Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Phụ trách điều hành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, hơn hai năm kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, đại dịch đã có những tác động lớn đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, cả ở cấp vi mô và vĩ mô, cả ngắn hạn và dài hạn trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Với vai trò là một thiết chế xã hội, tế bào của xã hội, dịch COVID-19 có tác động trực tiếp tới từng gia đình thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau cả về nhận thức và hành vi chăm sóc, giáo dục, tâm lý tình cảm, cách thức tổ chức cuộc sống, cũng như mối quan hệ với cộng đồng, xã hội. Những tác động đó đòi hỏi khả năng thích nghi, ứng phó để khắc phục hậu quả của đại dịch và ổn định cuộc sống của mỗi gia đình.
Để có những nhận diện đầy đủ hơn về mức độ ảnh hưởng và khả năng ứng phó của gia đình Việt Nam trước đại dịch COVID-19, hội thảo sẽ nhằm đánh giá thuận lợi và khó khăn trong ứng phó, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất được các khuyến nghị chính sách phù hợp COVID-19.
GS. Emiko Ochiai, Giám đốc Viện nghiên cứu Châu Á, Đại học Kyoto chia sẻ, có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến sinh kế của các hộ gia đình theo nhiều cách khác nhau: Mất việc làm, giảm thời gian làm việc, không thể kinh doanh hàng hóa ... Có rất ít bằng chứng cho thấy tác động trực tiếp của COVID-19 đến khía cạnh kinh tế của các hộ gia đình như: tăng chi tiêu do điều trị y tế do COVID-19 và đặc biệt là mất lao động chính. Sự hỗ trợ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình trong gia đình là điều cốt yếu. Dữ liệu định tính cho thấy có mối liên hệ giữa giảm thu nhập với sức khỏe tâm thần của các thành viên trong hộ gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ chịu trách nhiệm quản lý chi tiêu hàng ngày, ngay cả trong bối cảnh "bình thường mới" vào năm 2022. Các hộ gia đình càng đa dạng về sinh kế thì khả năng phục hồi của họ càng cao .
Theo PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, các số liệu điều tra, nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ định kiến giới ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nặng nề, đến từ chính người phụ nữ, chẳng hạn như 30% phụ nữ tin rằng nam giới phải là người ra quyết định và là chủ gia đình. Số liệu thống kê cũng cho thấy thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp 2,1 lần so với nam giới, trong khi thời gian làm việc xã hội gần như nhau.
Gia đình Việt Nam một mặt bảo lưu những giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời ngày càng tiếp thu các giá trị hiện đại tiến bộ, trong đó phải kể đến mô hình vợ-chồng cùng đóng góp kinh tế. Điều này cho thấy gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng.
Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn nhiều bất cập. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc phân biệt đối xử theo giới tính trong gia đình vẫn phổ biến, quyền năng kinh tế của phụ nữ còn thấp so với nam giới, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại dai dẳng.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng đề cập tới những nội dung chính như: Tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống gia đình về tổ chức cuộc sống, chức năng gia đình, quan hệ gia đình…; ứng phó của gia đình trong hoạt động, cách thức tổ chức cuộc sống; kinh tế (tìm kiếm hoạt động sinh kế, kinh doanh, …); chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho các thành viên. Đồng thời, các diễn giả cũng thảo luận đến những vấn đề đặt ra trong ứng phó của gia đình đối với đại dịch COVID-19, các bài học kinh nghiệm, chính sách bảo vệ và hỗ trợ, mối quan hệ của gia đình và cộng đồng, chính quyền trong đại dịch…
PV.