Nhận định về quan hệ hợp tác giữa hai nước, PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn nhấn mạnh: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Campuchia và Campuchia – Việt Nam giai đoạn 1993-2013 đã đạt được những thành tựu khá ấn tượng. Về hợp tác chính trị, Việt Nam và Campuchia cùng hướng tới nguyên tắc chỉ đạo: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, hình thành cơ chế cụ thể, từng bước đàm phán giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, kiều dân; Thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia (CPC)) và hai Nhà nước (Chính phủ Việt Nam và Chính phủ liên minh cầm quyền CPC)… Về hợp tác quốc phòng và an ninh, Việt Nam và Campuchia phối hợp chặt chẽ trong nắm bắt thông tin, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển của mỗi nước, công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ được triển khai tích cực và đạt hiệu quả. Về hợp tác đầu tư, Việt Nam có 120 dự án đầu tư sang Campuchia, đạt 2,6 tỷ USD (tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư của Việt Nam), tiếp đến là sản xuất điện (43,2%), thứ ba là tài chính, ngân hàng (11,12%), công nghiệp, khai khoáng và vận tải kho bãi (10%), ngoài ra còn các lĩnh vực khác như viễn thông, thông tin, y tế… cũng được chú trọng hợp tác. Về hợp tác thương mại, hai nước đã cải thiện được hành lang pháp lý và ký kết nhiều hiệp định thương mại như: Hiệp định thương mại năm 1998, Hiệp định mua bán trao đổi hàng hóa, dịch vụ thương mại tại khu biên giới (2001), Hiệp định quá cảnh hàng hóa (2008), Thỏa thuận ưu đãi hàng hóa năm 2010; Kim ngạch xuất khẩu hai nước không ngừng được cải thiện, năm 2012, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam – Campuchia đạt 3,4 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2011. Hiện nay Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam và Việt Nam là nước xuất khẩu thứ 4 của Campuchia. Chính phủ hai nước đã nhất trí mở và nâng cấp một số cặp cửa khẩu, xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, siêu thị miễn thuế, chợ dọc biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi và giao lưu giữa hai bên (hiện nay trên toàn tuyến biên giới có 10 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu chính, 30 cửa khẩu phụ, 9 khu kinh tế cửa khẩu, 107 chợ biên giới (70 chợ biên giới, 14 chợ cửa khẩu, 23 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu…). Về hợp tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hai nước đã tăng cường được số lượng, mở rộng về quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trao đổi khoảng 3.500 lưu học sinh, cán bộ sang học ở nhiều chuyên ngành khác nhau…
Ngoài việc cùng nhau khẳng định những kết quả khả quan trong quan hệ hai nước, các nhà khoa học hai bên cũng cho rằng cơ chế, chính sách hợp tác giữa hai quốc gia còn chưa thật sự phù hợp để hỗ trợ hay thúc đẩy sự hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu còn thấp so với mục tiêu, hiện tượng gian lận thương mại còn phổ biến và phức tạp; Các dự án đầu tư sang Campuchia quy mô còn nhỏ, các doanh nghiệp còn hạn chế về khả năng tài chính và năng lực quản lý điều hành; Hai bên còn chưa có kế hoạch đào tạo dài hạn, ổn định và chưa có kế hoạch theo dõi sử dụng đào tạo để kịp thời điều chỉnh nội dung, chất lượng và hình thức đào tạo; Những cam kết được thỏa thuận ghi nhận viện trợ còn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các bộ, ngành, địa phương hai bên dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị dự án và đã có những ảnh hưởng nhất định đến uy tín và quan hệ hợp tác giữa hai bên; Hợp tác các địa phương sôi động nhưng hạn chế và nguồn lực hợp tác nên hiệu quả chưa được như mong muốn v.v…
Dự báo xu hướng hợp tác giai đoạn 2013-2020, các ý kiến trao đổi đều cho rằng cả hai bên cần dựa vào quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong giai đoạn mới, dựa vào sự tương đồng về văn hóa, tài nguyên, nguồn lực… để mở rộng các dự án đầu tư. Cần ưu tiên đẩy mạnh các chính sách hợp tác trên các lĩnh vực như: dịch vụ, tài chính, đầu tư, thương mại, du lịch, sản xuất chế biến… trên quan điểm hai bên cùng có lợi, để thắt chặt và tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia trong bối cảnh mới của hai nước, khu vực và quốc tế./.
Phạm Vĩnh Hà