Hội thảo quốc tế “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ đảm bảo phát triển tại Việt Nam và Lào”

17:00 28/06/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Đươc sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và trong khuôn khổ hợp tác giữa 04 cơ quan: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA), Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào (NAPPA) và Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES), ngày 29/6/2023, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, 04 cơ quan phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ đảm bảo phát triển tại Việt Nam và Lào”.
TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng các Phó Chủ tịch VASS là TS. Đặng Xuân Thanh và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh; GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc HCMA; PGS. Phouvong Oukhamsane, Giám đốc NAPPA; TS. Sonethanou Thammavong, Chủ tịch LASES; đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, Đại diện Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND Tỉnh Lào Cai. Tới dự Hội thảo còn có sự hiện diện của đồng chí Daosavanh Kheuamyxay, Phó Giám đốc NAPPA; TS. Amphayvanh Khamsengsivilay, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch LASES; PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc HCMA; đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lào Cai cùng các đồng chí đại biểu đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công an; các đồng chí đại diện cho các Sở ban ngành, Trường chính trị tỉnh Lào Cai; các đồng chí đại diện cơ quan báo chí đến trung ương và địa phương và đặc biệt là 70 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đến từ VASS, HCMA, NAPPA, LASES.

GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh<br>phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Lào và Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng trên thế giới, cả Lào và Việt Nam đều đang đối mặt với những thách thức lớn, cần phải có các đối sách phù hợp để tiếp tục duy trì và thúc đẩy tăng trưởng cũng như cải thiện hệ thống an sinh xã hội. Trong các thách thức đó, vốn và công nghệ đang là hai nhân tố quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành công của hai nước, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Đồng thời cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định quan điểm chỉ đạo trong giai đoạn 2021-2025 là phải tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước. Do đó, Việt Nam phải tập trung huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 9 của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cũng đã xác định nền kinh tế của Lào phải được chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy các lĩnh vực tạo lực kéo tăng trưởng kinh tế. Các lĩnh vực đó phải sử dựng công nghệ hiện đại, tạo ra việc làm hơn, và có tính gắn kết với các lĩnh vực khác của nền kinh tế và các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn có thể được tiếp tục nhưng phải gắn với tăng trưởng xanh và bền vững.

PGS.TS. Phouvong Oukhamsane, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào phát biểu<br> khai mạc tại Hội thảo

Chủ tịch Phan Chí Hiếu khẳng định, hội thảo là diễn đàn khoa học hữu ích cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, của Việt Nam và Lào chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững tại Việt Nam và Lào cũng như những kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này. Qua đó cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã được đặt ra của mỗi nước, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong quá trình thực hiện. 

TS. Sonethanou Thammavong, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo HCMA, GS.TS. Lê Văn Lợi gửi lời chào mừng đến toàn thể các đại biểu Việt Nam và Lào tham dự. GS.TS. Lê Văn Lợi khẳng định, vốn và công nghệ là hai nguồn lực quan trọng nhất đối với quá trình phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ sẵn có. Đồng thời, có những chính sách đột phá để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài; tiếp cận những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư bằng những chính sách, biện pháp hợp lý, phù hợp với trạng thái phát triển của quốc gia mình.

Phó Giám đốc HCMA nhấn mạnh, bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đang là những thách thức đối với Việt Nam và Lào trong cuộc cuộc phát triển nhanh và bền vững. Qua đó, GS.TS. Lê Văn Lợi mong rằng, các nhà khoa học của hai nước sẽ cùng chia sẻ thực tiễn sinh động của việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn và công nghệ ở hai quốc gia láng giềng, chia sẻ về cách làm hay, sáng tạo để đưa quốc gia phát triển nhanh và bền vững.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo NAPPA, phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phouvong Ounkhamsane, Giám đốc NAPPA bày tỏ niềm vinh dự được đại diện cho Đảng, Chính phủ, nhân dân các dân tộc Lào và đội ngũ cán bộ, giảng viên NAPPA tham gia Hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội thảo đối với hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào- Việt Nam, Việt Nam- Lào.

