Hội thảo quốc tế: “Chính sách đối ngoại của Iran và quan hệ Việt Nam – Iran trong bối cảnh mới”

17:00 12/11/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 12 tháng 11 năm 2014, tại số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Quốc tế (CIRE) Cộng hòa Hồi giáo Iran đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách đối ngoại của Iran và quan hệ Việt Nam – Iran trong bối cảnh mới” với sự tham gia của các đại biểu đến từ Việt Nam: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch VASS; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch VASS; các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành của VASS; và các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nghiên cứu ở các bộ, ban, ngành, trường đại học… Về phía Iran, có: TS. Hadi Soleimanpour, Giám đốc CIRE; Ngài Hosein Alvandi Behineh, Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam và các đại biểu đến từ Iran và Đại sứ quán nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam.

 

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo

  Các đại biểu tham dự Hội thảo của Việt Nam và Iran chụp ảnh lưu niệm

 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng và Ngài Hosein Alvandi Behineh, Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam cho biết: Hội thảo nhằm tăng cường hiểu biết về thực trạng khu vực Tây Nam Á nói chung, Iran nói riêng, chính sách ngoại giao hiện nay của Iran và đánh giá triển vọng quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững giữa hai nước. Đây cũng là hội thảo hiện thực hóa nội dung của Biên bản ghi nhớ giữa CIRE và VASS về trao đổi thông tin, nghiên cứu khoa học giữa hai nước.

Hội thảo được nghe 4 tham luận của diễn giả hai nước: “Tình hình chính trị-an ninh của khu vực Bắc Phi – Trung Đông hiện nay: nhìn từ góc độ một số cuộc khủng hoảng lớn” của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông & PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiền, VASS, phân tích những tác động trực tiếp từ nhiều cuộc khủng hoảng của khu vực này, trong đó nhấn mạnh, dù đã xảy ra từ lâu hay mới xuất hiện, dù có lúc âm ỉ hay lại bùng lên dữ dội thì các cuộc khủng hoảng đều chứa đựnggần như tất cả các loại mâu thuẫn cơ bản của khu vực và đều gây nên những tác động toàn diện đến cấu hình của khu vực này trong các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến chính trị- an ninh.

 

 

Bà Ziba Farzinia, Viện Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế Iran trình bày tại Hội thảo   Toàn cảnh Hội thảo

 

Tham luận: “Iran và  diễn biến tình hình Trung Đông” do Bà Ziba Farzinia, Trưởng khoa Nghiên cứu các vấn đề về Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế Iran trình bày, nêu lên ý nghĩa địa chính trị với khu vực và quốc tế của Iran đối với phát triển  con người, văn hóa, và giao lưu văn hóa Đông Tây.

Tham luận “Vai trò của Iran và Tây Á và quan hệ với Việt Nam” do TS. Hadi Soleimanpour, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Quốc tế, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Hồi giáo Iran trình bày, nêu bật tầm quan trọng của việc liên kết các nước trong khu vực: thương mại, năng lượng… Việc giao lưu của người dân Việt Nam và Iran sẽ tăng cường phát triển du lịch, trao đổi học giả, giáo dục…

Tham luận của PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, VASS, tập trung phân tích Quan hệ Việt Nam – Iran trong bối cảnh chính sách đối ngoại mới của Iran và những triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tương lai, đồng thời chỉ ra một số thách thức của mối quan hệ này, chủ yếu do việc thiếu thông tin về nhu cầu hợp tác và tập quán kinh doanh của mỗi nước. Quan hệ hợp tác trực tiếp còn hạn chế nên hơn 50% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Iran phải thông qua trung gian.

Các đại biểu tham dự cho rằng, nhìn vào tương lai từ nay đến năm 2020, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, dầu khí và công nghiệp. Những ngành mà Iran có triển vọng hợp tác với Việt Nam gồm sắt thép, sản xuất ô tô, hóa dầu, công nghệ thông tin, dệt may, máy móc thiết bị, giao thông vận tải, năng lượng, sản xuất điện, đặc biệt ngành năng lượng với trên 100 năm kinh nghiệm của Iran.

Trong thời gian tới, Iran và Việt Nam có thể là hai cánh của vành đai kinh tế - chính trị ở Châu Á, và là cửa ngõ để mở rộng thương mại và phân phối hàng hóa cho nhau. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, việc chủ động thúc đẩy tăng cường hợp tác sẽ giúp hai nước giảm thiểu rủi ro, tận dụng được thế mạnh, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đây là Hội thảo khởi đầu cho hợp tác nghiên cứu giữa hai bên, các hoạt động giao lưu và trao đổi học thuật khác cần được tăng cường như: trao đổi nghiên cứu, xuất bản phẩm, giáo dục ngôn ngữ, xây dựng từ điển Việt Nam – Ba Tư... Cần thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp, năng lượng; hợp tác giáo dục qua việc đẩy mạnh dạy tiếng Việt và tiếng Ba Tư; xúc tiến các chương trình nghiên cứu Iran tại Việt Nam. Hai bên chủ trương kết hợp giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp để cùng tìm hiểu những thế mạnh trong các lĩnh vực, góp phần mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau./.

 

Nguyễn Vũ

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác