Tham gia Hội thảo, về phía khách quốc tế có bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam; GS.TS. Jörg Menzel, Đại học Tổng hợp Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức); ông Clauspeter Hill, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Thái Lan. Về phía Việt Nam có GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương; các Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh...
Hiến pháp phải là một biểu hiện của khế ước xã hội, thể hiện rõ chủ quyền nhân dân, cần được bảo vệ theo cách thức riêng. Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu rõ cần xây dựng cơ chế để bảo vệ Hiến pháp và xử lý các hành vi vi phạm Hiến pháp. Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua, Viện Nhà nước và Pháp luật cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Viện KAS, đã tích cực nghiên cứu về cơ quan bảo hiến và xây dựng một mô hình tài phán Hiến pháp ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát nhấn mạnh “Cùng với việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đến lúc này chúng ta vẫn còn cơ hội, khả năng tiếp tục góp ý vào nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về nội dung cơ quan bảo hiến. Vấn đề này cần được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, thảo luận nhiều hơn để tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí của nhân dân”.
Các đại biểu đã nghe GS.TS. Jörg Menzel giới thiệu về sự phát triển của Hiến pháp và cơ chế bảo hiến ở CHLB Đức. Hiện nay trên thế giới có 4 loại mô hình bảo hiến chính, đó là:
-
Không có cơ chế bảo hiến độc lập, quyết định của Nghị viện là cao nhất.
-
Hệ thống các tòa tư pháp tối cao có thẩm quyển đưa ra phán quyết về tính hợp hiến.
-
Hội đồng Hiến pháp.
-
Tòa án Hiến pháp.
GS.TS. Jörg Menzel cho biết thêm, CHLB Đức áp dụng cơ chế bảo hiến theo mô hình Tòa án Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp ở Đức gồm có 2 Viện, mỗi viện có 8 thẩm phán, được lựa chọn bởi Nghị viện và được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 12 năm, không bổ nhiệm lại nhằm tạo điều kiện cho các thẩm phán có đủ thời gian dài để hoạt động như một thẩm phán.
Mỗi năm, Tòa án Hiến pháp tiếp nhận khoảng 6.000 vụ việc, về 3 lĩnh vực chính: Xâm phạm những quyền cơ bản của con người; Giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước cũng như giữa người dân với cơ quan nhà nước; Giải thích pháp luật quốc tế. Phần lớn các vụ việc trước đó đã giải quyết ở tòa án thông thường và không thỏa mãn các điều kiện để được xét xử tại Tòa án Hiến pháp, tỷ lệ xét xử chỉ chiếm 3%. Tuy nhiên, con số này rất có ý nghĩa, vì những vụ việc này đều là những vụ việc xâm phạm có ý nghĩa và đủ điều kiện xét xử tại tòa án Hiến pháp. Điều tra cho thấy tòa án Hiến pháp có uy tín lớn vì nhiều vụ việc không giải quyết ở tòa thông thường thì có thể bảo vệ tại tòa án Hiến pháp.
Bàn về chức năng giải thích Hiến pháp, GS.TS. Jörg Menzel cho biết, với tòa án Hiến pháp, áp dụng giải thích theo “thời gian” - “đúng lúc” vì Hiến pháp là cơ thể sống, không chỉ dựa trên những gì biết trong quá khứ mà cho rằng không cần thay đổi. Chúng ta cần hiểu thực tế cuộc sống thay đổi theo thời gian. Ví dụ, 60 năm trước đây, đồng tính được coi là vi phạm pháp luật, đến thời điểm nào là hợp pháp và không bị đặt ra ngoài pháp luật nữa. Do đó, giải thích pháp luật, đặc biệt là về các quyền cá nhân của con người ở Hiến pháp đã thay đổi nhiều. Những gì nhận thấy ngày nay không phải là những gì của 60 năm trước.
Trao đổi về bài phát biểu của GS.TS. Jörg Menzel, GS.TS. Võ Khánh Vinh đưa ra 2 câu hỏi cho GS.TS. Menzel:
1) Với tư cách chuyên gia nghiên cứu tổ chức cơ chế bảo hiến ở Đức, theo ông, sự hình thành cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp có phải tất yếu phổ quát ở Châu Âu và thế giới hay không? Nếu là tất yếu thì tiền đề, điều kiện gì là sự quyết định cho sự ra đời đó?
