GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm (thứ 2 từ bên phải sang) phát biểu tại phiên thứ nhất Hội thảo “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” |
|
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 150 đại biểu, bao gồm các nhà hoạch định chính sách từ các bộ, ngành và các tỉnh, thành khác nhau trong cả nước; giới nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu quốc gia; đại diện doanh nghiệp trong nước (tư nhân và nhà nước), đại sứ các nước G20 và ASEAN; đại diện của Liên hợp quốc cũng như các thể chế tài chính khu vực và quốc tế...
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu và đánh giá: Hội thảo được diễn ra vào thời điểm nhiều cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tiến hành tổng kết kinh nghiệm của gần 30 năm Đổi mới. Vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng góp phần làm phong phú thêm các luận cứ đầu vào trong việc tổng kết đánh giá cũng như xây dựng các định hướng về thể chế và chính sách của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Giáo sư, Chủ tịch Viện Hàn lâm bày tỏ mong muốn các thảo luận sẽ tập trung phân tích những thách thức của Việt Nam trong giai đoạn tới trong việc duy trì tăng trưởng nhanh và mang tính bao trùm, hướng tới đề xuất được một số định hướng cụ thể về cải cách thể chế và chính sách để giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Với Việt Nam, đạt được mức thu nhập trung bình là kết quả của nỗ lực rất lớn trong gần 30 năm Đổi mới, nhưng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình hướng tới nền kinh tế bền vững và bao trùm đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy và tầm nhìn phát triển cũng như bản lĩnh và quyết tâm lớn của cả nền kinh tế”. Qua đó, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Hội thảo nên tập trung thảo luận về một số vấn đề như: tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước trong tương quan với các chủ thể khác trong nền kinh tế thị trường đang hội nhập quốc tế sâu rộng; xây dựng một cơ cấu kinh tế hiện đại như thế nào để tăng trưởng bền vững và bao trùm?; giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và cải cách cơ cấu trong trung và dài hạn; vị trí, vai trò mới của nông nghiệp đối với tăng trưởng bền vững và bao trùm; cần làm gì trong xu thế liên kết kinh tế đa tầng nấc để có thể tham gia và tranh thủ được tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Theo đó, các tham luận và trao đổi đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề cụ thể có liên quan như: Cải cách kinh tế: thách thức cho tăng trưởng bao trùm; Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế: phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn; Khai thác tiềm năng từ hội nhập quốc tế và khu vực hướng tới phát triển bao trùm và bền vững... Các ý kiến tập trung nhấn mạnh vào tầm định nghĩa và quan trọng của tăng trưởng bao trùm; xác định mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng và thể chế kinh tế; Thảo luận vào các cải cách ưu tiên hiện nay, làm thế nào để cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn với các giải pháp cải cách cơ cấu và thể chế trung và dài hạn? Đâu là cơ hội và thách thức, kinh nghiệm và bài học quốc tế phù hợp và những ưu tiên đối với Việt Nam; Thảo luận về những thay đổi trong chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất của thế giới và khu vực dưới tác động của hội nhập và liên kết kinh tế, thảo luận sâu vào ý nghĩa của những thay đổi này đối với Việt Nam, những cơ hội và thách thức đặt ra và những biện pháp cần thiết nhằm tối ưu hóa những lợi ích từ quá trình hội nhập, giải quyết câu hỏi: làm thế nào mà các nước có thể tận dụng được quá trình hội nhập khu vực để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững...
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm (hàng đầu, đứng thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự Hội thảo |
|
Có thể nói mặc dù đã đạt được thành tựu đáng khích lệ sau gần 30 Đổi mới nhờ việc đổi mới tư duy và nỗ lực cải cách hai nội dung cốt lõi là: Sự chuyển dịch từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế mà thực chất là chuyển từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở và chủ động hội nhập quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức canh còn thấp. Mặc dù có lực lượng lao động dồi dào song tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao. Đời sống của một số bộ phận dân cư còn khó khăn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh đòi hỏi ngày càng nhiều nguồn lực và công sức ứng phó...
Nhận định chung về con đường phát triển tại Việt Nam, Bà Helen Clark – Tổng Giám đốc UNDP nhấn mạnh: Việt Nam có thể lựa chọn con đường phát triển bao trùm và bền vững nhằm góp phần phát triển các thành tựu đã có để xóa nghèo và đẩy mạnh phát triển con người. Trong đó, cần chú trọng thực hiện các biện pháp cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản như là một phần hữu cơ trong chiến lược tăng trưởng của đất nước; Nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao là cần thiết để giúp Việt Nam có thể xác lập được lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới và tạo ra được nhiều việc làm tốt; Tạo nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và phù hợp; Chú ý đầu tư vào các dự án giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là một phần quan trọng của các chiến lược tăng trưởng bao trùm và bền vững; Phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn có vai trò then chốt để bảo đảm tối đa hóa tác động phát triển của các nguồn lực quốc gia.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhằm phấn đấu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại đến năm 2020 cũng được các học giả và đại biểu thảo luận như là một giải pháp giúp Việt Nam bước đầu thực hiện thành công chiến lược phát triển của mình.
Phát biểu bế mạc Hội thảo ông Nicholas Rosellini, Phó Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Phó Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNDP đã chúc mừng thành công của Hội thảo và cho rằng: Hội thảo được tổ chức rất kịp thời và phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tổng kết 30 năm Đổi mới. Với các hướng tiếp cận khá cụ thể, các bài tham luận đã góp phần phác thảo nên một bức tranh chung về bối cảnh nền kinh tế Việt Nam. Qua đó, gợi mở được nhiều vấn đề trong việc phải hoàn thiện thể chế, giảm thiểu bất bình đẳng, nâng cao tính minh bạch, tầm quan trong của việc thay đổi tư duy, các bài học cải cách rút ra từ các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan...; Phân tích các vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải trong việc hoạch định khối doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh...., ông khẳng định, bằng kinh nghiệm của mình, UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy cải cách hành chính công, đẩy nhanh sự phát triển con người, đặc biệt là đối với vùng sâu vùng xa,... nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Phạm Vĩnh Hà