|
|
|
|
|
Hội thảo vinh dự được đón tiếp PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Hà Nội đến dự và chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của nhiều diễn giả trong nước và quốc tế: TS. Naila Maier-Knapp, Đại học Albert-Ludwigs (CHLB Đức); TS. Wai Mun Hong, Đạì học Autónoma de Madrid (Tây Ban Nha); PGS.TS. Lluc López Vidal, Đại học Mở Catalonia (Tây Ban Nha); GS.TS. Ruhanas Harun, Đại học Quốc phòng Quốc gia (Malaysia); PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế & Chính trị Thế giới; TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững Vùng; PGS.TSKH.Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; TS. Lê Mai Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật. Tham dự Hội thảo còn có đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu và giảng dạy: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Học viện Ngoại giao; Học viện An ninh Nhân dân; Bộ Quốc phòng; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang và Ông Peter Girke nhấn mạnh, việc phối hợp tổ chức hội thảo khoa học này là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa VASS và KAS, bởi từ lâu KAS đã là đối tác tin cậy của Viện Hàn lâm trong nghiên cứu, tư vấn chính sách, phối hợp tổ chức các sự kiện khoa học cùng nhiều hoạt động hợp tác thiết thực khác.
Trong lịch sử phát triển cận, hiện đại của thế giới đã và đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau về vấn đề an ninh nói chung và an ninh phi truyền thống nói riêng. Những năm gần đây, vấn đề an ninh phi truyền thống đã thu hút sự quan tâm ngày càng cao của các quốc gia. An ninh phi truyền thống trở thành nền tảng tạo ra cách tiếp cận mới trong đánh giá nhiều vấn đề phát triển lớn. Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2004 đã xác định an ninh phi truyền thống bao gồm an ninh con người và an ninh cộng đồng. Báo cáo cũng chỉ ra rằng vấn đề an ninh phi truyền thống liên quan tới 7 lĩnh vực chủ yếu là kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Một số nghiên cứu khác lại quy vấn đề an ninh phi truyền thống vào 5 lĩnh vực cơ bản: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa trong khi cũng có nghiên cứu lại chỉ rõ hơn 6 mối đe dọa của an ninh phi truyền thống là ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, tội phạm xuyên quốc gia, nạn khủng bố, dịch bệnh truyền nhiễm và thảm họa tự nhiên.
Trong mọi trường hợp, không ít thì nhiều đều có cảm nhận chung rằng các nguy cơ của an ninh phi truyền thống đang ngày càng tăng lên và sự tăng tốc của quá trình hội nhập khu vực dường như đang góp phần làm cho nguy cơ mất an ninh trở nên nghiêm trọng.
Toàn cảnh Hội thảo
Do vậy, Hội thảo hy vọng sẽ đem lại cách nhìn toàn diện hơn về an ninh phi truyền thống trong tiến trình hội nhập khu vực. Đặc biệt, các các đánh giá, kiến nghị có giá trị tại Hội thảo sẽ được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ghi nhận và phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền, các cá nhân, tổ chức có quan tâm, từ đó giúp có hiểu biết rõ ràng, đầy đủ hơn và có cách thức ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng gia tăng trong quá trình hội nhập khu vực.
Ba phiên của Hội thảo tập trung vào các chủ đề sau:
(1) Kinh nghiệm quốc tế ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống trong tiến trình hội nhập khu vực: Các tham luận đã tập trung phân tích những động lực hội nhập khu vực và liên khu vực của EU và ASEAN trong mối quan hệ với những thách thức an ninh phi truyền thống (TS. Naila Maier-Knapp); xem xét vấn đề năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở Trung Quốc và Indonesia (TS. Wai Mun Hong); tìm hiểu kinh nghiệm của các nước châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trong tiến trình hội nhập khu vực (PGS.TS. Lluc López i Vidal); và vấn đề kinh nghiệm của Việt Nam ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống trong tiến trình hội nhập khu vực (PGS.TS. Chu Đức Dũng).
Toàn cảnh Hội thảo
(2) Những vấn đề An ninh phi truyền thống trong tiến trình hội nhập khu vực và gợi mở chính sách cho Việt Nam. Các tham luận tập trung vào các chủ đề: An ninh con người, người tị nạn và di cư trong tiến trình hội nhập khu vực: kinh nghiệm Malaysia (GS.TS. Ruhanas Harun); An ninh kinh tế trong tiến trình hội nhập khu vực và sự lựa chọn chính sách của Việt Nam (TS. Nguyễn Chiến Thắng); An ninh môi trường trong tiến trình hội nhập khu vực và sự lựa chọn chính sách của Việt Nam (PGS. TS. Bùi Quang Tuấn).
(3) Đối phó với các thảm họa tự nhiên và nhân tạo trong ASEAN. Các diễn giả đã xem xét nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra ở khu vực cũng như kinh nghiệm đối với Việt Nam, như: Đối phó với thảm họa và các tình huống xã hội bất thường trong khu vực ASEAN và sự lựa chọn chính sách của Việt Nam (PGS.TSKH. Lương Đình Hải); An ninh nguồn nước trong tiến trình hội nhập khu vự và sự và sự lựa chọn chính sách của Việt Nam (PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh); Sức khỏe và an ninh lương thực trong tiến trình hội nhập khu vực và sự lựa chọn chính sách của Việt Nam (TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn); An ninh hàng hải cho ngư nghiệp, thương mại, vai trò cộng đồng ASEAN và sự lựa chọn chính sách của Việt Nam (TS. Lê Mai Thanh).
Hội thảo đem lại cho những thông tin toàn diện, nhiều chiều, có giá trị khoa học cao và thực sự bổ ích; tạo không gian đối thoại cho các học giả EU và ASEAN về vấn đề an ninh phi truyền thống; mang tới cho các học giả, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức xã hội Việt Nam những vấn đề về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm các nước EU, ASEAN về an ninh phi truyền thống; chia sẻ chuyên môn, sự hiểu biết và kinh nghiệm về vấn đề an ninh phi truyền thống trên thế giới, khu vực và tại một số quốc gia cụ thể, từ đó có những đề xuất gợi mở cho Việt Nam trong nghiên cứu và hoạch định chính sách liên quan. Đây cũng là diễn đàn để các đại biểu tham dự có thể trao đổi, thảo luận, đánh giá, làm rõ các quan điểm khác nhau và đưa ra các bài học kinh nghiệm, các giải pháp để ứng phó với những thách thức ngày càng gay gắt của an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hội nhập khu vực./.
Nguyễn Thu Hà