Tham dự hội thảo, về phía Viện Hàn lâm có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; Cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm.
Về phía Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam có bà Erika Staffas Edström, Thư ký thứ nhất, Trưởng ban Chính trị; ông Oscar Staffas Edström, Cố vấn, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế cùng một số chuyên viên của Đại sứ quán.
Về phía các đại biểu khách mời có bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Giám đốc bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Quảng Ninh, Chi Hội hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển; bà Lê Thị Thu Trang Viện FNF, Cộng Hòa Liên bang Đức, cùng các đại điện đến từ Trung tâm WTO và hội nhập VCCI.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại diện cho đại sứ quán Thuỵ Điển, các nhà khoa học, các tổ chức, các quý vị đại biểu đã tham dự đã đến và tham dự Hội thảo rất có ý nghĩa này.
Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh cho biết, cách đây 55 năm, ngày 11/1/1969, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) và Thụy Điển chính thức được thiết lập. Vào thời điểm đó, Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cho đến nay, trải qua các giai đoạn phát triển, quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa – giáo dục… Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam - Thụy Điển trên một số lĩnh vực vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, cụ thể như hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp hai nước sang nhau còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp như hiện nay, với phương châm “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”, Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế nói chung và là đối tác đáng tin cậy và hợp tác hiệu quả với Thụy Điển nói riêng.
Bởi vậy, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh khẳng định chủ đề của Hội thảo hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa nhằm mục đích kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển, nhưng cũng là diễn đàn khoa học để cùng nhau nhìn nhận, đánh giá lại 55 năm quan hệ hai nước, nhận diện những vấn đề đặt ra, trao đổi, thảo luận để tìm ra những giải pháp nâng tầm hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới với một mục tiêu chung là đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi nước nói riêng và toàn thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Erika Staffas Edström, Thư ký thứ nhất, Trưởng ban Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam rất vui mừng khi có mặt tại sự kiện khoa học có ý nghĩa này nhân kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước; đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Viện Hàn lâm đã tổ chức hội thảo này. Điều này minh chứng cho mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia được xây dựng dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.
Bà Erika Staffas Edström cho biết, năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ của hai nước Việt Nam – Thụy Điển, nó đã được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao của và các thỏa thuận mới có ý nghĩa. Hiện Chính phủ hai nước đã ký hai Bản ghi nhớ, củng cố các cam kết của chúng ta đối với các cuộc tham vấn chính trị và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và tăng trưởng xanh. Dựa trên những thành tựu này, bà Erika Staffas Edström mong muốn được nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược về đổi mới, công nghệ và giáo dục.
Với lịch sử quan hệ ngoại giao 55 năm qua, bà Erika Staffas Edström khẳng định 2 quốc gia có thể tự hào về mối quan hệ thương mại đang phát triển đều đặn giữa Việt Nam – Thụy Điển. Hiện nay nhiều công ty của Thụy Điển đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu toàn cầu. Điều này góp phần tạo việc làm tại Việt Nam và dĩ nhiên Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều công ty Thụy Điển, từ đó tạo ra nhiều việc làm tại Việt Nam…
Tại Hội thảo bà Erika Staffas Edström mong muốn đây là cơ hội để hai bên cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Năm nay cũng là năm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu của Thụy Điển và Thụy Điển đã chuẩn bị tốt để đóng góp vào hành trình của Việt Nam hướng tới đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và với kinh nghiệm và chuyên môn của mình, Bắc Âu trong đó Thụy Điển có rất nhiều điều để chia sẻ với Việt Nam.
