách thức Tây Nguyên đang phải đối mặt, đó là: suy thoái tài nguyên môi trường diễn ra nhanh, diễn biến phức tạp về thiên tai, bão lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra; tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển còn ở mức thấp; nhiều vấn đề bức xúc như chênh lệch giàu nghèo, vấn đề đất đai, việc làm, đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Những khó khăn và thách thức đó sẽ chi phối lớn đến quá trình phát triển chung của cả vùng, đang đòi hỏi phải tập trung giải quyết. Đồng chí Trần Việt Hùng đề nghị Hội thảo tập trung vào hai vấn đề đối với vùng Tây Nguyên: (1) Về đánh giá thực trạng phát triển, (2) Về định hướng phát triển. Trong đánh giá thực trạng cần có cái nhìn cận cảnh chi tiết và tổng thể. Đánh giá những thành công và những tồn tại với những nguyên nhân sâu xa cho những thành công và tồn tại đó. Cần phải đánh giá thẳng thắn và không né tránh dù là những vấn đề gai góc hay nhạy cảm, tránh xu hướng đánh giá chung chung, không phân định trách nhiệm, nguồn gốc, nguyên nhân chính. Cần phải phân tích những hệ quả, tác động đã, đang và sẽ diễn ra của các chính sách trước đây dù là tích cực hay tiêu cực. Đánh giá phải đi cùng với những cơ sở dữ liệu khoa học để định lượng được tác động và hệ quả để từ đó định hình được chính sách phát triển chính xác. Đặc biệt đánh giá sâu các vấn đề mang tính đặc thù của Tây Nguyên, cùng tác động của các yếu tố đặc thù đó lên việc thực hiện những chính sách chung của quốc gia tại Tây Nguyên cũng như thực hiện những chính sách đặc thù cho Tây Nguyên.
Trong đánh giá thực trạng, đồng chí Trần Việt Hùng mong muốn Hội thảo lưu ý nhiều về một số vấn đề mang tính đặc thù đã được trao đổi trong nhiều diễn đàn, tuy nhiên sự đánh giá của các chuyên gia còn có sự khác nhau, cần có sự phân tích sâu hơn để có được nguyên nhân chính và đánh giá đúng những tác động:
Thứ nhất, vấn đề về rừng và môi trường: tình trạng suy giảm diện tích rừng còn diễn ra ở mức độ cao đã làm suy kiệt tài nguyên rừng (do khai thác quá mức); đánh giá thực trạng độ che phủ trong tương quan chất lượng rừng (chất lượng rừng suy giảm rõ rệt) và tác động môi trường; tương quan của vấn đề rừng và môi trường với các vấn đề, chính sách xã hội như di dân, phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp; giải quyết vấn đề hạn hán, chống hoang mạc, sa mạc ở vùng Tây Nguyên cần được nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc và có giải pháp trước mắt và lâu dài.
Thứ hai, vấn đề di dân: thực trạng và tác động đến các vấn đề khác như phát triển kinh tế, cơ cấu nông nghiệp, vấn đề dân tộc và tôn giáo, phát triển và khai thác rừng.
Thứ ba, vấn đề về khai thác tài nguyên thiên nhiên: thực trạng khai thác tài nguyên rừng, đất, nguồn nước, khoáng sản, thuỷ điện… và tác động của sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển của vùng, chia sẻ nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên cho chính Tây Nguyên và các vùng khác (đặc biệt là nguồn nước); sự công bằng trong sử dụng phân phối các nguồn lợi tự nhiên giữa các ngành, địa phương và nhóm đối tượng; tác động của khai thác tận diệt và không bền vững như thuỷ điện, rừng, nguồn đất, nguồn nước; vấn đề quản lý, quản trị sử dụng khai thác tài nguyên.
Thứ tư, vấn đề văn hoá, dân tộc thiểu số, tôn giáo: thực trạng phát triển và tác động của nó đến hoạt động xoá đói giảm nghèo, bình đẳng trong phát triển và sử dụng tài nguyên giữa các nhóm dân tộc, sự tụt hậu của nhóm dân tộc thiểu số. Bảo tồn văn hoá đi đôi với phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.
