Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và các chủ nhiệm Đề tài (PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân, TS. Vũ Tuấn Anh); cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Thay mặt nhóm thực hiện, các chủ nhiệm Đề tài đã báo cáo kết quả nghiên cứu chính tập trung đánh giá thực trạng và phân tích những thuận lợi, thách thức đối với phát triển Tây Nguyên. Từ đó, các báo cáo đưa ra những đề xuất, khuyến nghị và cơ chế chính sách giúp Tây Nguyên phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập và liên kết.
Báo cáo thứ nhất: “Tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững” do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng trình bày, đã mô tả tổng quan về cơ cấu kinh tế Tây Nguyên trên nhiều khía cạnh: (i) Quy mô kinh tế nhỏ (chủ yếu dựa trên nông nghiệp); (ii) Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội chưa đồng bộ; (iii) Hạ tầng công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và nông nghiệp thấp; (iv) Các lĩnh vực (công nghiệp chế biến, chăn nuôi gia súc, xuất khẩu, du lịch, đầu tư) manh mún, đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên rừng, đất) suy giảm nặng nề.
|
|
|
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo |
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Trước những thực trạng trên, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đưa ra những đề xuất định hướng tái cấu trúc kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững. Đó là: (1) Đổi mới tư duy và nhận thức (dựa vào lợi thế và tiềm năng, đặc thù của vùng là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái); (2) Gắn chặt phát triển và liên kết thị trường nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực như (tài nguyên thiên nhiên rừng, đất, khoáng sản…); (3) Phát huy vai trò khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài; (4) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường; (5) Phát triển bền vững các trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, chính trị kết hợp chặt chẽ, hài hòa với năng lực quản trị của Nhà nước; (6) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực của bộ máy thực thi chính sách…
Báo cáo thứ hai: “Vấn đề quản lý và sử dụng đất đai ở Tây Nguyên” của TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam đề cập đến những vấn đề nảy sinh mâu thuẫn trong việc sử dụng và quản lý đất ở Tây Nguyên chưa hiệu quả, xuất phát từ 4 yếu tố: (1) Di dân với quy mô lớn, khó kiểm soát và kéo dài nhiều năm; (2) Sự thay đổi mô hình phát triển kinh tế từ phương thức tiền phong kiến sang mô hình sản xuất hàng hóa quy mô đồn điền hay trang trại; (3) Khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng); (4) Xung đột bản sắc văn hóa giữa cộng đồng dân cư bản địa với dân cư mới.
Theo đó, TS. Vũ Tuấn Anh đề ra 4 khuyến nghị và giải pháp chính sách chung ở cấp trung ương và địa phương, hướng tới sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên đất, rừng Tây Nguyên. 1. Đổi mới thể chế quy hoạch phát triển và quản lý tài nguyên: Đánh giá nghiêm tác động môi trường đến chiến lược quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội vùng và các tỉnh, các dự án kinh tế; Thực hiện mô hình tăng trưởng xanh. 2. Tái cơ cấu hệ thống chiếm hữu và quản lý đất đai, sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp nhà nước, giao quyền sử dụng đất cho người trực canh. 3. Phát huy tính tích cực truyền thống và quản lý cộng đồng (tăng cường tính dân chủ và minh bạch hóa công tác quản lý đất, rừng, nước và các tài nguyên dưới lòng đất). 4. Giải quyết tình hình thiếu đất sản xuất của nhân dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số.
Báo cáo thứ ba của PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân, Viện Kinh tế Việt Nam có chủ đề “Phát triển doanh nghiệp ở Tây Nguyên” đã khái quát đặc trưng (số lượng và chất lượng) doanh nghiệp vùng Tây Nguyên còn hạn chế. Từ đó, báo cáo đã đưa ra 4 kiến nghị chính sách nhằm phát triển doanh nghiệp tại khu vực này. (1) Về chính sách tín dụng (Ngân hàng Nhà nước dành khoản tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân và giảm thiểu các thủ tục rườm rà, gánh nặng thế chấp khi vay vốn); (2) Phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối với các tỉnh, thành phố xung quanh thông qua thực hiện chính sách kết hợp 3 nguồn lực (Nhà nước, người dân và nước ngoài); (3) Cải cách hệ thống công quyền và thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước; (4) Cung cấp thông tin phân tích, dự báo xu hướng về biến động giá cả, sản lượng ở các thị trường khác nhau cho doanh nghiệp và người dân.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến trao đổi, bình luận của các đại biểu tham dự nhằm hoàn thiện nội dung báo cáo của các đề tài, PGS.TS. Trần Đình Thiên khẳng định, kết quả nghiên cứu 3 Đề tài cấp Nhà nước đã đóng góp những tư liệu quí báu cho phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Đây là yếu tố quan trọng góp phần vào sự ổn định chung của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
NTT