Huy động, sử dụng vốn và công nghệ để phát triển đất nước là yêu cầu phát triển trong thời đại mới nói chung và CHDCND Lào nói riêng. Trên tinh thần đó, PGS.TS. Phouvong Ounkhamsane đã phân tích những thành tựu của Lào trong việc thực hiện thành công việc huy động và sử dụng vốn đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng năm; ứng dụng sáng tạo công nghệ vào sự phát triển của đất nước bằng chính sách thúc đẩy khoa học và công nghệ…Tuy nhiên, Giám đốc NAPPA cũng chỉ ra những mặt hạn chế, khó khăn trong việc huy động sử dụng vốn và công nghệ từ việc thống nhất các chính sách; cơ chế chặt chẽ trong quản lý, minh bạch trong việc sử dụng vốn; vận dụng thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số trong các lĩnh vực để mang lại lợi ích tối đa cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước…

Toàn cảnh Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo LASES, TS. Sonethanou Thammavong, Chủ tịch LASES cũng bày tỏ niềm vinh dự khi được Đoàn LASES được đón tiếp và tham dự Hội thảo. Chủ tịch Sonethanou Thammavong khẳng định tầm quan trọng của huy động vốn và công nghệ là chìa khóa và mang tính quyết định sự thành công của sự phát triển kinh tế- xã hội của các nước trong thời đại ngày nay. Trên cơ sở báo cáo tổng quan thực trạng về sự huy động vốn và công nghệ để phát triển kinh tế xã hội ở Lào, Chủ tịch LASES mong muốn, đây sẽ là tư liệu bước đầy cho các nhà nghiên cứu khoa học thảo luận và trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo.

Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệt liệt chào mừng đoàn công tác 04 cơ quan đến thăm và làm việc; đồng thời giới thiệu sơ lược thành tựu kinh tế- xã hội của Tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt đồng chí bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ đoàn công tác Việt Nam và Lào về tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Lào đến đầu tư các dự án tại tỉnh Lào Cai đối với lĩnh vực thế mạnh của tỉnh (Công nghiệp phụ trợ; công nghiệp chế biến, linh kiện điện tử, khai thác khoáng sản…); hợp tác về du lịch; giao lưu văn hóa góp phần đẩy mạnh hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Tọa đàm bàn tròn

Hội thảo quốc tế 4 bên Việt – Lào năm 2023 đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học hai quốc gia, với 40 bài viết tập trung vào những chủ đề trọng tâm của Hội thảo. Hội thảo, bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc, được tổ chức thành 3 phiên chuyên đề, kết hợp giữa trình bày tham luận tại Hội trường và Tọa đàm bàn tròn. Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, vốn là một nguồn lực quan trọng nhất đối với phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của vốn, ngay từ những ngày đầu Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh đến việc huy động và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nền kinh tế. Sau gần 4 thập niên của thời kỳ Đổi mới, Việt Nam đã không ngừng điều chỉnh thể chế quản lý kinh tế để huy động và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn của đất nước. Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhanh và khó lường của một thế giới đang thay đổi, cả Việt Nam và Lào cần đổi mới phương thức huy động và sử dụng vốn để có thể duy trì đà phát triển nhanh và bền vững.

Đại diện Lãnh đạo VASS, HCMA, NAPPA, LASES chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Thứ hai, cùng với nguồn vốn, công nghệ là một động lực quyết định của phát triển nhanh và bền vững đối với Việt Nam và Lào. Chúng ta đang là những quốc gia đi lên từ nền tảng của kỹ thuật lạc hậu, nhưng điều đó đang dần được thay đổi. Những công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và người dân ở Việt Nam và Lào đang được ứng dụng đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Quan trọng hơn, đóng góp của ứng dụng công nghệ tới phát triển nhanh và bền vững đang không ngừng gia tăng tại Việt Nam và Lào. Với những thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam và Lào sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp đột phá để có thể tiếp cận và tiến đến làm chủ những công nghệ tiên tiến này.

Thứ ba, kinh nghiệm quốc tế hiện nay về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, công nghệ đối với phát triển nhanh và bền vững thì có rất nhiều trên thế giới. Việt Nam và Lào là những quốc gia đi sau, có nhiều lợi thế trong việc học hỏi các kinh nghiệm quốc tế; nhưng vấn đề đặt ra là không phải bài học kinh nghiệm nào của các nước đi trước cũng phù hợp với tình thế và định hướng của Việt Nam và Lào. Bài học kinh nghiệm thì có thành công và thất bại, chúng ta không chỉ học những bài học thành công mà còn học cả những bài học thất bại để tránh đi vào vết xe đổ của các quốc gia đi trước.

Lãnh đạo 04 cơ quan và Lãnh đạo tỉnh Lào Cai chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Báo cáo của hội thảo và các đề xuất, khuyến nghị liên quan đến việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của Lào và Việt Nam, làm cở sở lý luận và thực tiễn cho quá trình hoạch định chính sách của hai nước.

Nhân dịp này, Lãnh đạo 04 cơ quan (VASS, NAPPA, LASES, HCMA) trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu của Lãnh đạo và cán bộ tỉnh Lào Cai. Sự tham gia và hỗ trợ của cán bộ tỉnh đã góp phần to lớn vào sự thành công của Hội thảo. Qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết hữu nghị Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác