GS.TS. Võ Khánh Vinh và TS. Wilhelm Hofmeister
đồng chủ trì Hội thảo |
|
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch VASS, khẳng định, vấn đề về con người được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm trong quá trình phát triển đất nước, phát triển con người ở Việt Nam. Đây là một chủ đề có ý nghĩa trên nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn có ý nghĩa trong khu vực và quốc tế, và ngày càng trở thành tâm điểm và sự chú ý của nhân loại. Trong thời gian qua, dưới sự tác động của nhiều sự kiện: thiên nhiên, xã hội, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến chiến tranh, xung đột… đã tác động rất lớn đến nhận thức về con người và an ninh cho con người. Cộng động quốc tế, khu vực, đặc biệt ở Việt Nam ngày càng coi trọng vấn đề an ninh con người và triển khai các chương trình nghiên cứu, đào tạo, đặc biệt vấn đề tham vấn chính sách phát triển để đảm bảo an ninh cho con người. Do vậy an ninh cho con người trở thành một chủ đề chung của giới khoa học, giới hoạch định chính sách và toàn bộ xã hội. Đi tiên phong trên lĩnh vực này, trong thời gian qua VASS đã triển khai nghiên cứu mang tính chất đa ngành và liên ngành về an ninh con người, song những nghiên cứu này vẫn còn những hạn chế cần phải được tiếp tục triển khai nghiên cứu, đặc biệt phải nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước phát triển để chia sẻ kinh nghiệm trên phương diện lý luận, đào tạo và tư vấn chính sách.
|
|
|
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch VASS, phát biểu khai mạc Hội thảo |
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Tiếp lời GS.TS. Võ Khánh Vinh, TS. Wilhelm Hofmeister, cho biết, khái niệm về an ninh con người đã được đưa ra thảo luận ở các hội thảo quốc tế từ 20 năm trước, đó là phương thức hữu hiệu để suy nghĩ và tư duy về ứng phó của con người với những thách thức của thế kỷ XXI đến từ nhiều góc độ khác nhau và có những cản trở khác nhau. Những diễn biến về khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên thế giới, tác động đến tăng trưởng kinh tế, có ảnh hưởng khác nhau về xã hội đến các quốc gia. Xu hướng toàn cầu hóa, hệ thống tài chính, kinh tế có nhiều biến đổi; những cuộc xung đột, tình trạng bạo lực… ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia. Những nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh lương thực… mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân. Tình trạng phân hóa xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng ở các quốc gia cần phải tiếp cận từ các góc độ khác nhau để giải quyết. Không thể coi đây là những thách thức được giải đáp bằng một giải pháp đơn giản, mà nó cần sự kết hợp của nhiều phương án và cách tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau mới giả quyết được. Khái niệm về an ninh con người được tiếp cận đa chiều, đa dạng lấy con người làm trọng tâm trên các trụ cột khác nhau về an ninh con người với nguyên tắc giúp cho con người an toàn, không phải lo sợ. Mỗi quốc gia đảm bảo an ninh con người cho quốc gia mình và cho khu vực. Hội thảo là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng cách tiếp cận an ninh con người cho quốc gia, khu vực và quốc tế.
|
|
|
TS. Wilhelm Hofmeister, Trưởng đại diện KAS tại Châu Á, phát biểu tại Hội thảo |
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo được chia làm 4 phiên thảo luận với 13 tham luận, tập trung trình bày một số vấn đề chính sau:
Trong phiên 1, các diễn giả đã trình bày nhiều vấn đề liên quan nhằm hiểu rõ hơn về an ninh con người, các phương tiện và sự ràng buộc liên quan tới các yếu tố khác nhau của an ninh con người (an ninh kinh tế và phát triển bền vững, an ninh môi trường, an ninh lương thực và y tế, an ninh cá nhân, cộng đồng và an ninh chính trị)…của các diễn giả: GS.TS. Christan Arndt, Khoa Nông nghiệp, kinh tế và quản lý, Đại học Nurtingen- Geislingen, Đức; TS. Tamara Nair & TS. Alistair Cook, Trung tâm Nghiên cứu an ninh phi truyền thống (NTS) Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học công nghệ Nanyang (NTU), Singapore; Ông Conrado Heruela, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Bangkok, Thái Lan; TS. Bharat R Sharma, Giám đốc nghiên cứu (tài nguyên nước), Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), Ấn Độ; GS.TS. Mike Hardy, Giám đốc điều hành, Viện liên kết cộng đồng, Đại học Coventry, Anh Quốc
Phiên 2, GS.TS. Torberg Falch, trường Đại học khoa học và công nghệ Na Uy, đề cập đến vai trò của giáo dục - cơ sở cho phát triển con người thông qua so sánh hệ thống giáo dục Châu Á và Châu Âu.
Phiên 3, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và nhu cầu thúc đẩy hợp tác, đảm bảo an ninh con người trong bối cảnh khu vực ở các quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, thông qua các tham luận của ông Pou Sothirak, Giám đốc điều hành, Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia (CICP), Phnom Penh, Campuchia; Ông Young Chanthalangsy, Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế, Lào,...
Phiên 4, các diễn giả Việt Nam: TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, VASS và TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tập trung phân tích khái niệm an ninh con người từ góc độ lý luận đến thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham luận, trong phát biểu bế mạc, GS.TS. Võ Khánh Vinh và TS. Wilhelm Hofmeister đều khẳng định tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu về an ninh con người đối với nhân loại nhằm hỗ trợ cho việc kiến giải chính sách an ninh con người tại Việt Nam. Đồng thời, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết: dựa trên kinh nghiệm, hợp tác, trao đổi học thuật của các nước Châu Âu, Châu Á, khu vực ASEAN, VASS sẽ tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu mới, đề ra tiêu chí đo lường khái niệm về an ninh con người, góp phần khẳng định trên lĩnh vực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đào tạo, tư vấn chính sách phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo là không gian đối thoại, giao lưu học thuật hữu ích giữa các học giả Châu Âu, Châu Á nhằm trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh con người, thu hẹp khoảng cách về kiến thức cũng như phát triển chính sách hiệu quả trong việc đối phó với các vấn đề an ninh con người trên thế giới, khu vực và tại một số quốc gia cụ thể… góp phần gợi mở trong nghiên cứu và hoạch định chính sách hiệu quả thúc đẩy an ninh con người vì sự phát triển trong tương lai./.
Nguyễn Vũ