Thứ năm, vấn đề cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên: Tây Nguyên đã là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp với thế mạnh cây công nghiệp, tuy nhiên điều đó đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển vùng và các lợi thế đã được khai thác đúng mức? Những nhân tố còn thiếu chưa đáp ứng được cho việc phát triển những lợi thế này. Việc xác định xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm để tạo ra bước chuyển quan trọng cho vùng của cả thời kỳ 2011-2020 thì cần được chuẩn bị và hướng tới những điều kiện gì?
Thứ sáu, vấn đề quản lý quỹ đất và giao đất giao rừng cho người dân và nhóm dân tộc thiểu số: tác động của chính sách về đất đai trong vấn đề dân tộc thiểu số, cơ cấu kinh tế (nông nghiệp), di dân, phát triển các nông lâm trường nhà nước, cổ phần hoá những doanh nghiệp, nông lâm trường có quỹ đất lớn...
Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu thực trạng, đồng chí Trần Việt Hùng đề nghị các diễn giả cần hoạch định những nguyên tắc phát triển chung và đặc thù của Tây Nguyên, định hướng phát triển của vùng Tây Nguyên phải đảm bảo phản ánh tính đặc thù của vùng. Tính đặc thù đó cần được đánh giá trong tính khả thi thực hiện các chính sách, giải pháp tại vùng Tây Nguyên.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 chỉ rõ: trong thời gian từ những năm 1990 trở lại đây, so với các vùng khác của cả nước, Tây Nguyên nhận được rất nhiều ưu tiên và quan tâm của Đảng và Nhà nước cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển tổng thể dành riêng cho vùng, với định hướng phát huy các nét đặc trưng phục vụ cho quá trình phát triển, khẳng định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên. Với sự quan tâm đặc biệt đó, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng kể. Mặc dù vậy, từ kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên thời gian qua cũng như hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, chưa phát huy được những giá trị phát triển đặc thù và thế mạnh của vùng cũng như của các tỉnh trong vùng, thậm chí đang đối mặt với các thách thức mới. Cụ thể là:
(i) Mô hình phát triển kinh tế của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên na ná giống nhau, trong khi chưa có thể chế liên kết vùng và phân công giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế; mô hình phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động rẻ, xuất khẩu thô, và theo đó, thiếu hiệu quả và kém bền vững. Có vẻ như có sự áp đặt mô hình phát triển cho vùng Tây Nguyên mà không hoặc còn ít xem xét một cách cẩn trọng những đặc thù và lợi thế so sánh của các tỉnh trong vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm (đặc biệt từ năm 2001 trở lại đây), tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến giảm, trong khi tài nguyên khoáng sản và nông lâm sản là thế mạnh đặc thù của Tây Nguyên; nhiều sản phẩm chủ lực như cà phê, chè, tiêu,… chưa có liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi sản phẩm (giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế, hộ gia đình); các nét đặc sắc về địa kinh tế, cảnh quan, văn hóa không được sử dụng hợp lý cho phát triển du lịch, dịch vụ và thúc đẩy liên kết vùng; sinh kế của dân cư không được đảm bảo bền vững;...
(ii) Tỷ lệ nghèo đói vẫn còn cao; giáo dục và y tế kém phát triển, tình trạng trì trệ, lạc hậu kéo dài; di dân không kiểm soát được dẫn tới sự phân hóa; xung đột và bất ổn xã hội tiếp tục diễn ra giữa dân tộc đa số với dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ và dân tộc thiểu số từ nơi khác đến, đặc biệt trong các vấn đề về đất đai, tôn giáo, văn hóa; bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực phát triển (đặc biệt là đất đai) và các dịch vụ xã hội giữa các nhóm, các dân tộc được cải thiện chưa nhiều; sự tham gia của dân cư vào các quá trình quản lý xã hội còn hạn chế, các thiết chế xã hội phi chính thức như gia đình, dòng họ, cộng đồng, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo... đã được coi trọng nhưng chưa đúng mức đối với quản lý xã hội trong quá trình phát triển;…
(iii) Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế của Tây Nguyên làm biến đổi mạnh mẽ các hệ giá trị văn hóa, khiến hầu hết các giá trị cũ thay đổi hoặc mất đi trong khi các giá trị mới chưa được phát huy, còn có sự du nhập một cách ồ ạt, thiếu chọn lựa và có phần mang tính áp đặt các mô hình kinh tế, xã hội và văn hóa chưa phù hợp với đồng bào Tây Nguyên; nhiều nét văn hóa truyền thống cộng đồng không còn hoặc biến đổi, trong khi các quy tắc văn hóa mới được đưa vào chưa và không dễ được chấp nhận; văn hóa Tây Nguyên mất đi rất nhiều giá trị gốc rễ truyền thống, các hệ thống tri thức bản địa bị mai một không dễ bù đắp;…
(iv) Các mâu thuẫn, xung đột về dân tộc, tôn giáo, văn hóa trong từng giai đoạn, từng thời điểm không dừng lại ở khía cạnh bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là khi các vấn đề dân tộc, tôn giáo, lao động nhập cư (hợp pháp và bất hợp pháp) trở nên phức tạp khi có yếu tố nước ngoài. Các vấn đề nêu trên mang tính xuyên biên giới, ngày càng trở nên phức tạp, với những diễn biến khó lường.
(v) Các cộng đồng Tây Nguyên trước đây có dân số ít và sản xuất tự cung, tự cấp cũng đã hình thành nên những mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp và thân thiện với điều kiện môi trường tự nhiên, đặc biệt là sự gắn kết giữa khai thác và bảo tồn tự nhiên (đây là yếu tố quan trọng tạo nên không gian văn hóa mang đặc thù Tây Nguyên). Cùng với tiến trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, mô hình phát triển sẽ có những thích ứng mới và sẽ dựa vào các điều kiện đặc thù của Tây Nguyên theo một cách mới. Tuy nhiên, cách thức khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên những năm qua theo kinh tế thị trường nhưng thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát đã gây ra nhiều hệ lụy đối với môi trường; diện tích rừng giảm mạnh, nguồn khoáng sản suy giảm đáng kể, đất đai thoái hóa, nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, và tính đa dạng sinh học đang mất dần.
(vi) Điều cần phải khẳng định là vẫn còn có sự áp đặt mô hình thể chế, chính sách phát triển đối với vùng Tây Nguyên mà thiếu sự tham vấn đầy đủ từ địa phương, cộng đồng và người dân, dẫn đến các chính sách đề ra xuất phát từ mục tiêu và ý chí chủ quan của công tác hoạch định chính sách hơn là mong đợi của địa phương, cộng đồng và người dân; thể chế chính sách chưa xử lý được căn bản các mối quan hệ xã hội tại đây, chưa gắn với kinh tế thị trường, cũng như chưa đi sâu vào từng chủ thể cụ thể;…
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: nhìn nhận giá trị tổng thể (kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường, địa lý, quốc phòng và an ninh) mang đặc thù Tây Nguyên là điều rất có ý nghĩa đối với Tây Nguyên hiện tại – một khu vực tuy mức độ phát triển còn thấp nhưng ẩn chứa nhiều giá trị phát triển bền vững cho tương lai. Cơ hội có nhiều nhưng thách thức cho phát triển bền vững cũng rất lớn đối với Tây Nguyên khi chúng ta vẫn còn nặng tư duy lấy mục tiêu tăng trưởng thuần túy, làm cơ sở định hướng chính sách, thậm chí chủ trương lấy tăng trưởng nhanh làm trung tâm, lấy nhiệm vụ nộp ngân sách nhà nước làm mục tiêu phát triển, và do đó, các chính sách đưa ra là trước mắt, ngắn hạn và phong trào, cát cứ trong định hướng phát triển. Từ đó dẫn đến nguy cơ tước đoạt cơ hội phát triển của thế hệ tương lai cũng như dẫn đến khả năng hủy hoại các giá trị văn hóa và sinh thái của vùng.
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 chỉ rõ, trong quá trình triển khai, các đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 đã tổ chức một số hội thảo, tọa đàm khoa học riêng lẻ hoặc theo nhóm nhỏ đề tài, nhưng đây là hội thảo đầu tiên của Chương trình Tây Nguyên 3 về khoa học xã hội và nhân văn, quy tụ toàn bộ 20 đề tài lĩnh vực khoa học xã hội trong Chương trình. Các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường, quốc phòng và an ninh của Tây Nguyên phải được nhìn nhận và giải quyết theo tư duy mang tính tổng thể, dài hạn, có tính liên ngành cao. Vì vậy, hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý ở Trung ương và đặc biệt là các cơ quan trên địa bàn Tây Nguyên tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề/giá trị phát triển kinh tế - xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên, chỉ ra được những thành công cũng như hạn chế của các chính sách phát triển ở Tây Nguyên thời gian qua, từ đó đưa ra được các quan điểm và giải pháp có tính chất định hướng, các giải pháp cụ thể mang đặc thù Tây Nguyên, dựa trên những giá trị phát triển, những đặc thù và thế mạnh của Tây Nguyên, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên, gắn với sức mạnh của cả nước để giúp cho vùng Tây Nguyên phát triển bền vững cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hội thảo chia ra làm 03 phiên thảo luận:
Phiên 1: Những vấn đề đặc thù đối với phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên từ năm 1986 đến nay do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, đồng chí Trần Việt Hùng, TS. Nguyễn Văn Lạng, PGS.TS. Trần Đình Thiên chủ tọa. Hội thảo đã nghe các bài tham luận: “Thực trạng phát triển kinh tế Tây Nguyên hiện nay và một số vấn đề đặt ra” do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, chủ nhiệm đề tài TN3/X01 trình bày; “Đánh giá bước đầu về thực trạng doanh nghiệp ở Tây Nguyên” (PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân, CNĐT TN3/X14); “Một số vấn đề về phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại vùng Tây Nguyên” (TS. Lê Anh Vũ, đại diện ĐT TN3/X19); “Mấy vấn đề về đổi mới quản lý nhà nước đối với đất đai ở Tây Nguyên” (TS. Vũ Tuấn Anh, CNĐT TN3/X12).
Phiên 2: Những vấn đề đặc thù trong phát triển văn hóa – xã hội, quốc phòng và an ninh vùng Tây Nguyên từ năm 1986 đến nay do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, TS. Nguyễn Văn Lạng, đồng chí Nghiêm Xuân Minh chủ tọa. Hội thảo đã nghe các bài tham luận: “Các mối quan hệ tộc người cơ bản ở Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay” (PGS.TS. Phạm Quang Hoan, CNĐT TN3/X05); “Những vấn đề lý luận, thực tiễn của tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay và một số giải pháp, kiến nghị” (TS. Chu Văn Tuấn, CNĐT TN3/X06); “Văn hóa trong PTBV Tây Nguyên” (PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, đại diện ĐT TN3/X04); “Chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực Tây Nguyên: thực trạng và những vấn đề đặt ra” (TS. Nguyễn Văn Thành, đại diện ĐT TN3/X08); “Thực trạng và giải pháp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đặc thù vùng Tây Nguyên” (PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, đại diện ĐT TN3/X03); “Một số vấn đề cơ bản về quốc phòng và an ninh trong PTBV vùng Tây Nguyên” (GS.TS. Nguyễn Văn Tài, CNĐT TN3/X11).
Phiên 3: Những vấn đề đặc thù về đô thị - nông thôn, liên kết vùng, thể chế vùng Tây Nguyên từ năm 1986 đến nay, và đề xuất giải pháp đặc thù phục vụ PTBV vùng Tây Nguyên do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, TS. Lê Đình Tiến, TS. Nguyễn Đình Kỳ chủ tọa. Hội thảo đã nghe các tham luận: “Phát triển hệ thống đô thị vùng Tây Nguyên và thách thức” (PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh, CNĐT TN3/X15); “Mấy vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong PTBV vùng Tây Nguyên” (PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, CNĐT TN3/X10); “Hợp tác kinh tế xuyên biên giới khu vực tam giác phát triển VN – Lào – Campuchia và vai trò của Tây Nguyên” (GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, CNĐT TN3/X02); “Liên kết kinh tế nội vùng trong PTBV vùng Tây Nguyên – thực trạng, vấn đề và giải pháp” (PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, đại diện ĐT TN3/X16).
Các ý kiến phản biện (của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã có nhiều năm sinh sống, nghiên cứu và quản lý nhà nước tại Tây Nguyên) và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội thảo, đặc biệt là của TS. Nguyễn Văn Lạng, đồng chí I Dhăm Enuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, TS. Tuyết Nhung Buôn Krông, TS. Tuyết Hoa Nie kdăm (Đại học Tây Nguyên)… đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề, những khiếm khuyết của các tham luận, đặc biệt liên quan đến đánh giá thực trạng cần đầy đủ hơn, khách quan hơn, cần cụ thể và chi tiết hơn, làm rõ hơn bản chất của vấn đề, cần minh chứng số liệu cập nhật và sâu hơn, phải gắn rõ hơn với đặc thù Tây Nguyên, từ đó đề xuất định hướng và các giải pháp phát triển cụ thể hơn, phù hợp hơn với lợi thế và đặc thù Tây Nguyên. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu là những gợi mở hết sức quan trọng giúp các đề tài lĩnh vực khoa học xã hội thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 tiếp tục nâng cấp kết quả nghiên cứu để chuẩn bị cho giai đoạn nghiệm thu kết thúc đề tài vào cuối năm 2014.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đề tài cần tập trung làm rõ các thành tựu mà Đảng và đất nước đã đầu tư, quan tâm đối với Tây Nguyên để không có cái nhìn méo mó đối với phát triển. Cần thẳng thắn chỉ ra những mặt chưa được, tại sao Tây Nguyên vẫn phát triển chậm hoặc chưa đạt được mức độ như ý muốn. Các đề tài cần giảm bớt các nghiên cứu mang tính khung phân tích lý thuyết, cần bám sát thực tiễn của Tây Nguyên, theo nhìn nhận của người trong cuộc. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 yêu cầu các đề tài phải sử dụng số liệu hệ thống và cập nhật hơn, các luận điểm phân tích cần cập nhật để không đưa ra các nhận định chủ quan. Cần có sự phối hợp nghiên cứu liên ngành để có được những đánh giá tổng thể, toàn diện và chính xác tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên, chẳng hạn kết hợp với các đề tài khoa học tự nhiên trong đánh giá nguồn nước; về nguồn tài nguyên khoáng sản của Tây Nguyên và vấn đề có nên khai thác ngay hay không; về tài nguyên rừng, đất đai; về kỹ năng canh tác café truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ đã tạo ra một sản phẩm café có thương hiệu;… Trong lựa chọn mô hình, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên cần thay đổi tư duy, Tây Nguyên cần phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch; phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp (công nghiệp phân bón, thuốc trừ sâu; công nghiệp chế biến để xuất khẩu hàng nông sản có hàm lượng công nghệ cao;…). Các vấn đề xã hội như dân tộc, tôn giáo của Tây Nguyên phải được nghiên cứu, đánh giá trong sự gắn kết chặt chẽ với vấn đề đất đai, di dân. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các đề tài cần chỉ ra được định hướng phát triển cụ thể của Tây Nguyên, dựa trên thế mạnh và lợi thế đặc thù của Tây Nguyên. Các giải pháp cần cụ thể hơn, cần chỉ rõ Nhà nước cần làm gì, doanh nghiệp làm gì, cộng đồng làm gì. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 nhấn mạnh: yêu cầu của kết quả nghiên cứu của các đề tài là các giải pháp chính sách cụ thể cho Tây Nguyên, như vậy mới khẳng định sự thành công của các đề tài khoa học xã hội thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 và của Chương trình Tây Nguyên 3 nói chung./.
TS. Vũ Hùng Cường