Trong phát biểu khai mạc, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học- VASS, GS.TS. Andrej Rychard, Viện trưởng Viện Triết học và Xã hội học - PASS, GS.TS. Nguyễn Đình Tấn, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam đều khẳng định: Nghiên cứu về niềm tin xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, thiết thực, hữu ích trong xã hội hiện đại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Ba Lan có những bước chuyển đổi, cải tổ toàn diện và chịu ảnh hưởng sâu sắc của toàn cầu hóa.
|
|
|
PGS.TS. Đặng Nguyên Anh và GS.TS. Andzrej Rychard đồng chủ trì Hội thảo
|
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo nhận được 8 tham luận của các diễn giả Ba Lan và Việt Nam, tập trung vào 2 vấn đề:
(1) Cung cấp những cơ sở lý luận (khái niệm, lý thuyết, kết quả nghiên cứu, đặc trưng cơ bản về niềm tin xã hội ở Ba Lan, Việt Nam) trên nhiều góc độ (cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia…); Chỉ ra 2 nền tảng cần thiết nhằm khôi phục niềm tin trong xã hội Việt Nam đương đại (nền luật pháp mang tính duy lý, ổn định và nền đạo đức dựa trên nguyên tắc tự trị); Tính đa dạng, phức tạp của niềm tin xã hội xét theo các bình diện (luật pháp, chính trị, văn hóa, lịch sử, tôn giáo) của các diễn giả: GS.TS. Andrzej Rychard, Viện trưởng Viện Triết học và Xã hội học - PAS; PGS.TS. Trần Hữu Quang, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ - VASS; GS.TS. Hanna Bojar, Viện Triết học và Xã hội học - PAS; TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học - VASS; GS.TS. Jacek Kurczewski, Viện Khoa học xã hội ứng dụng, Đại học Warszawa; GS.TS. Joanna Kurczewska và TS. Piotr Binder, Viện Triết học và Xã hội học - PAS.
(2) Tìm hiểu phương pháp nghiên cứu về đối tượng niềm tin xã hội, đo lường khái niệm (định tính, định lượng) và những khó khăn trong quá trình điều tra dư luận xã hội về phía người dân Ba Lan qua tham luận của 2 diễn giả là GS.TS. Pawel Sztabinski và GS.TS. Franiszek Sztabinski, Viện Triết học và Xã hội học - PAS.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
|
|
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham luận, phát biểu bế mạc, GS.TS. Andrzej Rychard nhấn mạnh tầm quan trọng về bối cảnh lịch sử, văn hóa tác động sâu sắc đến quá trình xây dựng niềm tin xã hội (xét trên bình diện niềm tin cá nhân và niềm tin định chế) trong xã hội hiện đại.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh nêu bật nét mới trong nghiên cứu xã hội học về niềm tin xã hội qua cách tiếp cận của các diễn giả dưới góc độ liên ngành (luật pháp, chính trị, văn hóa, lịch sử, cộng đồng, tôn giáo…). Từ đó, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh đã gợi mở những vấn đề cần nghiên cứu, lý giải sâu hơn trong thời gian tới. Đó là: (1) Mối quan hệ niềm tin xã hội- vốn xã hội, niềm tin cá nhân- niềm tin xã hội; (2) Niềm tin xã hội suy giảm dẫn đến đức tin tôn giáo tăng; (3) Lựa chọn xu hướng hòa giải không thông qua tòa án…(4) Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, cộng đồng, gia đình để đo lường hiệu quả khái niệm “niềm tin xã hội”.
Hội thảo là sự kiện giao lưu học thuật, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học quan trọng, hữu ích giữa Việt Nam - Ba Lan nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển nghiên cứu về xã hội học theo hướng chủ động, sáng tạo và duy trì sự ổn định xã hội trong tương lai.
Hà Trang