Tham dự Hội thảo, về phía các đại biểu quốc tế có sự hiện diện của Giáo sư Joao J.Vila Cha, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Giá trị và Triết học; Giáo sư William Sweet, Đại học St. Francis Xavier Nova Scotia, Canada; Giáo sư Trần Văn Đoàn, Đại học Quốc gia Đài Loan; Giáo sư Ou Yang Kang, Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, Trung Quốc. Về phía các đại biểu Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học; GS.TS. Phạm Văn Đức, Nguyên Phó Chủ tịch VASS, nguyên Viện trưởng Viện Triết học; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch VASS; Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyên Viện trưởng Viện Triết học. Tham dự hội thảo còn có sự góp mặt của nhiều học giả, nhà nghiên cứu đến từ Viện Triết học và các viện nghiên cứu khác của VASS và các trường Đại học của Việt Nam.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vấn đề hệ giá trị quốc gia được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến trong Bài phát biểu tại Hội nghị, trong đó có thể hiểu hệ giá trị quốc gia bao gồm 9 thành tố: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình, hạnh phúc.
![Giáo sư Joao J.Vila Cha phát biểu chào mừng tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs%20vila%20cha.jpg) |
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Giáo sư Joao J.Vila Cha bày tỏ niềm vinh dự được đến góp mặt tại Hội thảo và trân trọng mối quan hệ hợp tác lâu dài của Viện Triết học và RVP trong thời gian qua. Theo đó, nhờ sự hợp tác này mà hai bên đã có một diễn đàn khoa học hữu ích trao đổi các vấn đề quan trọng trong triết học và xã hội đương thời được các học giả, chuyên gia tại Việt Nam và quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận. Nhân dịp này, giáo sư đã dành tặng Viện Triết học cuốn sách mới được xuất bản gần đây của RVP được biên tập bởi GS. Villa Cha và GS. Hu Yeping mang tên “Thinking with many and others”. Đây là cuốn sách tổng hợp các quan điểm của các học giả đã từng tham gia tọa đàm trong những năm gần đây, trong đó có các học giả Việt Nam. Giáo sư mong rằng món quà nhỏ này sẽ tượng trưng cho mối quan hệ hợp tác lâu dài và tiếp tục phát triển bền vững giữa Viện Triết học và RVP.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Triết học, phát biểu khai mạc tại Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Tài Đông nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu, học giả trong nước và quốc tế đến tham dự hội thảo. PGS. TS. Nguyễn Tài Đông đã phân tích khái niệm Giá trị dưới góc độ tiếp cận của Chủ nghĩa Mác, Lê-nin. Theo đó giá trị không chỉ dừng lại là sở thích, mong muốn hay quan điểm của mỗi cá nhân mà bản thân giá trị có tính khách quan, tính quy luật và bám sát thực tiễn. PGS.TS. Nguyễn Tài Đông khẳng định, sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại cho thấy, bất kỳ quốc gia nào muốn đoàn kết ý chí và sức mạnh của toàn xã hội đều phải có hệ giá trị dân tộc tương thích với mô hình kinh tế, thể chế chính trị và truyền thống lịch sự văn hóa. Trong bối cảnh thế giới đang có những biến đổi sâu sắc, các xu thế lớn trên thế giới ngày càng khó lường, thâm chí có mầm mống của một cục diện hỗn loạn, trước những bài học lịch sử sâu sắc mà Việt Nam đã trải qua, với tư cách một quốc gia dân tộc với 54 dân tộc anh em, Việt Nam cần một dân tộc đồng lòng nhất trí với sức mạnh cốt lõi, sâu xa, đó chính là các giá trị dân tộc. Văn hóa và các giá trị truyền thống có thể cung cấp chỗ dựa tinh thần cho sự phát triển các giá trị quốc gia.
![Toàn cảnh Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/324_toan%20canh%20hoi%20thao.jpg) |
Trước diễn biến xã hội ngày càng phức tạp như: làn sóng nhập cư, khủng bố, xung đột sắc tộc, va chạm văn hóa, mâu thuẫn tôn giáo nảy sinh đan xen, làm trầm trọng thêm sự khác biệt giá trị giữa các tầng lớp, nhóm cộng đồng, phát sinh các vấn đề xã hội, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông nhấn mạnh, sự hình thành các giá trị mới của nhiều nhóm riêng lẻ đã tác động, thách thức giá trị quốc gia với tư cách là nền tảng tư tưởng, nền tảng đạo đức của văn hóa dân tộc.
Ngày càng nhiều người nhận ra sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa tương đối; đồng thời nhận thấy, giá trị cốt lõi của quốc gia hay còn gọi là giá trị dân tộc, đã và đang giúp các dân tộc vượt qua xung đột nội tại, hình thành bản sắc, duy trì đoàn kết và ổn định trong xã hội. Giá trị dân tộc vừa đảm bảo tự do cá nhân, vừa bảo vệ quyền con người, hướng đến xóa bỏ bất bình đẳng; đồng thời, thể hiện ý chí của cả dân tộc, khát vọng, sứ mệnh của toàn dân chứ không chỉ là một lựa chọn hay đặc quyền dành cho số ít người. Giá trị dân tộc được hình thành từ thực tiễn phát triển của mỗi quốc gia.
Trong các thời kỳ khác nhau, với những điều kiện lịch sử cụ thể, mỗi dân tộc lại lựa chọn cho mình các giá trị khác nhau và dành ưu tiên khác nhau cho các giá trị đó. "Những lựa chọn và ưu tiên này thường được gắn với những vấn nạn hoặc cho sự tồn vong hay hưng thịnh của quốc gia đó", PGS.TS. Nguyễn Tài Đông chia sẻ.
Về giải pháp phát huy giá trị truyền thống dân tộc trong hành trình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, bà Mai Diệu Linh (Viện Triết học) cho rằng, cùng với việc giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cần phát huy các giá trị đó với bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Để giải pháp này thực hiện có chiến lược lâu dài, bài bản và mang tầm quốc gia, cần phát huy vai trò của Nhà nước, phối hợp với các lực lượng liên quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm tiếp tục bảo tồn, phát triển và quảng bá các giá trị truyền thống Việt Nam ra thế giới.
Nghiên cứu về giá trị quốc gia và định hướng giá trị trong sự phát triển của cá nhân và xã hội, ông Nguyễn Anh Tuấn (Viện Triết học) nhận định, trên thực tế, giá trị quốc gia và việc định hướng giá trị đối với từng cá nhân và toàn xã hội là bản chất của từng thành viên trong xã hội đó và cũng là công cụ để thỏa mãn lợi ích, nhu cầu của cá nhân.
Theo định nghĩa này, các cá nhân vừa mang giá trị nhưng cũng đóng vai trò đưa ra chuẩn mực, mục tiêu và lý tưởng của giá trị đó. Vì vậy, khi xác định và nghiên cứu các giá trị phải tính đến cấu trúc phức tạp của các giá trị này, trong đó có hình thức liên kết và tương tác lẫn nhau giữa từng cá nhân.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề về giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quần chúng nhân dân, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; khai thác, vận dụng những kinh nghiệm để phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.../.
Nguyễn Thu Trang và Lý Thanh Hương TTXVN