Hội thảo nhận được 11 báo cáo của các, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước và in kỷ yếu. Ban tổ chức đã lựa chọn 6 báo cáo trình bày tại Hội thảo chia làm 02 phiên thảo: Phiên 1. “Quan hệ 55 năm Việt Nam – Thụy Điển” với các bài tham luận: (1) "Tổng quan 55 năm quan hệ Việt Nam – Thụy Điển: Lịch sử, hiện tại và hướng tới tương lai” của PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao; (2) “Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Thụy Điển” của ông Oscar Staffas Edström, Đại sứ quán Thụy Điển; (3) "Quan hệ Việt Nam – Thụy Điển trên lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” của TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Phiên 2. “Kinh nghiệm phát triển của Thụy Điển và hàm ý cho Việt Nam” với các bài tham luận: (4)”Tăng trưởng xanh ở Thụy Điển và gợi mở cho Việt Nam” của TS. Hồ Thanh Hương, Viện Nghiên cứu Châu Âu, VASS; (5) “Chiến lược chuyển đổi số của Thụy Điển và hàm ý cho Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng và ThS. Trịnh Thị Hiền, Viện Nghiên cứu Châu Âu, VASS; (6) "Kinh nghiệm quản lý môi trường và phát triển bền vững của Thụy Điển và gợi mở cho Việt Nam” của TS. Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo ông Oscar Staffas Edström, đầu tư hai chiều Thụy Điển – Việt Nam tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, cụ thể tính đến đầu năm 2024 đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam là 111 dự án, tổng giá trị 743,39 triệu USD, trong đó chỉ trong 2 năm 2023 và 2024 chiếm tổng giá trị 310 triệu USD, chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư lũy kế. Trong đó nổi bật là nhà máy vải và đệm túi khí hiện đại của Autoliv, trị giá 154 triệu USD tại Quảng Ninh và cung cấp 2000 việc làm, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Năm 2024, Công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm (Tetra Pak) đã công bố đầu tư thêm 106,6 triệu USD vào tháng 5/2024 để mở rộng cơ sở nhà máy hiện đại được xây dựng vào năm 2019 tại Bình Dương, nâng tổng vốn đầu tư lên 238,5 triệu USD vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có một số tập đoàn đầu tư vào Thụy Điển như Nutifood, một trong những doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam và Tập đoàn công nghệ toàn cầu FPT khai trương văn phòng đầu tiên tại Stockholm, Thụy Điển vào tháng 9/2024…
Đề cập đến quan hệ Việt Nam - Thụy Điển trên lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Thụy Điển là quốc gia có nhiều lợi thế so với Việt Nam cả về quy mô và tiềm lực nền kinh tế, đặc biệt là có thế mạnh về năng lượng xanh với mạng lưới doanh nghiệp công nghệ rộng lớn, các hoạt động về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, công nghệ thu giữ cacrbon, xử lý rác thải, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý tài chính và nhiều chính sách hỗ trợ các vườn ươm công nghệ rất hiệu quả…Do đó mong muốn Việt Nam và Thụy Điển sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, trao đổi các đoàn công tác của nhà quản lý, nhà khoa học.
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Sau khi nghe các báo cáo tham luận, các đại biểu và diễn giả có như những trao đổi hết sức thẳng thắn, cởi mở qua đó thu nhận được nhiều thông tin quan trọng và có ý nghĩa về tiềm năng của mỗi bên. Các ý kiến đều khẳng định, với các thế
mạnh của mỗi bên, việc khai thác các lợi thé sẵn có và sự tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi sẽ giúp cả hai nước cùng phát triển thịnh vượng và bền vững.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cảm ơn những ý kiến, trao đổi thảo luận của các vị đại biểu, về thực trạng quan hệ giữa Việt Nam với Thụy Điển trong 55 năm qua, những thế mạnh của Thụy Điền trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của các diễn giả với bài tham luận được chuẩn bị công phu đến từ Thụy Điển và Việt Nam. Hội thảo đã đánh giá được những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế trong quan hệ giữa Việt Nam với Thụy Điển trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, khoa học-công nghệ, môi trường và phát triển bền vững, trên cơ sở đó đưa ra nhận định về triển vọng phát triển quan hệ giữa hai quốc gia trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Minh Hồng