2) Về hai mô hình Tòa án Hiến pháp và Hội đồng Hiến pháp, trên phương diện khoa học, xét một cách tổng thể thì mô hình nào là tối ưu nhất?
Theo GS.TS. Menzel, trên thế giới có khoảng 70 Tòa án Hiến pháp, 20 Hội đồng Bảo hiến và các tòa án tối cao đảm nhiệm chức năng bảo hiến. Mặc dù về số lượng, các nước có xu hướng lựa chọn Tòa án Hiến pháp nhưng khó có thể đưa ra một kết luận mang tính tất yếu. Nếu một quốc gia đã lựa chọn mô hình Tòa án Hiến pháp thì thường không xóa bỏ nó. Về quyền lực, các quốc gia có thể trao quyền khác nhau cho tòa bảo hiến, và có thể thay đổi, mở rộng hay thu hẹp thẩm quyền, nhưng việc xóa bỏ thì gần như không thấy.
Điều quan trọng trong việc thành lập tòa bảo hiến là phải được sự đồng thuận từ các nhánh quyền lực khác. Khi được thành lập thì phải đảm bảo tính chính đáng, tính chính danh của cơ quan mới được thành lập. Do đó, tại Đức, khi mới thành lập, tòa bảo hiến gồm các thẩm phán rất giỏi, có đủ bản lĩnh, trình độ để đối mặt với sự phản ứng của các cơ quan nhà nước khác. Họ có uy tín với công chúng ngay từ đầu bằng cách hỗ trợ chính phủ trong việc đảm bảo quyền cơ bản của công chúng mà không phải là thiết chế đối kháng với các cơ quan nhà nước khác.
Giữa mô hình Tòa án Hiến pháp với Hội đồng Hiến pháp, ông ủng hộ Tòa án Hiến pháp vì nó tạo ra có chế bảo hiến mạnh mẽ nhất nhưng không nên kết luận nếu chỉ dựa trên thuật ngữ bởi thực chất quyền lực của Hội đồng bảo hiến của Pháp cũng rất mạnh. Do đó, cần nhìn vào thẩm quyền thực sự của thiết chế bảo hiển và quyền lực được giao.
Theo PGS.TS. Lê Minh Thông, cả hai mô hình Hội đồng Hiến pháp và Tòa án Hiến pháp đều có những ý tưởng hay, đều có ưu thế và hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề cần thảo luận. Tuy trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp nhưng chỉ là bước đầu đề xuất một cơ chế bảo hiến, không có nghĩa “bịt kín” con đường lựa chọn những mô hình khác. Những góp ý từ Hội thảo sẽ cung cấp thông tin quan trọng giúp Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoàn thiện thiết chế bảo hiến hữu hiệu hơn.
Mô hình Hội đồng Hiến pháp còn nhiều hạn chế, đây chưa phải cơ quan tài phán mà chỉ là cơ quan bổ trợ thêm cho các cơ quan bảo hiến hiện hành. Thực tế, Việt Nam cũng đã có cơ chế bảo hiến không chuyên trách, thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Quốc hội kiểm soát hoạt động Chính phủ, Chính phủ kiểm soát hoạt động chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc… thực hiện giám sát. Trong đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được xem là cơ quan chuyên trách nhất trong vấn đề bảo hiến.
Tuy vậy, do có quá nhiều cơ quan tản mát cùng thực hiện nhiệm vụ bảo hiến nên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việt Nam muốn có một cơ chế bảo hiến chuyên nghiệp hơn để bổ sung cho cơ chế hiện hành. Và ngay cả khi có Tòa án Hiến pháp hay Hội đồng Hiến pháp thì không có nghĩa loại bỏ mà sẽ vẫn tiếp tục cơ chế bảo hiến hiện hành do đặc thù hệ thống chính trị Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, Hội thảo đã làm rõ và khẳng định giá trị thiêng liêng của Hiến pháp cũng như cần thiết phải thiết lập một cơ chế chuyên biệt về bảo vệ Hiến pháp. Các đại biểu được cung cấp những thông tin rất hữu ích từ nước Đức, nơi có mô hình hình Tòa án Hiến pháp hoạt động hiệu quả và đáng để chúng ta nghiên cứu và học hỏi.
Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi Ban soạn thảo Hiến pháp với mong muốn có thể góp một phần nhỏ vào việc xây dựng và hình thành nên bản Hiến pháp thực sự có giá trị.
(Theo: isl.gov.vn)